100% thành viên UBTVQH có mặt biểu quyết thán thành việc bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2021; trình theo hình thức thủ tục rút gọn để Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Ảnh: Quốc hội
Ngày 8/12, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
"Việc sửa đổi, bổ sung các luật lần này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Đề xuất cho tư nhân đầu tư truyền tải điện
Tại nội dung sửa đổi bổ sung một số điều liên quan đến Luật Điện lực, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hương quy định nhà nước độc quyền trong "vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng" và "nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ".
Báo cáo thẩm tra sơ bộ nội dung sửa đổi, bổ sung chính sách phát triển điện lực (khoản 2 điều 4), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH,CN&MT) nhất trí với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung nội dung này để quy định rõ chủ thể thuộc các thành phần kinh tế được tham gia hoạt động truyền tải điện.
Tuy nhiên, để thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 55-NQ/TW, Ủy ban này đề nghị làm rõ một số vấn đề. Trong đó, bên cạnh việc thống nhất quan điểm cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định phạm vi giới hạn về thu hút đầu tư tư nhân tham gia xây dựng lưới điện truyền tải phục vụ mục tiêu đấu nối với phương thức đầu tư phù hợp, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về phân định phạm vi giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong hoạt động quản lý, vận hành lưới điện truyền tải quốc gia, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị làm rõ nội hàm, quy định cụ thể hơn về "lưới điện đồng bộ với nguồn điện" do chủ thể thuộc các thành phần kinh tế ngoài thành phần kinh tế nhà nước đầu tư xây dựng; rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan đến bảo đảm an toàn hệ thống điện trong trường hợp cho phép các doanh nghiệp tư nhân được tham gia vận hành lưới điện, quy định để bảo đảm yếu tố "độc lập" và "dưới sự kiểm soát của Nhà nước" trong vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Đáng chú ý, về chính sách giá điện và các loại phí có liên quan đến truyền tải điện, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy cần xem xét sửa đổi quy định về giá điện và các loại phí có liên quan đến hoạt động điện lực; tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nên cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Tăng cường phân cấp, phân quyền
Với nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, dự án Luật sửa đổi hướng tới mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương.
Theo đó, phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị với dự án có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 trở lên hay dự án đầu tư thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô, diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi; đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể việc phân cấp để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi.
Đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, để làm rõ sự cần thiết, tính cấp bách, đề nghị Chính phủ cung cấp thông tin về các trường hợp cụ thể tại khu vực bảo vệ II của các di tích đang gặp vướng mắc trong thực tiễn thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo rõ các vướng mắc do quy định của Luật hay do văn bản dưới luật và quá trình tổ chức thi hành.
Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần tiếp tục xem xét kỹ lưỡng vì sửa nhiều luật động chạm đến hệ thống pháp luật, cũng như có nội dung cấp bách nếu không kịp đưa vào thì mất cơ hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự án luật này được xem xét theo trình tự thủ tục rút gọn nên chỉ xem xét vấn đề cấp bách, cấp thiết và đánh giá tương đối đầy đủ tác động. Nội dung nào chưa đạt sự đồng thuận cao thì chưa đưa vào.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà lại một lần nữa xem bất cập hiện nay do vướng mắc ở luật hay do quy định ở nghị định, thông tư “đẻ” thêm thủ tục hành chính.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng việc cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang đô thị gặp khó trước quy định muốn sửa một khu tập thể cũ phải nhận được sự đồng ý của 100% cư dân. Việc giải quyết hàng nghìn chung cư cũ ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng... đang "tắc" vì quy định này. "Căn cứ nào để quy định yêu cầu 100% cư dân phải đồng ý mới được thực hiện, có khả thi trên thực tiễn hay không?", Chủ tịch Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Hà Nội cải tạo cả một khu tập thể chứ không phải từng toà và trong khu có nhiều loại, có cả những tòa được xây dựng chưa lâu, do đó quy định phải sát thực tế.
"Cơ hội này mà không sửa thì Chính phủ đang định thực hiện quy hoạch, cải tạo liên quan nhà tập thể sẽ vướng tiếp. Chính sách phải từ cuộc sống chứ không phải từ văn phòng", Chủ tịch Quốc hội nói.