Cắn răng chịu 'đòn' của vợ để gia đình êm ấm

ĐÔNG VŨ/VTC NEWS |

Cố gắng gìn giữ gia đình nhưng nhiều người đàn ông đang sống cảnh “nhịn vợ như nhịn cơm sống”.

Anh Tuấn (30 tuổi, ở Hải Dương) là nhân viên lái xe cho một công ty phân phối thực phẩm. Anh lập gia đình cách đây 5 năm, có hai con nhỏ 2 và 4 tuổi. Vợ anh Tuấn làm chung công ty nhưng ở mảng đóng gói sản xuất.

Hàng ngày vợ chồng đưa nhau đi làm, đến nơi anh Tuấn đi chở hàng cho khách, còn vợ làm việc ở dây chuyền sản xuất.

Hơn một năm trở lại đây kinh tế vợ chồng gặp khó khăn, con cái thường xuyên ốm đau. Vợ anh Tuấn phải nghỉ việc ở nhà chăm con, bản thân anh liên tục tăng ca để có thêm thu nhập.

Thường xuyên phải thức khuya, đi đường dài vận chuyển bốc dỡ hàng nên mỗi lúc về nhà anh Tuấn đều mệt mỏi, không muốn làm gì. Người vợ không những không thấu hiểu mà càm ràm chuyện chồng không phụ chăm con.

Biết vợ chịu áp lực chăm con ốm đau anh luôn nhẫn nhịn để gia đình hoàn thuận, nhưng vợ ngày một quá đáng khi nghi ngờ anh có phụ nữ bên ngoài, không thương vợ con. "Có hôm vợ muốn gần gũi, nhưng tôi lại quá mệt nên từ chối, khiến vợ nghi ngờ tôi có người bên ngoài”, anh Tuấn nói.

Con cái ốm đau, tình cảm vợ chồng ngày càng căng thẳng khiến anh Tuấn rơi vào stress. Anh không muốn về nhà vì cứ tới nơi sẽ nghe vợ trách cứ, thậm chí anh còn thấy vợ mắng mà giật mình tỉnh giấc.

Cắn răng chịu 'đòn' của vợ để gia đình êm ấm- Ảnh 1.

Vợ chồng căng thẳng vì chuyện con cái, kinh tế. (Ảnh minh họa)

Gia đình anh Trần Minh Hải (40 tuổi, ở Hà Nội) khiến nhiều người ngưỡng mộ khi vợ đẹp, giỏi kiếm tiền, con ngoan ngoãn nhưng chẳng mấy ai biết được cảnh khổ của anh. Anh Hải vốn xuất thân từ vùng quê nghèo lên Hà Nội học rồi trụ lại làm việc, ít lâu sau quen chị Hà cùng công ty rồi nên duyên vợ chồng.

Lấy được chị Hà ai cũng nói "anh như vớ được vàng", bởi chị Hà là con gái của chủ doanh nghiệp vừa xinh đẹp lại giàu có. Thời gian đầu vợ chồng anh rất hạnh phúc, bản thân anh cũng nghĩ mình may mắn. Tuy nhiên ở với nhau được ít năm, có con cái, chị Hà thường xuyên so sánh anh với đồng nghiệp, khen chồng của bạn trước mặt anh đã lên chức giám đốc, kiếm được nhiều tiền, trong khi anh làm bao năm vẫn là nhân viên quèn. Lời nói của vợ như xát muối vào tim anh.

Mọi thu nhập của anh Hải đều do vợ quản lý, trước đây anh không quan tâm vì đưa tiền cho vợ giữ đỡ phải lo nghĩ, vợ anh tuy nói nhiều nhưng chăm sóc hai bên nội ngoại đầy đủ.

Tuy nhiên mỗi lần anh muốn chi tiêu mua bán gì đều phải thông báo, thậm chí xin phép vợ. Vợ anh cho rằng điều đó là đương nhiêu. Có lần anh Hải muốn mua một món đồ mình thích với chi phí cao một chút, không đủ tiền nên nói với vợ đưa tiền thì bị mắng "không có năng lực kiếm tiền còn đòi chơi sang".

Sự dè bĩu, so sánh của vợ khiến anh Hải mất dần tự tin, nghi ngờ vào cuộc hôn nhân của mình. Có lúc anh muốn ly hôn để giải thoát cho chính mình, như nghĩ đến con, bố mẹ ở quê anh lại nhịn.

Lâu dần áp lực tâm lý đè nén lên anh khiến anh mất ngủ, phải dùng thuốc, thậm chí không còn muốn gần gũi vợ. Anh Hải lén đi gặp bác sĩ tâm lý chia sẻ khó khăn mình gặp phải, anh tâm sự không dám bày tỏ với ai vì sợ bị người khác cười chê mình yếu kém, sợ vợ.

Cắn răng chịu 'đòn' của vợ để gia đình êm ấm- Ảnh 2.

Nhiều người đàn ông cố gắng giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhưng không nhận được sự sẻ chia từ bạn đời. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, hầu hết người đàn ông bị vợ “bạo hành” thường cố tình che giấu, không đi thăm khám, cho đến khi sự ức chế lên đến mức nghiêm trọng thì mới dám lên tiếng.

Nhiều người vẫn còn quan niệm "đàn ông bị vợ bạo hành là kẻ thiếu năng lực, không có bản lĩnh, không thể mong chờ gì được"; hay phái mạnh buộc phải làm được nhiều thứ trong xã hội, phải răn đe được vợ, chèo chống được gia đình.

“Những suy nghĩ tiềm tàng ấy khiến cánh mày râu phát bệnh nhưng giấu đi ”, bác sĩ Thu nói và cho hay, nhiều lúc đàn ông mệt mỏi nhưng phải cố gắng vượt qua, trở thành chỗ dựa cho những người khác, nhưng điều này lại trở thành gánh nặng với họ, khiến họ rơi vào trầm cảm, mắc bệnh tâm lý.

Đàn ông trầm cảm không được điều trị có thể rối loạn chức năng tình dục, có hành vi tự hủy hoại bản thân, nghiêm trọng hơn nữa là tự đẩy mình đến bờ vực suy sụp tinh thần, có ý tưởng hay hành vi tự sát.

Các triệu chứng căn bản của trầm cảm ở nam giới là tâm trạng trầm buồn, mất hứng thú với công việc hay sở thích, sút cân, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, mất tập trung. Họ cũng thường gặp các dấu hiệu như giận dữ, khó chịu, thu mình, suy nghĩ tiêu cực và lạm dụng rượu/chất kích thích.

Bác sĩ khuyên nam giới có vấn đề tâm lý nên trò chuyện, chia sẻ với người thân như vợ hoặc bạn bè mỗi ngày, để căng thẳng được giải tỏa, tìm ra vấn đề để giải quyết. Stress không được cởi bỏ, nam giới cần đến khám chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần sớm.

"Đàn ông tuy là phái mạnh nhưng không phải lúc nào cũng cần tỏ ra mạnh mẽ. Bất kể giới tính, ai cũng có những giai đoạn cảm thấy yếu đuối, cần được cảm thông, đồng hành và hỗ trợ" , bác sĩ khuyên.

Sáng 22/5, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Báo cáo cho thấy, năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.

Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ 2.600, nam 565 (chiếm 17,7%; năm 2022 là 481 người chiếm 12,27%). So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỷ lệ nạn nhân là nam giới tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại