Một lần, ngồi trò chuyện với diễn viên điện ảnh Lý Hùng, anh kể: "Ngụy Minh Khang là người em thân thiết, ngày xưa từng đến nhà Lý Hùng học võ với ba là võ sư - NSND Lý Huỳnh. Khang từng ở chung nhà 5, 6 năm và làm cận vệ riêng cho tôi.
Có một thời gian, Ngụy Minh Khang mất tích. Khang đi học diễn viên rồi đạo diễn, lăn lộn ở các đoàn phim làm đủ thứ việc không tên như bê nước cho diễn viên uống, xách đồ, chuẩn bị máy móc... chỉ để thực hiện nguyện vọng ấp ủ suốt 15 năm trời: làm phim về câu chuyện từng xảy ra với Khang và con chó Khang nuôi từ thời thơ ấu.
Khi biết được điều này và cầm kịch bản phim của Khang trên tay, tôi đã bị thuyết phục và muốn giúp đàn em. Quả thực, tôi đã không phải hối hận vì Khang thực sự là một đạo diễn có tài".
Câu chuyện của Lý Hùng đã thôi thúc tôi gặp chàng đạo diễn trẻ Ngụy Minh Khang...
Tạo hình của Lý Hùng hồ trong phim "Kẻ trộm chó" của đàn em thân thiết Ngụy Minh Khang.
Ba mẹ nghĩ tôi là người không bình thường
Theo tôi biết, làm phim tốt nghiệp, sinh viên phải tự bỏ tiền túi ra. Và thường ai cũng làm phim ngắn 5, 10 phút vừa sức của mình. Còn Ngụy Minh Khang lại làm cả một bộ phim điện ảnh thời lượng hơn 2 tiếng đồng hồ. Tại sao lại có sự liều lĩnh đó và bạn xoay sở tiền làm phim như thế nào?
Sự liều lĩnh đó là để trả món nợ cho một chú chó tên Phèn mà tôi nuôi hồi nhỏ. Tuổi thơ của tôi phải sống xa cha mẹ từ lúc mới lọt lòng và ở với bà ngoại nên người bạn duy nhất của tôi là Phèn.
Một ngày, Phèn bị những kẻ trộm chó bắt ngay trước mặt tôi. 5 giờ sáng, nghe tiếng người dân hô trộm chó, tôi bật dậy chạy ra thì thỉ thấy máu, thịt trên đường và tiếng kêu thảm thiết của Phèn.
Tôi cảm thấy có lỗi vì không bảo vệ được "bạn tri kỷ". Suốt một năm sau đó, tôi bị tự kỷ. Ngay cả bà ngoại là người gần gũi và thương tôi nhất nhưng tôi cũng không nói chuyện.
Đêm nào ngủ tôi cũng nằm mơ Phèn về. Những giấc mơ cứ lặp đi lặp lại và ám ảnh tâm thức tôi. Ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi đã có ý định học về điện ảnh để kể lại câu chuyện của Phèn cũng như phản ánh về thực trạng trộm và giết hại chó hiện nay.
Ngụy Minh Khang: Chia sẻ về phim "Kẻ trộm Chó" tại talkshow Nghệ sĩ đối thoại
Từ nhỏ, ba mẹ và cả hàng xóm ở quê luôn nghĩ tôi là đứa trẻ không bình thường. Đặc biệt, khi tôi bỏ Đại học xây dựng để theo học lĩnh vực nghệ thuật.
Khi biết con mình đi học đạo diễn chỉ để thực hiện nguyện vọng làm phim điện ảnh về vấn nạn trộm chó như một món nợ phải trả cho Phèn, ba mẹ nghĩ tôi tào lao.
Tôi khao khát muốn kể câu chuyện của mình nhưng để có tiền là một vấn đề nan giải. Ở quê, việc xin hai ba mươi triệu đã là điều gì đó rất ghê gớm, đằng này tôi xin cả mấy trăm triệu.
Sau mấy đêm suy nghĩ, ba đưa sổ đỏ đất cho tôi và nói "Ba không biết con có đưa lại cho ba được những thứ này không nhưng con hãy nhớ, đây không phải là tiền mà là mồ mả của ông bà tổ tiên".
Ba nói mà giọng như khóc. Không phải vì ba không tin mình mà vì đó là điều mà ba chưa từng nghĩ tới. Hơn nữa, văn hóa của người Việt rất quan trọng mồ mả tổ tiên, đó là điều rất thiêng liêng.
Ngụy Minh Khang
Cảm xúc và tâm lý Khang khi cầm tiền đi làm phim như thế nào?
Tôi cầm 400 triệu lên Sài Gòn và bắt tay vào dự án. 400 triệu đó là tiền ngân hàng cho vay khi tôi cầm sổ đỏ của gia đình và cả tiền của các cô chú, anh em mỗi người gom vào một ít.
Thật sự là tôi bị sức ép tâm lý. Suốt thời gian quay phim, tôi hầu như không ngủ được vì gánh nặng trên vai quá lớn - dù đã uống thuốc ngủ. Mọi người nói, nếu mày cứ không ngủ như vậy thì quay được 3 ngày là phải vào viện cấp cứu.
Không ai tin được rằng, tôi thức liên tục trong hơn 20 ngày. Suốt thời gian quay, mắt lúc nào cũng thâm quầng. Một ngày tôi chỉ ngủ 1 đến 2 tiếng đồng hồ, không sao yên giấc.
Ngay cả khi phim đóng máy, 1 giờ đêm, tôi dậy dắt xe ra ngoài một cách vô thức như một thói quen. Cậu bạn hỏi "mày làm gì vậy"? Tôi nói "ra đoàn phim". Bạn nói "đóng máy rồi mà". Tôi mới giật mình là phim đã quay xong.
Sau đó, tôi ngủ liên tục 2 ngày rưỡi gần 3 ngày không ăn. Và tôi ngủ rất sâu, rất ngon. Đó cũng là giấc ngủ đầu tiên tôi không mơ thấy con Phèn kể từ ngày nó chết.
Còn về số tiền mà gia đình đã cầm sổ đỏ để đưa Ngụy Minh Khang thì sao? Bây giờ khi phim đã có tài trợ và sắp ra rạp - bạn đã trả được sổ cho gia đình chưa?
Hiện tại, sổ đỏ vẫn đang nằm trong ngân hàng. Khi nào phim ra rạp, tôi sẽ được trả tiền tác giả và tiền đạo diễn. Ngay cả cát-xê cho diễn viên cũng mới thanh toán được một phần.
Nhưng điều vui nhất là khi tôi thông báo với ê-kip làm phim rằng "Kẻ trộm chó" sẽ được chiếu rạp, ai cũng bất ngờ. Bình thường người ta làm 10 phim cũng chỉ có 1, 2 phim được chiếu rạp, trong khi phim của mình vừa là tác phẩm đầu tay vừa là phim tốt nghiệp nữa. Điều đó thực sự quá may mắn với tôi!
Ngụy Minh Khang và Hứa Minh Đạt trên phim trường.
Làm phim để trả món nợ với một con chó
Dàn diễn viên trong phim "Kẻ trộm chó" đều là những ngôi sao, những bậc cha chú trong nghề như NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Minh Nhí, Phi Điều, Lý Hùng, Mạc Can, Tiết Cương, Hứa Minh Đạt... trong khi Ngụy Minh Khang còn quá non nghề, trẻ tuổi.
Để mời được họ đã khó, để các bậc cha chú trên phim trường tôn trọng lời nói của mình còn khó hơn. Bí quyết của Ngụy Minh Khang là gì?
Cách đơn giản là Khang kể câu chuyện của chính mình và khao khát làm phim về câu chuyện đó. Tôi viết kịch bản từ năm 2009, tới tận năm 2016 mới xong.
Và khi mọi người thấy tôi kể bằng tâm huyết thì họ đồng ý giúp. Đặc biệt, các cô chú, anh chị diễn viên khi họ nhận lời đóng phim này chỉ vì muốn giúp tôi tốt nghiệp, không ai hỏi cát-xê bao nhiêu và đều tuân thủ rất đúng giờ giấc.
Trên phim trường, tôi chia sẻ ý muốn của mình còn diễn như thế nào là tùy mọi người. Tôi không chỉ đạo. Bởi vì khi tôi mời cô Hồng Vân vai bà Năm, mời thầy Minh Nhí vai chủ đoàn lô tô, mời anh Hứa Minh Đạt vai Đen, mời anh Lý Hùng vai giang hồ... là tôi đã có sự tưởng tượng từ khi viết kịch bản.
Giống như tôi đang xem một bộ phim, thấy những diễn viên đó, những nhân vật đó nói và ngồi chép thoại lại chứ không phải viết xong kịch bản mới đi casting. Nên khi diễn, tôi chỉ việc giữ đúng tâm lý mọi người sao cho đúng kịch bản đó.
Và rất may mắn là khi ra phim trường, mọi người ai cũng tôn trọng tôi. Ngày 6-10, phim ra rạp. Sau khi chiếu rạp, phim sẽ được đại diện cho Việt Nam đi dự liên hoan phim bảo vệ động vật thế giới. Đó là điều ngoài sự mong đợi của tôi và toàn bộ ê-kíp.
Một cảnh trong phim "Kẻ trộm chó"
Trong phim này, Ngụy Minh Khang không chỉ đóng vai trò tác giả kịch bản, đạo diễn mà còn là diễn viên chính. Bạn có quá tham lam không?
Thực ra cũng có người hỏi như chị. Họ còn hỏi phim sau, Ngụy Minh Khang có đóng nữa không? Tôi nói có.
Tôi không nghĩ mình tham bởi vì nội dung phim, câu chuyện phim chính là cuộc sống của tôi. Tôi viết được kịch bản, có khả năng làm đạo diễn thì tại sao phải bán kịch bản cho người khác?
Tôi cũng đang làm đúng chuyên môn, năng lực của mình chứ không phải từ lĩnh vực bất động sản nhảy qua đóng phim vì dư tiền.
Tôi từng học diễn viên, tốt nghiệp lớp đạo diễn thì công việc đó nằm trong khả năng của mình. Ví dụ, tôi hát không hay nhưng giành hát ca khúc trong phim vì mình bỏ tiền ra mua thì đó mới gọi là tham.
Câu chuyện là của tôi, tôi đạo diễn nên muốn thể hiện nó. Và khi tôi làm diễn viên chính trong phim, tôi đỡ phải chỉ đạo diễn xuất cho mình.
Mọi người thấy thế nặng nề nhưng tôi lại thấy nhẹ. Bởi lẽ khi tôi diễn với người ta, tôi đo được cảm xúc của bạn diễn, xem họ diễn có tới không - vì đó là câu chuyện của tôi. Trong ký ức ấy, tôi biết cảm xúc thật của người đó như thế nào.
Khi diễn chung, tôi không nhìn monitor được nhưng thực sự là tôi đang kiểm soát bạn diễn và đẩy cảm xúc của họ đạt đến sự chân thật nhất.
Bằng chứng là khi anh Hứa Minh Đạt vào phòng thu lồng tiếng cho chính vai diễn của mình mà có một phân đoạn, anh không thể làm được.
Anh Đạt mất 3 tiếng đồng hồ chỉ để làm phân đoạn đó và chỉ diễn giọng được 8/10 so với bản ở trường quay. Vì lúc đó, anh Đạt diễn quá hay, quá cảm xúc mà chính bản thân anh ấy cũng không thể tin được đó là mình diễn.
Trailer phim "Kẻ trộm chó" - đạo diễn Ngụy Minh Khang
Ngụy Minh Khang ôm mộng nghệ thuật vì mục đích khá dị là để trả món nợ với một con chó bị người ta giết. Vậy còn sau phim này, còn món nợ nào bạn phải trả không?
(Cười) Sau phim này, tôi sẽ sống vì lý tưởng của mình, vì nghệ thuật.
Đúng như chị nói, bộ phim này tôi gửi tới Phèn và những người bạn đi trộm chó của mình. Tôi có vài người bạn học thời phổ thông đang làm công việc này.
Ban đầu, kịch bản "Kẻ trộm chó" chỉ là đơn giản là câu chuyện đau khổ của đứa bé bị người ta bắt mất chó nhưng sau khi tôi gặp, nói chuyện với những người bạn chuyên đi bắt trộm chó, tôi chuyển hướng kịch bản.
Họ có những góc khuất khác mà không phải ai cũng hiểu. Họ vì kế sinh nhai mà bất đắc dĩ làm chuyện đó. Và ở sâu thẳm trong con người họ, cũng có những suy nghĩ rất tốt.
Tôi khuyên họ bỏ công việc đó không được thì tôi mong họ xem được bộ phim này và bỏ công việc ấy đi.
Cảm ơn Ngụy Minh Khang về cuộc trò chuyện! Chúc phim "Kẻ trộm chó" được nhiều người đón xem và thông điệp bạn muốn gởi gắm có sức lan tỏa thật mạnh tới xã hội, tới cộng đồng!