Bức ảnh panorama đầu tiên về vùng tối của Mặt Trăng được công bố vào hôm 11/1 vừa qua đã mang đến góc nhìn đầu tiên về đường chân trời của Mặt Trăng khi nhìn từ miệng núi lửa Von Kármán nằm vũng Aitken ở cực phía Nam thuộc vùng tối của Mặt Trăng.
Bức ảnh được chụp bằng camera chuyên dụng (TCAM) gắn trên tàu đổ bộ Hằng Nga 4. Ảnh được gửi về Trái Đất thông qua vệ tinh chuyển tiếp Queqiao, đang hoạt động trên quỹ đạo cách Mặt Trăng khoảng 70 ngàn km.
Người xem có thể quan sát bức ảnh panorama dưới dạng mặt phẳng tại đây , hình cầu hoặc VR tại đây . Chúng ta có thể quan sát sự tương phản khá rõ nét về bề mặt vùng tối, núi lửa của Mặt Trăng so với những hình ảnh chụp từ trên cao.
Để ý kỹ chúng ta cũng sẽ thấy robot tự hành Thỏ Ngọc 2 đang ở phía xa và đã đi một đoạn khá dài. Robot Thỏ Ngọc 2 có 6 bánh xe và nặng khoảng 140kg. Xe bắt đầu khởi động và di chuyển trên Mặt Trăng từ ngày 10/1 sau khi ở chế độ chờ khoảng 4 ngày để tránh bức xạ Mặt Trời.
Xe tự hành Thỏ Ngọc 2 sẽ di chuyển xung quanh miệng núi lửa Von Kármán và phân tích thành phần vật chất trên bề mặt của Mặt Trăng bằng máy quang phổ hình ảnh cận hồng ngoại (VNIS).
Bên cạnh đó, tàu thăm dò Hằng Nga 4 cũng sẽ tham gia vào các hoạt động khám phá địa chất, thiên văn tại cực nam của Mặt Trăng (Aitken basin). Thông qua các dữ liệu này, các nhà khoa học có thể khám phá được nguồn gốc của Mặt Trăng và tiềm năng khai thác trong tương lai.
Kia chính là xe tự hành Thỏ Ngọc 2
Như đã đưa tin trước đó, tàu thăm dò Hằng Nga 4 đã có những phút giây nghẹt thở trước khi hạ cánh thành công xuống vùng tối của Mặt Trăng vào ngày 3/1. Mới đây, Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cũng đã công bố đoạn video ghi lại cảnh hạ cánh của tàu xuống vùng tối của Mặt Trăng.
Đoạn video dài hơn 3 phút khiến người xem vô cùng hồ hộp khi Hằng Nga 4 liên tục hạ độ cao trước khi tiếp đất thành công trên bề mặt vùng tối của vệ tinh Trái Đất.
Dưới đây là đoạn video ghi lại quá trình hạ cánh của tàu thăm dò do Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cung cấp mới đây.
Quá trình hạ cánh của tàu thăm dò Hằng Nga 4
Với việc trở thành quốc gia đầu tiên khám phá vùng tối của Mặt Trăng, Trung Quốc đang tham vọng nhiều hơn thế trong các sứ mệnh vũ trụ tương lai.
Nước này đang lên kế hoạch xây dựng cho riêng mình trạm vũ trụ vào năm 2022 trước khi đuổi kịp Nga và Mỹ trong cuộc đua không gian vào năm 2030.