Tây Ninh nằm trong vùng Đông Nam Bộ - Việt Nam, làm vị trí cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh - Vương quốc Campuchia. Tây Ninh là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 3 cửa khẩu Quốc tế, 3 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 565/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kế hoạch, về dự án đầu tư công, tỉnh ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết Vùng, nội vùng gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu; tăng cường kết nối hướng Đông - Tây với Bình Dương, Bình Phước, Long An; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng phát triển và bốn trục động lực, hạ tầng y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng thông tin, truyền thông, chuyển đổi số để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại ba vùng phát triển và bốn trục động lực của tỉnh.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh bao gồm: Hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hệ thống cảng thủy nội địa, hạ tầng logistics; các dự án phát triển du lịch; các dự án phát triển năng lượng tái tạo; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các lĩnh vực hạ tầng thông tin và truyền thông, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các dự án cấp, thoát nước, xử lý chất thải; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, môi trường, đô thị, dân cư, thương mại, dịch vụ.
Tây Ninh cần huy động khoảng 628.000 tỷ để phát triển
Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế với nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 58%, dịch vụ chiếm 25% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%.
Để tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%/năm, tỉnh Tây Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn khu vực Nhà nước là 36.000 tỷ, giai đoạn 2026 - 2036 là 49.000 tỷ đồng. Nguồn vốn khu vực ngoài Nhà nước lần lượt ở 2 giai đoạn trên là 107.000 tỷ đồng và 218.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng lần lượt đạt 67.000 tỷ và 149.000 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu kinh tế khác của tỉnh đặt ra là GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 210 triệu đồng (tương đương khoảng 7.700USD), tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt khoảng 10,5%/năm. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 10%/năm trở lên, phấn đấu ngành du lịch đóng góp trên 10% GRDP...
Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.