Mới đây tôi đọc một bài viết về kinh nghiệm thu xếp tài chính để mua nhà khi trong tay chỉ có một phần tiền rất nhỏ, tác giả khuyên nên tận dụng các mối quan hệ quen biết để giảm tối đa số tiền vay ngân hàng, nhằm tiết kiệm lãi. Phương án nghe có vẻ hợp lý vì độ khả thi, nhưng lại “có gì đó sai sai”. Cách ứng xử liên quan đến tiền bạc kiểu ấy không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại nữa.
Ngày xưa, khi cần làm những việc lớn như xây nhà, cưới hỏi…, mọi người thường sử dụng số tiền, vàng tích cóp bấy lâu và nếu không đủ thì đi vay, trước hết là anh em, họ hàng, bạn bè thân, rồi đến người quen, đồng nghiệp… và sau đó trả dần. Đó là thời ai cũng nghèo, thường không có thói quen giao dịch ngân hàng và vay cũng không dễ, nên mượn tiền qua lại lẫn nhau vẫn là giải pháp tối ưu.
Nhưng nay hệ thống tài chính rất phát triển và tiện lợi, mọi người cần tiền phần lớn đều có cách để vay ngân hàng. Nó giúp bạn tránh được sự ngại ngùng khi phải mở lời làm phiền người khác, khi phải nghĩ cách nói sao để họ thông cảm cho bạn vay; tránh được sự lấn cấn khi cảm nhận được người ta không muốn cho vay nhưng không tiện từ chối…
Việc vay tiền ở các ngân hàng hiện nay thường khá thuận tiện, thủ tục nhanh gọn.
Người văn minh thời nay nên ra ngân hàng khi cần số tiền lớn. Đừng hỏi vay người quen, đồng nghiệp mỗi nơi một ít, vừa mệt mỏi cho bản thân vừa gây khó xử cho họ, vì bây giờ người ta thường đầu tư chứ mấy ai để tiền nhàn rỗi, do đó không sẵn lúc bạn hỏi là chuyện thường. Chị bạn tôi từng rút sổ tiết kiệm để cho đồng nghiệp vay mua xe vì cô ấy nói: “ Nhà chị khá thế chẳng lẽ không có nổi 100 triệu?”. Chị không muốn bị cho là keo kiệt, cũng không muốn giải thích vì sao mình chẳng sẵn tiền để khỏi phải nhìn vẻ mặt nghi ngờ của cô ấy. Chị chấp nhận mất số lãi của cuốn sổ kia, nhưng giúp người mà trong lòng kém vui.
Chưa chắc cô đồng nghiệp ấy thuộc kiểu thích lạm dụng người khác, chẳng qua chuyện vay tiền không lãi đã là nếp nghĩ cũ hằn sâu. Cách đây 15 năm, tôi cũng làm theo “cách truyền thống” này khi quyết tâm mua nhà, nghĩa là hỏi vay mỗi người một ít cho đủ. Cậu bạn tôi đáp tiền thì có nhưng không rút ra được, rồi nhắc: “Vay ngân hàng bây giờ dễ mà!”.
Lúc đầu tôi sững lại vì sượng, nhưng rồi sực tỉnh: Ừ nhỉ, nếu ra ngân hàng, chi phí mua nhà sẽ đội thêm khoản lãi; mình vay bạn bè thì có khác gì xin họ khoản tiền ấy. Mình mua nhà cho mình ở mà lại muốn người khác thay mình bỏ ra số tiền đó là sao? Từ đó về sau, nếu cần tiền mà không thuận lợi vay ngân hàng, buộc phải cầu viện bạn bè, tôi đều trả lãi, viết giấy nợ và trả đúng hạn. Tuy nhiên, cách này tôi cũng hết sức hạn chế vì không muốn gây cảm giác phấp phỏng bất an cho người ta. Vay tiền như vậy không chỉ nợ tiền mà còn nợ ân tình, nợ nhiều quá sẽ không trả nổi.
Có lẽ nhiều người cũng sẽ từ bỏ thói quen vay tiền không lãi nếu chợt nhận ra bản chất của việc này, giống như tôi lúc trước: Chúng ta đang đề nghị người quen chịu mất tiền thay mình. Thật không đáng vì cả hai bên đều có thể phải chịu những cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, khi ta cần tiền mà không có đủ, hãy coi việc trả lãi vay ngân hàng là đương nhiên, giống như ta không có ô tô thì đi thuê vậy thôi.
Tất nhiên, nếu là anh chị em ruột thịt, bạn bè rất thân, hay những người có duyên nợ sâu nặng với nhau thì khác. Đó là mối quan hệ mà người cần giúp không ngại mở lời, và người được nhờ luôn sẵn lòng xúm vào hỗ trợ, chia sẻ.
Và còn một ngoại lệ nữa, đó là khi gặp những tình huống cấp bách, liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, đừng ngại đề nghị sự giúp đỡ của những người không thực sự thân thiết, thậm chí cả người xa lạ. SẼ luôn có những tấm lòng sẵn sàng đáp lại, và cả hai bên đều sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống, tình người.