Lờ chuyện công khai lương thưởng
Những doanh nghiệp nhà nước nào mà lãnh đạo, cán bộ nhân viên đang có thu nhập cao và được công khai lương thưởng? Mới đây, dư luận được phen xôn xao khi tổng mức lương, thưởng cho 13 lãnh đạo mà Sabeco đề xuất đại hội cổ đông phê duyệt năm 2016 là gần 11 tỷ đồng - tăng 155% so với năm 2015.
Tính trung bình, mỗi lãnh đạo của Sabeco sẽ có thu nhập khoảng 70 triệu đồng/người/tháng, chưa kể thành viên HĐQT hưởng mức lương cao hơn con số trên.
Tính trong hệ thống tài chính, tại Tập đoàn Bảo Việt (Bộ Tài chính nắm 70,9% cổ phần), theo báo cáo tài chính năm 2015, thu nhập của hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành tập đoàn (gồm 16 người), là 12,6 tỷ đồng (năm 2014 là 16,1 tỷ đồng). Thu nhập bình quân mỗi lãnh đạo tập đoàn khoảng 789 triệu đồng/năm.
Còn Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam - mã VSD (cán bộ nhân viên có mức thu nhập là 27 triệu/tháng, bao gồm lương bình quân là 20,5 triệu đồng/tháng và thưởng là 6,5 triệu đồng/tháng).
Với các ngân hàng nằm trong top đầu về lương bổng cho nhân viên như Vietcombank, BIDV, Vietinbank… thu nhập của cán bộ nhân viên dao động quanh mức 18-20 triệu đồng/tháng. Những người ở các vị trí chủ chốt có thể lĩnh lương cao gấp từ 3 đến 5 lần mức trung bình chung.
Nhìn lại câu chuyện SCIC, theo một chuyên gia tài chính, cũng cần công bằng hơn ở chỗ tính tổng quân số SCIC hiện có hơn 270 lao động chủ yếu tập trung tại hội sở (trong khi các tập đoàn, tổng công ty có thể từ vài ngàn tới chục ngàn lao động tại các chi nhánh, tỉnh thành, nên mức chia bình quân thấp đi vài lần.
"Cho nên khi chia bình quân họ có thể cao nhưng chưa chắc các vị trí lãnh đạo đã cao bằng nhiều DN khác", vị chuyên gia này nói.
Còn giám đốc một công ty quản lý quỹ tại Việt Nam cũng lưu ý: mức thu nhập của SCIC mà báo chí nêu đang bao gồm toàn bộ các khoản đóng góp và chưa trừ thuế mà nếu trừ đi thì phần còn lại chiếm 65% - tức là người hưởng lương hơn 100 triệu trên thực chất chỉ còn khoảng 75 triệu đồng/tháng.
"Mức này thì ông tổng giám đốc SCIC chỉ tương đương với giám đốc quản lý một quỹ nhỏ tại Việt Nam" , vị này noi.
Cần xã hội giám sát lương thưởng
Theo Nghị định 51/2013, về chế độ lương, thưởng với lãnh đạo công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu quy định, quý một hằng năm, doanh nghiệp sẽ tổng hợp tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hằng tháng năm trước liền kề của từng viên chức quản lý để báo cáo chủ sở hữu và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử (website) của công ty.
Cùng thời gian, cơ quan chủ sở hữu cũng phải công khai thông tin về lương, thưởng của lãnh đạo DNNN trên website của mình.
Quy định là vậy, nhưng đến giờ này, đếm trên đầu ngón tay chỉ một vài DNNN và cơ quan chủ sở hữu thực hiện, còn không, hầu hết đều đánh bài lờ.
Cuối năm 2014, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền (nay đã nghỉ hưu) từng bức xúc yêu cầu chấn chỉnh tình trạng các tập đoàn nhà nước làm chưa đúng quy định quản lý lao động, tiền lương.
Theo TS Phạm Chi Lan, chi lương thưởng bất hợp lý tại DNNN lặp đi lặp lại, rõ ràng cho thấy sự giám sát của cơ quan quản lý không nghiêm, không minh bạch.
"Chỉ cơ quan chủ quản và DN biết với nhau về hoạt động DN, rất dễ dẫn tới đối xử nương nhẹ hoặc cho nhau những điều kiện tốt để được đối đãi lại điều gì đó", bà Lan nói.
Theo bà, nếu làm minh bạch, phải có báo cáo chi tiết và công khai để xã hội giám sát. Vì vậy, nếu còn cách quản lý không minh bạch như hiện nay, những sự việc về lương, thưởng bất hợp lý sẽ còn tiếp diễn.
Ngoài ra, bà Phạm Chi Lan cũng lưu ý còn có nguyên nhân nhà nước thực hiện chức năng chủ sở hữu DN vẫn thiếu quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý và người lãnh đạo.
Theo đó, có không ít DNNN cũng "một cổ mấy tròng", khi mấy bộ khác nhau cùng chịu trách nhiệm quản lý một DN.
"Nhiều bộ cùng chịu trách nhiệm rốt cuộc sẽ không ai chịu trách nhiệm tới cùng. Như quản lý tài chính là trách nhiệm Bộ Tài chính, quản lý đầu tư là việc của Bộ KH&ĐT, quản lý lương là Bộ LĐ-TB&XH...
Nhưng tất cả không phải việc của ai cả, khi các bộ có thể nói tôi không phải là bộ chủ quản, nên không nắm được, dẫn tới tình trạng đổ lỗi cho nhau và không ai quản lý", bà Lan nói.
TS Lê Đăng Doanh bình luận, DNNN đang hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, như đất đai, tài nguyên, đấu thầu trong kinh doanh, tới lương thưởng cũng không rõ ràng. "Những ưu ái đó không còn hợp lý và không đem lại hiệu quả cho đồng vốn đầu tư của nhà nước, đã tới lúc phải thay đổi", ông Doanh nói.
Theo giám đốc quản lý một quỹ đầu tư tại Việt Nam, chức năng chính của SCIC là cử người đại diện vào các DNNN đã cổ phần hoá.
Nhìn trên thị trường, tại một số công ty lớn có sự tham gia của SCIC tôi không có sự cản trở lớn nào, thậm chí SCIC còn giúp đỡ tích cực một số DN. Nhưng vấn đề chính họ cần làm là thoái vốn nhà nước xong rồi đầu tư vào đâu thì mảng đó tôi thấy họ chưa thực sự nổi trội