'Cạn kiệt' lựa chọn, Pakistan vô lực nhìn Ấn Độ thắt chặt gọng kiềm với Kashmir?

Phương Đỗ |

Islamabad không có nhiều lựa chọn trước động thái quyết liệt của Ấn Độ liên quan tới khu vực tranh chấp Kashmir.

(Tổ Quốc) - Islamabad không có nhiều lựa chọn trước động thái quyết liệt của Ấn Độ liên quan tới khu vực tranh chấp Kashmir.

Những căng thẳng liên quan tới khu vực Kashmir từ lâu đã là một điểm nóng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, tờ New York Times nhận định, sau khi New Delhi xóa bỏ quy chế tự trị cho vùng tranh chấp Kashmir, có vẻ như những lựa chọn phản ứng của Pakistan đang trở nên cực kỳ giới hạn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia Hồi giáo đang gặp khó khăn và các đồng minh quốc tế hoặc là giữ yên lặng về Kashmir hoặc bày tỏ sự ủng hộ với Ấn Độ.

Phản ứng quân sự thông thường có lẽ sẽ đi kèm với một hóa đơn quá đắt đỏ cho Pakistan. Còn một trong những chiến lược mà Islamabad từng sử dụng khá hiệu quả - thông qua các nhóm vũ trang thân cận để kiềm chế Ấn Độ – lại trở nên khó khăn giữa đe dọa cấm vận từ quốc tế. (Mặc dù vậy, Pakistan luôn phủ nhận sử dụng các nhóm vũ trang để đạt được mục tiêu đối ngoại của mình).

"Nền kinh tế đang thu hẹp các lựa chọn của Pakistan. Khi kinh tế tăng trưởng chậm, họ có thể thực sự đủ tiền cho chiến tranh không?", ông Arif Rafiq, Chủ tịch của công ty tư vấn chính sách và an ninh Nam Á Vizier Consulting, đặt câu hỏi.

Ngay cả giới lãnh đạo Taliban tại Afghanistan - vốn có quan hệ với Pakistan, dường như cũng quay lưng với đồng minh của mình.

Năm ngoái, trong một nỗ lực chấm dứt sự cô lập quốc tế, Pakistan đồng ý giúp Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan thông qua việc thuyết phục giới lãnh đạo Taliban tới bàn đàm phán hòa bình. Với động thái này, Pakistan đã tận dụng một trong những lợi thế đòn bẩy lớn nhất của mình trước Washington.

Cạn kiệt lựa chọn, Pakistan vô lực nhìn Ấn Độ thắt chặt gọng kiềm với Kashmir? - Ảnh 1.

Đàm phán hoà bình giữa Mỹ và Taliban tại Doha, Qatar hồi tháng 2/2019 (ảnh: getty)

Trong những ngày gần đây, một số quan chức Pakistan đã yêu cầu chính phủ dừng hợp tác trong tiến trình đàm phán, nhằm thể hiện sự phản đối trước thái độ im lặng của Mỹ trước quyết định bất ngờ từ New Delhi. Tuy nhiên, hôm thứ năm (8/8), Taliban lại phát đi một thông điệp mạnh mẽ, cảnh cáo bất kỳ dự định can thiệp nào.

"Kết nối Kashmir với Afghanistan sẽ không giúp cải thiện cuộc khủng hoảng ngay lập tức bởi vì chúng không liên quan, cũng như Afghanistan không nên bị biến thành một sân khấu cạnh tranh giữa các quốc gia", Taliban tuyên bố.

Kết quả của quá trình thương lượng Mỹ và Taliban cũng như vai trò của Pakistan trong đó, gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc Islamabad có bị cộng đồng quốc tế đưa vào danh sách đen vì ủng hộ cho các tổ chức khủng bố hay không. Đây cũng được coi là một động thái sẽ "cứu rỗi" hoặc khiến nền kinh tế Pakistan hoàn toàn đổ vỡ. Tháng mười sắp tới, Financial Action Task Force (FATF) - tổ chức giám sát tình hình tài chính của chủ nghĩa khủng bố, sẽ bỏ phiếu quyết định xem liệu Pakistan đã làm đủ để phá bỏ mạng lưới các nhóm vũ trang ở nước này hay không.

Một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của Islamabad đó là bị đưa vào danh sách đen và không được tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế vào đúng thời điểm mà họ đang thực sự cần những khoản vay nước ngoài. Nếu có tên trong danh sách đen, nền kinh tế Pakistan nhiều khả năng sẽ rơi vào khủng hoảng.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan không giấu giếm lo ngại trước viễn cảnh không thể ép Ấn Độ hủy bỏ chính sách mới về Kashmir.

Cạn kiệt lựa chọn, Pakistan vô lực nhìn Ấn Độ thắt chặt gọng kiềm với Kashmir? - Ảnh 2.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 7/2019 (ảnh: getty)

Trong cuộc gặp gỡ với báo giới Pakistan vào giữa tuần trước, ông Khan đã bác bỏ việc sử dụng "các tổ chức thánh chiến" chống lại Ấn Độ tại Kashmir. "Có nhiều bất lợi hơn là lợi ích", Thủ tướng Pakistan nói. Khả năng bị quốc tế trừng phạt cũng là một sức ép cho ông Khan.

"Pakistan đã làm mọi cách để thoát ra khỏi quá khứ", ông nói với phóng viên. Theo ông, chính phủ đã thực hiện "một chiến dịch làm sạch hoàn toàn" đối với các nhóm khủng bố. "Chính phủ của tôi đảm bảo rằng, có một nỗ lực toàn diện và thành thực để đưa Pakistan ra khỏi danh sách của FATF", ngài Thủ tướng tuyên bố.

Bộ Ngoại giao Pakistan cho hay, họ sẽ đưa vấn đề Kashmir lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, các đồng minh thân cận nhất của Islamabad vẫn chưa lên tiếng.

Thông thường, các quốc gia Hồi giáo hay ủng hộ các tuyên bố của Pakistan về Kashmir. Thế nhưng với các vấn đề kinh tế và chính trị của riêng mình, một số nước đã nghiêng về Ấn Độ, với kỳ vọng có thể đảm bảo được các hợp đồng giá trị từ New Delhi.

Cú đánh mạnh nhất dành cho Pakistan đến từ UAE. Không chỉ khẳng định Kashmir là một vấn đề nội bộ của Ấn Độ mà Abu Dhabi còn từ chối ủng hộ lời kêu gọi đưa vấn đề ra nghị trường quốc tế.

Ấn Độ từ lâu đã coi Kashmir là một vấn đề nội bộ. Vùng lãnh thổ tranh chấp chọn lựa Ấn Độ hơn là Pakistan trong quá trình chia cắt năm 1947, dựa trên lời đảm bảo quyền tự trị được duy trì. Quân đội Pakistan sau đó tiến vào Kashmir và giờ đây đang kiểm soát một phần lãnh thổ này.

Sau vụ khủng bố 11/9/2001, Pakistan đồng ý giúp Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Đổi lại, Washington phải giúp làm trung gian về Kashmir, và gây sức ép để Ấn Độ phải nhượng bộ. Và khi nước Mỹ từ chối, Pakistan cảm thấy bị phản bội.

Chỉ mới tháng trước, người Pakistan còn tràn trề hy vọng về tương lai đất nước. Thủ tướng Khan trở về sau chuyến công du tới Nhà Trắng gặp Tổng thống Donald Trump – người hứa sẽ can thiệp vào vấn đề Kashmir. Tuy nhiên, động thái tước quyền tự trị Kashmir của Ấn Độ, lại đẩy Pakistan về thế bị cô lập.

"Người Mỹ lại một lần nữa khiến chúng ta thất vọng, và những người từng ca ngợi chuyến đi tới Mỹ giờ đã được một bài học thức tỉnh", Thượng nghị sỹ Pakistan Mushahid Hussain "cay đắng" thừa nhận trong một bài phát biểu tuần trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại