Thường xuyên tham gia các tổ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, đại úy Đặng Hoàng Anh, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, người tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia thường bị ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
"Để phòng tránh tác hại của rượu bia, người dân cần tránh sử dụng các đồ uống có cồn, hoặc có chất kích thích để trong quá trình di chuyển sẽ hoàn toàn tỉnh táo, không bị tác dụng của cồn gây ảnh hưởng đến quá trình lái xe".
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cũng tán thành việc giữ nguyên quy định cấm người có nồng độ cồn lái xe. Điều này đã được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT. Bởi vậy, không nên thay đổi quy định về mức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện:
"Với quan điểm tính mạng là trên hết thì nên để về không. Bây giờ đang để về không còn chưa thấy chuyển biến gì nhiều, vẫn còn tình trạng uống ấm ầm, tình trạng tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia là vẫn còn. Nên để về không là ổn".
Nhìn từ góc độ tác động xã hội từ việc giảm tiêu thụ rượu bia, về sự phát triển kinh tế- xã hội và việc đảm bảo tính mạng, sức khỏe người dân khi tham gia giao thông, ông Vũ Văn Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cũng cho rằng, cần giữ nguyên quy định kiểm soát chặt tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông:
"Góc độ an toàn thì nên cấm hẳn rượu bia khi tham gia giao thông, vì cấm thì nó sẽ mang tính nghiêm ngặt hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn tới TNGT là rượu bia. Bây giờ cứ thấy phạt cao như thế, đương nhiên là TNGT sẽ giảm".
Nhìn lại kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Nghị định 100/2020, trong đó có việc nâng mức xử phạt với vi phạm nồng độ cồn, TNGT liên quan đến rượu bia đã giảm đáng kể, TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng UBATGTQG cho rằng, chúng ta đang làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra xử lý phạm về vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Khi văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe" dần được hình thành, vẫn cần tiếp tục kiên trì, duy trì hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm.
"Tại nhiều quốc gia như Úc, Nhật Bản, mặc dù các số liệu cho thấy các hành vi như uống rượu bia khi lái xe giảm rất nhiều, nhưng các nhà chức trách họ vẫn duy trì, thậm chí là tăng các nguồn lực cho các chương trình tuyên truyền, đặc biệt là chương trình kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn, bởi vì họ biết nếu chỉ giảm các hoạt động tuyên truyền, giảm hoạt động xử lý vi phạm đi thì vấn nạn, những hành vi uống rượu bia khi lái xe sẽ quay trở lại", TS Trần Hữu Minh cho biết.
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cũng cho rằng, việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện uống rượu bia tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là hoàn toàn phù hợp.
Bởi việc xây dựng, ban hành Luật này, trong đó có quy định cấm lái xe sau khi đã uống rượu bia xuất phát từ mục tiêu đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân khi tham gia giao thông. Do đó, việc duy trì áp dụng quy định cấm người có nồng độ cồn lái xe là cần thiết để góp phần kéo giảm TNGT và tạo sự thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan.
"Những ảnh hưởng bất lợi của việc sử dụng rượu bia đối với sức khỏe, kinh tế- xã hội và là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ TNGT. Vì vậy cần thiết phải quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn, để đảm bảo tính thống nhất với những văn bản pháp luật có liên quan", Luật sư Phạm Thành Tài phân tích.
Một số ý kiến cũng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã quy định cấm người điều khiển ô tô, máy kéo và các phương tiện xe máy chuyên dùng sử dụng rượu bia và đã được áp dung ổn định hơn 10 năm.
Tiếp đó, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ban hành năm 2019 đã mở rộng thêm việc cấm người điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông sau khi uống rượu bia. Kết quả thực hiện các Luật này, cùng với việc nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, được quy định tại Nghị định 100/2020 đã góp phần đáng kể trong việc kéo giảm TNGT.
Thêm vào đó, một số ý kiến cho rằng, việc "cấm lái xe sau khi uống rượu bia chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam"… tuy nhiên, thực tế không có quy định cấm uống rượu bia, mà chỉ cấm lái xe sau khi uống rượu bia.
Bởi vậy, việc so sánh với các nước khác, hoặc viện dẫn phong tục, tập quán của người Việt là chưa phù hợp.