Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ chi nhiều nhất với khoảng 12.000 thông báo thiệt hại về tài sản, xe cơ giới và một phần nhỏ về bảo hiểm sức khỏe. Ước tính tổng thiệt hại cho lĩnh vực này lên tới 9.000 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong và 6 trường hợp liên quan đến bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm cho lĩnh vực này là khoảng 13 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhanh chóng triển khai các biện pháp để hỗ trợ khách hàng.
Cụ thể: Các đơn vị bảo hiểm đã điều động nhân viên đến khu vực bị ảnh hưởng để giám định thiệt hại và tạm ứng bồi thường. Các hotline hỗ trợ khách hàng được mở rộng, hoạt động 24/7, tiếp nhận thông tin và giải đáp thắc mắc.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), việc chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm đã tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước, lên 64.070 tỷ đồng.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại và thực hiện việc bồi thường nhanh chóng, kịp thời.
Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) và lũ lụt đã gây ra những thiệt hại nặng nề, đòi hỏi ngành bảo hiểm thể hiện vào cuộc quyết liệt trong việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả để ổn định lại đời sống bình thường sau bão lũ.