Việt Nam "trình làng" UAV cảm tử
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 diễn ra tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội (19-23/12), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã giới thiệu sáng kiến mới nhất trong tác chiến hiện đại: Máy bay không người lái cảm tử (đạn tuần kích) VU-C2.
Theo tạp chí quốc phòng Army Recognition (Bỉ), mẫu máy bay không người lái (UAV) này được thiết kế để vô hiệu hóa các mục tiêu trên mặt đất như bộ binh, phương tiện tác chiến đa năng hạng nhẹ với độ chính xác cao và khả năng tàng hình, cho thấy "năng lực ngày càng gia tăng của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghệ quân sự tiên tiến".
VU-C2có sải cánh 1,5m, chiều dài thân 1,1m, trong lượng cất cánh tối đa chỉ 8kg, trang bị động cơ điện. Mặc dù thiết kế nhỏ gọn nhưng VU-C2 "có hiệu suất đáng gờm khi đạt tốc độ lên tới 120km/h và có thể duy trì hoạt động liên tục trong 40 phút".
Đáng lưu ý, máy bay được trang bị đầu đạn và đầu tự dẫn quang điện tử, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép tìm kiếm, phát hiện và khóa mục tiêu hoàn toàn tự động, tấn công theo lệnh của chỉ huy, đồng thời đảm bảo độ chính xác lớn trong việc nhắm vào các mục tiêu có giá trị cao. Thuật toán phát hiện dựa trên AI của VU-C2 càng giúp nâng cao độ tấn công chính xác của máy bay.
Tiết diện phản xạ radar thấp giúp nó trở thành vũ khí lý tưởng cho các hoạt động bí mật. Theo tờ Global Business Press (Singapore), VU-C2 có thể được lực lượng đặc nhiệm triển khai chỉ trong vài phút và tiến hành tấn công chính xác, sử dụng các thuật toán phát hiện mục tiêu dựa trên AI.
Đồng tình với nhận định này, Army Recognition cho rằng, khả năng triển khai linh hoạt (sử dụng ống phóng hoặc phóng từ ray bằng khí nén) của VU-C2 sẽ cho phép lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh với các mối đe dọa mới phát sinh.
Đây được xem là một bước tiến đáng kể của Việt Nam khi chỉ cách đây vài năm, Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (CNAS) đánh giá, UAV quân sự - dù vũ trang hay không vũ trang – vẫn là một "hiện tượng mới" ở Việt Nam, và phải đối mặt với những thách thức như không có thiết kế tham chiếu, vẫn phải nhập công nghệ hiện đại từ đối tác nước ngoài…
UAV cảm tử VU-C2 của Viettel trong các lần bắn thử nghiệm. Nguồn: Sa Bàn Quân sự
Theo Army Recognition, UAV cảm tử ngày càng trở thành phương tiện có giá trị trong tác chiến hiện đại do khả năng ứng dụng kép của chúng. Loại UAV này kết hợp khả năng giám sát thời gian thực với chức năng tấn công chính xác, cho phép lực lượng quân đội vô hiệu hóa các mục tiêu quan trọng, trong khi hạn chế tối đa các thiệt hại ngoài ý muốn.
Tính linh hoạt, giá cả phải chăng và hiệu quả hoạt động khiến chúng trở nên đặc biệt hữu ích đối với các quốc gia đang có nhu cầu nâng cao năng lực quân sự của mình.
"Đối với quân đội Việt Nam, UAV cảm tử có thể đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các thách thức an ninh.
Chúng cung cấp khả năng nhận thức tình huống nâng cao, cho phép các nhà hoạch định quân sự xác định các mối đe dọa mới nổi.
Đặc biệt, loại UAV này có thể tiến hành trinh sát kỹ lưỡng trước khi tấn công, giúp đảm bảo các cuộc tập kích diễn ra chính xác và đúng thời điểm.
Các UAV như VU-C2 có thể hoạt động hiệu quả trong nhiều môi trường khác nhau, từ rừng rậm cho tới vùng ven biển, khiến chúng trở thành phương tiện đa năng và hữu ích phục vụ cả các hoạt động trên bộ và trên biển" – Army Recognition nhận định.
Kỳ tích có "1-0-2" của các kỹ sư Việt
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Việt Nam đã tự chủ được công nghệ sản xuất (UAV), không chỉ ứng dụng trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. Những chiếc UAV được thiết kế, chế tạo hoàn toàn bởi các kỹ sư người Việt đã cho thấy bước tiến lớn của Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo loại phương tiện đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự.
Trong dân sự, các loại UAV được sử dụng để ghi hình, giao hàng, vận chuyển phương tiện cứu hộ. Còn trong lĩnh vực quân sự, đây là khí tài không thể thiếu trong biên chế quân đội nhiều quốc gia, phục vụ đắc lực cho công tác trinh sát, tấn công vô cùng hiệu quả.
Nếu như tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, chiếc UAV Hera do Công ty TNHH Realtime Robotics Inc VN (RtR) của Việt Nam sản xuất đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước dù được trưng bày khiêm tốn trong một góc khuất, thì VU-C2 là một trong những điểm sáng của triển lãm năm nay.
Chuyên trang phân tích quân sự Oryx (Hà Lan) nhận định thêm rằng, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực phát triển và sử dụng UAV quân sự. Cách ứng dụng và sử dụng UAV của Việt Nam cho đến nay đã tạo ra những thay đổi về tư duy ở cả cấp độ chiến lược và chiến thuật.
Ngoài vai trò trinh sát, các UAV quân sự của Việt Nam trong tương lai có thể đảm nhiệm vai trò tấn công như một giải pháp thay thế rẻ hơn cho tiêm kích Su-30.
Chia sẻ về những nỗ lực không ngừng nhằm làm chủ công nghệ UAV khi trả lời VTV News vào tháng 7 năm nay, anh Nguyễn Thanh Đông – người phụ trách dự án nghiên cứu khí cụ bay công nghệ cao của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) cho biết, các kỹ sư Viettel đã làm nên kỳ tích khi cho ra đời thuật toán điều khiển bay giúp UAV đạt độ chính xác tới 0,3m, tương đương với các sản phẩm tiên tiến trên thế giới.
Đáng lưu ý, thuật toán điều khiển bay với độ chính xác cao này được các kỹ sư Việt xây dựng hoàn toàn từ con số 0, không có tài liệu tham khảo hay sản phẩm mẫu để phân tích ngược. Quá trình thu thập dữ liệu được tiến hành qua hàng nghìn chuyến bay thử khác nhau.
Thuật toán đặc biệt đã cho phép các sản phẩm UAV của Viettel "lột xác" với bộ não mới, độ chính xác tiến tới dưới 1m, vượt trội so với mức 1,5m tiêu chuẩn trên thế giới.
Minh chứng rõ nét cho bước tiến này là những thành tích mà các UAV của Viettel đã đạt được: đạt độ chính xác 0,6m trong thử nghiệm và hoàn thành xuất sắc nghiệm thu sản phẩm với Bộ Quốc phòng khi đạt độ chính xác tới 0,3m.
Ngoài VU-C2, trong khuôn khổ triển lãm quốc phòng quốc tế năm nay, Viettel còn mang tới các sản phẩm UAV ấn tượng khác như UAV đa năng tầm xa VU-MALE có thể bay liên tục 12 giờ với cự ly hơn 1.000km, trang bị vũ khí tấn công chính xác cao; UAV trinh sát hạng nhẹ tầm trung VU-R70, với khả năng hoạt động liên tục trong 4,5 giờ và đạt tốc độ tối đa 120km/h…
Có thể nói, các sản phẩm quốc phòng "Make in Vietnam" đã giúp ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam khẳng định năng lực của mình, đúng như tiêu chí mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam năm 2019: "Make in Vietnam" không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn làm cho đất nước có sự hòa bình lâu dài khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh.