Vì vậy, chuyến cập cảng Sa Kỳ lần này ông không còn ngồi ở vị trí lái của con tàu QNg 90479 nhiều năm ngang dọc Hoàng Sa cùng mình, mà chỉ là "khách đi tàu" nhờ sự cứu giúp của tàu khác sau 6 giờ vật lộn với sóng gió giữa biển khơi.
Tàu của ông đã nằm lại dưới đáy biển Hoàng Sa.
Một đời ngang dọc Hoàng Sa
Thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh lái chiếc tàu QNg 95001 từ từ tiến về phía cảng Sa Kỳ. Thuyền trưởng Lựu đứng trước mũi tàu, đôi mắt hướng về đất liền như chẳng có chuyện gì xảy đến với mình sau khi lãnh tai nạn từ đám tàu TQ.
Dù có kinh nghiệm gần 20 năm đi biển nhưng anh Khanh không dám so sánh mình với ông Lựu. Ông Lựu "chinh chiến" Hoàng Sa từ 40 năm về trước trên những chiếc tàu máy 2, máy 3 (20-33CV).
Anh Khanh bảo: "Tụi tui ra khơi phải học hỏi chú Lựu nhiều lắm. Nhất là tinh thần bám biển.
Chuyến ra khơi nào chúng tôi cũng chạm trán tàu TQ, nhưng chú Lựu vẫn cho tàu vào sát đảo lặn bắt hải sản. Chưa bao giờ tui thấy chú sợ".
Ngư dân Nguyễn Văn Tiến (52 tuổi), một "chiến binh" Hoàng Sa của xóm Gành Cả, trưa 9-7 hay tin tàu ông Lựu bị đâm chìm vội đến đài Icom Gành Cả nghe ngóng thông tin.
Ông Tiến bảo ở lứa tuổi của ông Lựu nhiều người đã "nghỉ hưu", nhường lái cho con cháu. Riêng ông Lựu mỗi chuyến ra khơi vẫn cầm vôlăng lái tàu.
"Cùng xóm, cùng lứa lạ gì nhau đâu, thời tụi tui trai tráng có thể không biết chữ chứ còn Hoàng Sa ai cũng rành "6 câu".
Ông Lựu là một trong những người đánh bắt ở Hoàng Sa tốt nhất. Các đảo ở Hoàng Sa ổng cũng thuộc như lòng bàn tay. Ổng cũng bị tàu TQ cướp tài sản nhiều lần" - ông Tiến nói.
Còn lão ngư Võ Bông (85 tuổi, cha ông Lựu) cho biết ông Lựu đi biển từ năm 16 tuổi. Thời điểm ấy Hoàng Sa còn hoang sơ, tàu TQ cũng không ngang ngược như bây giờ.
"Cái thằng Lựu lặn giỏi, ham học hỏi nên thạo nghề nhanh lắm. Tính tuổi cúng cơm thì nó đã 54 tuổi rồi. Tới cái tuổi này, qua hết sóng gió rồi mà vẫn phải chịu trận với tàu TQ mới đau chứ".
Năm nào cũng bị nạn
Tàu cập cảng, ông Lựu hướng mắt tìm vợ con rồi an ủi mọi người.
Ông bảo tàu TQ to quá, lại có hai canô phối hợp nên dù đã chạy hết tốc lực, liên tục vòng tránh, cuối cùng máy hỏng, tàu của ông mới chịu dừng lại để chịu nguyên một cú đâm từ chiếc tàu TQ.
Rồi hai chiếc canô áp sát, những người TQ có vũ trang nhảy lên tàu ông Lựu dồn ngư dân về phía mũi tàu.
Khi chiếc tàu ông Lựu chìm dần, bọn TQ mới rời khỏi để mặc các ngư dân chịu nạn. "Hai chiếc tàu cứ vòng quanh tàu tôi, không cho tàu Khanh đến giúp" - ông Lựu nói.
Sau buổi trưa hãi hùng 9-7, thuyền trưởng Lựu vĩnh viễn không còn thấy chiếc tàu QNg 90479 của mình nữa.
Trải qua bao ngày ngang dọc Hoàng Sa, chiếc tàu đã chịu nhiều vết thương rồi chìm sâu vào lòng biển như cuộc đời bao thế hệ ngư dân Gành Cả can trường.
Hai lần tàu ông bị TQ tấn công ở Hoàng Sa vào năm 2014 và 2015, chúng tôi đều đón ông ở cảng Sa Kỳ.
Lần nào về cũng tổn thất vài trăm triệu đồng, vậy mà khuôn mặt ông vẫn giữ nguyên sự kiên định. Năm 2013, ông phải chạy thục mạng vì bị tàu TQ uy hiếp cả chục lần, nhưng may mắn ông chưa bị chúng đuổi kịp lần nào.
Đến tháng 3-2014, trong lúc đang đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, ông lại bị tàu TQ áp sát, leo lên tàu khống chế, dồn 15 người của ông về phía mũi tàu, cướp sạch hơn 3 tấn hải sản và tất cả ngư cụ có trên tàu.
Thiệt hại hơn 600 triệu đồng, nhưng một người cả đời quần thảo Hoàng Sa như ông Lựu đâu thể bỏ biển sau cái lần thiệt hại nặng nề đó.
Sau lá đơn trình báo vụ việc với cơ quan chức năng, ông Lựu vay mượn tiền mua lại ngư cụ tiếp tục ra khơi.
Ngày 13-6-2015, một lần nữa ông bị tàu TQ bám liên tục 6 giờ đến khi tàu bể cốt máy ở khu vực biển gần đảo Bom Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Tàu TQ chỉ chịu bỏ đi khi thấy tàu ông trôi dạt trên biển.
"Tôi cứ nghĩ lần đó chúng buông cho mình, vậy mà ba ngày sau hai chiếc tàu chúng nó chở theo 20 người có vũ trang leo lên tàu tui cướp cá với máy móc làm tôi thiệt hại 300 triệu đồng.
Năm nay thì tui chỉ còn cái mạng thôi, còn tàu nằm lại Hoàng Sa luôn rồi" - ông Lựu nói.
Chúng tôi vẫn còn nhớ sáng 21-6-2015, hai tàu cá của ngư dân Phạm Trung Kiên và Võ Lành kéo chiếc tàu ông Lựu bị cướp sạch trở về cảng Sa Kỳ.
Lần đó, ông khẳng định sẽ trở lại Hoàng Sa và gần hai tháng sau, tôi lại thấy tàu ông ra khơi.
Lần ra khơi đó, ông Lựu còn nói với chúng tôi: "Chuyến này tui phải đánh bắt ở đảo Bom Bay để bọn tàu TQ nhìn thấy số tàu của tui mà hiểu rằng ngư dân Việt Nam không bỏ Hoàng Sa vì bị bọn chúng cướp bóc đâu!".
Thuyền trưởng Khanh bảo rằng từ ngày biết ông Lựu, chưa bao giờ thấy ông ấy mệt mỏi hay ngất xỉu trên biển bởi ông luôn là người cầm lái can đảm.
Vậy mà trong chuyến biển này, khi chiếc tàu QNg 90479 dần chìm xuống biển, sau nhiều giờ chỉ huy những ngư dân trên tàu cố gắng cứu tàu nhưng bất thành, rồi nhiều giờ vật lộn với sóng gió trùng khơi, đến khi được tàu QNg 95001 cứu ông Lựu đã ngất xỉu.
"Anh em thấy chú xỉu mà phát hoảng vì hồi nào giờ sóng gió cỡ nào chú cũng chèo lái qua hết" - anh Khanh nói.
"Ba năm ba lần bị nạn, chú có nản không?" - tôi hỏi, ông cười khà khà bảo ở cái đất này tàu nào chả đi Hoàng Sa, tàu nào chả bị tàu TQ truy đuổi, nếu nản thì đã nghỉ hết rồi.
Ông chỉ buồn một nỗi tàu cá của ngư dân Việt Nam mình quá bé, không thể làm gì trước những con tàu to lớn và hung hăng của TQ .
Tinh thần hiệp sĩ
Chiều 13-7, trong những người ra cảng đón thuyền trưởng Lựu có ngư dân Võ Nhị, người bạn từ thời nối khố với ông Lựu. Ông Nhị từng được ông Lựu cứu sống kịp thời cùng với 11 ngư dân khi tàu ông Nhị bị phá nước, chịu cảnh lênh đênh ở Hoàng Sa tháng 6-2014.
Người làng Gành Cả vẫn còn nhớ năm 1994, ông Lựu vượt áp thấp cứu tàu câu mực chở 18 ngư dân Đà Nẵng bị chết máy trôi dạt trên biển.
Thời điểm ấy, áp thấp đáng sợ như bão cấp 10 - 11 bây giờ bởi thuyền ông rất nhỏ. Phải đủ bản lĩnh và tinh thần thép mới quay tàu ngược sóng trở lại Hoàng Sa cứu các ngư dân Đà Nẵng như thế.
Ông Võ Thanh Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết trong bốn năm qua, ông Lựu đã năm lần bỏ biển cứu tàu cá gặp nạn của các ngư dân Võ Nhị, Phạm Văn Mỹ, Nguyễn Cư (xã Bình Châu), Trần Mai (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định).
"Anh Lựu là một đoàn viên nghiệp đoàn lớn tuổi, một ngư dân lão luyện mang tinh thần nghĩa hiệp" - ông Hùng nói.