Cuộc sống ngày càng hiện đại, những người trẻ cũng chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết: áp lực từ công việc, học hành, các mối quan hệ, áp lực lựa chọn hướng đi, con đường phát triển… Lần đầu tiên tại Việt Nam và cụ thể là trên địa bàn Hà Nội, có một mô hình đã ra đời để phần nào giúp khách hàng giải tỏa căng thẳng, lấy lại cân bằng trong cảm xúc.
Trước khi vào phòng xả tức giận, khách hàng được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ.
Không gian bên trong một phòng xả tức giận.
Với chi phí 119.000/người, khách hàng có 30 phút giải tỏa tại một trong 4 căn phòng như thế này của Fury Room.
Sau khi sử dụng dịch vụ xong, họ có thể nghỉ ngơi bên ngoài và thưởng thức đồ uống (chi phí 119.000 đã có đi kèm một đồ uống).
Anh Nguyễn Ngọc Thịnh, 27 tuổi, chủ nhân Fury Room cho biết bản thân anh trước đây cũng gặp nhiều áp lực trong công việc mà các hình thức giải trí ngoài xã hội hiện nay không thể giúp anh giải tỏa được. Tình cờ xem trên báo chí, sách vở, bắt gặp mô hình phòng xả tức giận ở nước ngoài, anh cảm thấy hứng thú và quyết đem mô hình về Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của bản thân cũng như bạn bè.
Thật ra mô hình đã xuất hiện ở Nhật cách đây khoảng 15 năm và ở Mỹ khoảng 7 năm, nhưng tại Việt Nam, mới chỉ tồn tại khoảng 2 tháng gần đây thông qua sự hiện diện của Fury Room.
Chàng trai sinh năm 1990 cho biết ban đầu mô hình vẫn còn mới nên khách hàng cũng tương đối ít. Trong tháng đầu tiên, số lượng khách chỉ khoảng 25-27 người nhưng sang tháng thứ 2, con số này đã bắt đầu tăng gấp 5 lần.
“Với xã hội này rất nhiều bạn trẻ có những áp lực không thể nói ra được, cũng không có nơi chia sẻ. Và mình tạo ra một địa điểm như thế để giúp họ giải tỏa nhu cầu tâm lý”.
Nguyễn Ngọc Thịnh, chủ nhân mô hình Fury Room
Phản hồi lại ý kiến trái chiều, cho rằng mô hình tạo ra xu hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực, Thịnh khẳng định với những người khách hàng đến Fury Room, sau thời gian sử dụng dịch vụ, tính bạo lực được xóa bỏ. Khi đã dùng hết sức để la hét, vận động, đập phá đồ đạc và giải phóng năng lượng, nét mặt, thái độ của khách hàng lúc trước và sau khi vào phòng xả tức giận hoàn toàn thay đổi.
“Có những bạn trẻ đến và đi rất nhanh, mình không nhớ nổi mặt. Chỉ biết không cần đến 30 phút, trong vòng 3 phút là toàn bộ đồ đạc nát bét, gậy bị gẫy, xà beng cong… cảm giác cơn giận đã lên đến đỉnh điểm. Nhưng sau khi giải tỏa xong, họ đi ra cười nói vui vẻ”.
Cũng theo Thịnh, anh đã đọc nhiều nghiên cứu của chuyên gia tâm lý và nhận thấy hình thức xả stress như Fury Room rất tốt. Thay vì ức chế dẫn đến xô xát, đánh nhau ngoài xã hội hay về nhà đập phá đồ đạc và hoàn toàn mất kiểm soát, Fury Room cho khách hàng không gian nhất định để giải tỏa mà vẫn an toàn, không ảnh hưởng đến người khác cũng như bản thân họ.
Chia sẻ về vấn đề chi phí, Thịnh cho biết ban đầu dự trù đầu tư cho mô hình khoảng 800 triệu đồng, nhưng đến nay đã lên hơn 1 tỷ, vì nhiều vấn đề phát sinh như làm sao để trang trí, bảo hộ để khách hàng không bị thương, làm sao để thu thập những món đồ lạ và hay ho, làm sao có dụng cụ sáng tạo….
“Ngay từ đâu mình xác định tâm lý là có thể lỗ và đến tận bây giờ vẫn thế. Nhưng dù có lỗ mình vẫn quyết tâm làm vì mình thật sự thích mô hình này”.
Trong tương lai, ông chủ Fury Room cũng dự định sẽ đưa mô hình này đến TP HCM, nơi có số lượng người trẻ đông hơn và tư duy cũng cởi mở hơn so với Hà Nội. Ở thời điểm hiện tại, dù được một số nhà đầu tư gợi ý hợp tác, nhân rộng mô hình, Thịnh vẫn từ chối vì những người này vẫn “để ý đến lợi nhuận nhiều hơn, chưa nghĩ đến cảm giác của khách hàng khi chơi xong, nên chưa cùng ý tưởng với mình”.