Cần phân biệt “pháo hoa” và “pháo hoa nổ” để tránh vi phạm pháp luật

Chung Thủy/VOV.VN |

Người dân cần nhận thức đúng những quy định của nghị định 137, cần phân biệt rõ “pháo hoa” và “pháo hoa nổ” để tránh vi phạm pháp luật.

Người dân cần phân biệt “pháo hoa” và “pháo hoa nổ” để tránh vi phạm pháp luật (Ảnh minh họa:KT)

Người dân cần phân biệt “pháo hoa” và “pháo hoa nổ” để tránh vi phạm pháp luật (Ảnh minh họa:KT)

Nghị định 137 có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 và thay thế nghị định 36/2009. Theo định nghĩa tại Nghị định 137, pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.

Điều 17 nghị định quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” thì được sử dụng pháo hoa. Dù vậy, pháo hoa chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Cùng với đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa do các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất. Các doanh nghiệp này đã được cơ quan công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh pháo hoa còn phải có kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy chữa cháy…

Mới đây, giải thích những điểm mới của Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an đã nhấn mạnh, ngoài pháo hoa được phép sử dụng trong một số dịp nhất định, Nghị định 137 nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ.

Theo đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ mà gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Do vậy, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật.

Với những quy định mới trong Nghị định 137, nhiều người ủng hộ và cho rằng, đây là nhu cầu thực tế của người dân, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ hay ô nhiễm môi trường.

Anh Trần Văn Cường (ở Đông Anh, Hà Nội) rất phấn khởi khi biết rằng, khi Nghị định 137 chính thức có hiệu lực thì pháo hoa không tiếng nổ sẽ được phép sử dụng.

"Đây là một chủ trương khá tích cực và tôi hoàn toàn ủng hộ. Việc bắn pháo hoa không có tiếng nổ tại một số dịp lễ, tết cũng phần nào giúp cho đời sống tinh thần của người dân thêm phần phong phú. Tuy vậy, người dân cũng không nên quá lạm dụng quy định này để sử dụng pháo hoa một cách bừa bãi”, anh Cường nói.

Cũng đồng tình, ủng hộ chủ trương này nhưng anh Mai Trung Kiên (TP. Vĩnh Yên) lại băn khoăn, việc cho phép người dân đốt pháo hoa một số dịp như: ngày Tết, sinh nhật, cưới hỏi có thể sẽ gây ra nhiều tiêu cực đối với xã hội như: bị thương, cháy, nổ... Do đó, việc cho phép đốt pháo hoa phải đi kèm theo các điều kiện như đốt ở đâu, lúc nào, bao nhiêu phút và người đốt phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Anh Hoàng Tuấn Sang ở Hoàng Mai, Hà Nội thì cho hay, Nghị định 137 cho phép người dân đốt pháo hoa không tiếng nổ vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm… sẽ giúp người dân cảm thấy hân hoan, phấn chấn và các cuộc vui thêm phần ý nghĩa. Thế nhưng, theo anh Sang, việc thực hiện Nghị định 137 có thể có những bất cập nhất định khiến cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khó quản lý. Bởi có thể sẽ có nhiều người lợi dụng nghị định này để kinh doanh pháo nổ, pháo hoa có tiếng nổ... hoặc sử dụng pháo nổ một cách bừa bãi, từ đó gây ra những thương tích, hậu quả ngoài mong muốn...

Là người từng được sống trong thời điểm người dân được thoải mái sử dụng pháo hoa, pháo nổ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, Nghị định 137 cho phép bắn pháo hoa không có tiếng nổ trong một số dịp lễ, tết, như là đòn bẩy đáp ứng được phần nào mong muốn của nhiều người dân trong xã hội.

Tuy nhiên, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Nghị định này cần có quy định cụ thể hơn nữa về số lượng pháo đốt, cách thức tổ chức, để vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí của người dân lại vừa đảm bảo tiết kiệm cũng như giảm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Có như vậy mới phát huy được hiệu quả của nghị định.

Về khía cạnh pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay, Nghị định 137 có hiệu lực từ 11/1/2021 quy định cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự thì được phép sử dụng pháo hoa. Tuy nhiên, Nghị định này cũng chỉ rõ khái niệm “pháo hoa” là gì.

Nếu trước đây pháo hoa được chia làm 2 loại là pháo hoa thông thường và pháo hoa nổ thì nay “pháo hoa nổ” được xếp vào nhóm “pháo nổ” và vẫn cấm như các văn bản trước đây. Còn pháo hoa được khái niệm là loại pháo phát ra âm thanh, ánh sáng nhưng không gây nổ. Chỉ có loại pháo hoa không phát ra tiếng nổ thì mới được phép sử dụng theo nghị định này. Bởi vậy người dân cần nhận thức cho đúng những quy định của nghị định này, tránh hiểu lầm là nghị định này cho phép sử dụng cả pháo nổ, pháo hoa nổ như trước đây.

Từ ngày văn bản pháp luật này có hiệu lực thì các trường hợp sử dụng pháo hoa không có tiếng nổ như sử dụng ở sân khấu, đám cưới, sự kiện kỷ niệm... mới được xác định là hợp pháp và không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Còn các loại pháo hoa sử dụng trong đêm giao thừa thì phần lớn là pháo hoa nổ và vẫn bị cấm như các quy định trước đó.

“Tôi cho rằng, để Nghị định này được thi hành và đảm bảo hiệu quả trên thực tiễn thì các cơ quan ban ngành, UBND các cấp cần phối hợp chặt chẽ, ban hành quy chế, quy định riêng tại từng địa phương nhằm quản lý việc sử dụng pháo hoa để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi lẽ trong thành phần pháo hoa cũng có chất gây nổ, nếu không sử dụng đúng cách có thể gây phát nổ, gây mất an toàn đối với người sử dụng. Mặc dù pháp luật mở rộng các đối tượng, trường hợp được sử dụng pháo hoa nhưng không vì thế mà nới lỏng khâu quản lý, vì pháo hoa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đến người và tài sản”, luật sư Đặng Văn Cường nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại