Cần truyền lửa tinh thần cố gắng để có kết quả thiết thực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Tin: Hà An, ảnh; Nam Nguyễn |

Đó là tinh thần chỉ đạo của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại cuộc họp bàn về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa năm 2021 diễn ra sáng 7/4 tại Hà Nội.

Tham gia cuộc họp có đại diện Cục Bản quyền tác giả, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Vụ Đào tạo, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan.

Tại buổi làm việc, Cục Bản quyền tác giả đã báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngay sau khi Chiến lược được phê duyệt, Bộ VHTTDL đã nhận thức được tầm quan trọng của Chiến lược, chủ trì, phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai trong phạm vi lĩnh vực được giao, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Cần truyền lửa tinh thần cố gắng để có kết quả thiết thực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì cuộc họp

Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định 1755/QĐ-TTg và văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm định hướng xây dựng các chương trình, chính sách, dự án, đề án cụ thể để triển khai nhiệm vụ và tổ chức thực hiện Chiến lược nhằm đạt các mục tiêu phù hợp với tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm, nâng cao sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của xã hội, các Bộ, ngành đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Báo cáo cũng nêu một số kết quả đạt được trong các lĩnh vực Điện ảnh, Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đồng thời đưa ra những khó khăn, thuận lợi và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo đó, để triển khai Chiến lược công nghiệp văn hóa đạt hiệu quả cao hơn, khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg, cụ thể như: Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về tầm quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Đề xuất các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; hoàn thiện chính sách đặt hàng, ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, tiềm năng.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương theo nguyên tắc phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường phân cấp trong hệ thống hành chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ.

Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong ngành công nghiệp văn hóa, tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa.

Tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm và dịch vụ.

Từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng.

Thứ trưởng cũng lắng nghe báo cáo và các kiến nghị của các Cục, Vụ về kết quả, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa .

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần nhìn lại việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian qua nhằm rà soát lại những kết quả đã đạt được và những khó khăn vướng mắc để định hướng lại cách thực hiện trong thời gian tới.

Thứ trưởng khẳng định, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một điểm nhấn trong Chiến lược phát triển văn hóa của ngành.

"Sau gần 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là 3 năm đầu thực hiện, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, Bộ VHTTDL đã có những nỗ lực, cố gắng để thực hiện một số sản phẩm văn hóa có giá trị kinh tế và trong một chừng mực nào đó, những giá trị kinh tế đã kết tinh trong sản phẩm văn hóa cụ thể, đóng góp một phần trong thu ngân sách nhà nước và góp phần vào sự phát triển"- Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, nghiêm túc nhìn nhận, khi đối chiếu kết quả với kế hoạch tổng thể của Chiến lược thì công nghiệp văn hóa chưa đạt được như những yêu cầu mà Chiến lược đặt ra.

Thứ trưởng chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan chi phối kết quả này.

Trong đó, nguyên nhân khách quan là Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực còn mới và khó đối với Việt Nam. Bởi vậy, cách tính toán để lượng hóa được các giá trị kinh tế được lồng ghép trong tác phẩm văn hóa chưa được tách bạch; nguồn lực chưa được đầu tư tương xứng với nhiệm vụ.

Nguyên nhân chủ quan cũng là nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chậm thể chế hóa Chiến lược, nhiều vấn đề đã được đặt ra trong Chiến lược nhưng ít được quan tâm, việc phân công, phân trách nhiệm còn chồng chéo, giao thoa các chức năng nhiệm vụ. Nhận thức về công nghiệp văn hóa cũng rất giản đơn, chưa thực sự quyết liệt, chưa biến sản phẩm văn hóa thành giá trị kinh tế và để khẳng định thương hiệu mà làm theo kiểu thời vụ, làm theo chức năng nhiệm vụ mà không đầu tư công sức, không làm hết trách nhiệm của mình.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030 mà Chính phủ phê duyệt đến thời điểm này vẫn giữ nguyên giá trị, từ tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu phấn đấu và nội hàm các lĩnh vực.

Cần truyền lửa tinh thần cố gắng để có kết quả thiết thực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp

Bởi vậy, Thứ trưởng yêu cầu, ngay sau cuộc họp, giao cho Cục Bản quyền tác giả là cơ quan chủ trì, cùng các cơ quan thành viên để phối hợp, xây dựng một số nội dung trong vấn đề triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong tổng thể Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2026. Hiện nay, lãnh đạo Bộ đang chỉ đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Phải đặt nội dung Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong Chiến lược phát triển văn hóa. Theo đó, sau khi hoàn thiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải chủ động làm việc với Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia để khớp nối Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vào trong tổng thể Chiến lược phát triển văn hóa.

Từ tổng thể đó, khi Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 (được hiểu như một chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030), thì đồng thời Bộ phải ban hành Chương trình Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chương trình cần phải thể hiện được các yêu cầu: trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần phải hoàn thiện, bổ sung các thể chế và các thiết chế; Trong thể chế phải xác định được sản phẩm của Công nghiệp văn hóa.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Đã nói đến công nghiệp văn hóa là phải nói đến sản phẩm. Từng ngành phải xây dựng nên sản phẩm gì, rõ ràng, cụ thể, không chung chung. Như điện ảnh trong 5 năm tới đặt ra có bao nhiêu bộ phim, tỉ lệ đóng góp GDP của ngành là bao nhiêu, có bao nhiêu phim được đem đi chiếu quốc tế… Tương tự, trong Nghệ thuật biểu diễn chọn loại hình nghệ thuật nào đi diễn ở thị trường nào... Phải có mục tiêu, lộ trình, cơ chế tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ, cơ chế kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, phát huy sức mạnh của các Hội nghề nghiệp chuyên ngành, các doanh nghiệp làm ra sản phẩm văn hóa".

Thứ trưởng cũng cho biết, sắp tới Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2021-2030, trong đó sẽ có nội hàm về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi vậy, các đơn vị phải nhanh chóng chuẩn bị nội dung, để sau 5 năm nhìn lại chúng ta mới có được một công cụ đo lường về hiệu quả sản phẩm công nghiệp văn hóa với các sản phẩm cụ thể.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện phải truyền lửa tinh thần cố gắng, điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, đi từ thấp đến cao, để có kết quả thiết thực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại