Cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, Uỷ ban Kinh tế nêu quan điểm khi đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.
Sáng 15/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này, trong phiên họp thứ 10.
GDP khó đạt mục tiêu
Như VnEconomy đã thông tin, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Chính phủ xác định giải pháp nhanh đầu tiên là thực hiện tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước cao hơn so với kế hoạch đã được Thủ tướng giao, nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp này.
Theo phân tích của Uỷ ban Kinh tế thì tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý 1/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững, cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách..., Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Thách thức tiếp theo được cơ quan thẩm tra đề cập là tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tăng 5,76% so với cuối năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.
Một số ý kiến bày tỏ lo ngại việc tăng tín dụng nếu tập trung vào thị trường bất động sản phân khúc cao cấp sẽ tiềm ẩn nguy cơ về “bong bóng bất động sản” và có tác động xấu như thời gian trước đây.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách đạt mức thấp (19,2%), gây áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm.
Đáng chú ý là tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn nhà nước đang có dấu hiệu chững lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước chưa thật sự phát huy hiệu quả, còn nhiều dự án đầu tư thua lỗ nặng nề.
Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm cố gắng giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.
Làm rõ tính xác thực của số liệu
Tại kỳ họp thứ ba khai mạc sáng 22/5 tới đây, Quốc hội cũng sẽ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016.
Kết quả đánh giá lại, theo Uỷ ban Kinh tế thì không có sự thay đổi nhiều so với số liệu Chính phủ đã báo cáo. Nhưng, Uỷ ban đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về một số vấn đề.
Như, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch đề ra, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 ước đạt 6,3-6,5%.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tại kỳ họp thứ 2 cũng nhận định rất khó đạt được mức tăng 6,3-6,5% như Chính phủ báo cáo trước Quốc hội. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân căn bản khiến cho GDP đạt thấp là do cơ cấu kinh tế chưa có chuyển biến mạnh, thiếu liên kết và thực lực doanh nghiệp trong nước yếu, chưa đủ sức cạnh tranh.
Đề nghị làm rõ tính xác thực của các số liệu khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đều đạt và vượt trong khi đó chỉ tiêu GDP lại đạt thấp, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Vấn đề tiếp theo được cơ quan thẩm tra lưu ý là năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa, là con số rất thấp so với trung bình 118 doanh nghiệp được cổ phần hóa mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015.
Có ý kiến đề nghị cần thực hiện quyết liệt hơn nữa đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để sớm giải phóng nguồn lực của khu vực này, nâng cao thực chất quản trị doanh nghiệp thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Uỷ ban Kinh tế cũng nhấn mạnh, bài học từ sự cố môi trường liên quan đến Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài, đặt ra cho các cơ quan chức năng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường.