Cận cảnh người dân đào bới, bắt "giun biển" trong đêm

Bảo Bình |

Được đồn thổi như một loại thần dược nên giun biển có giá thành khá cao. Vì vậy, bất chấp lệnh cấm, người dân vẫn đổ xô đi bắt vào ban đêm.

"Thần dược" bị săn lùng ráo riết

Giun biển hay còn gọi là trùn biển, sá sùng sinh sống ở vùng gần các đầm lầy hay bãi bồi ven biển dưới độ sâu chừng 20-50cm. Loài này to cỡ ngón tay, con lớn có độ dài khoảng 30cm với lớp vỏ màu hồng sậm.  Khi kiếm mồi, chúng thường vươn một đầu ra thành cái vòi dài, nhỏ để di chuyển và tìm thức ăn trong lớp đất tơi xốp sát mặt nước.

Sá sùng được đồn thổi là một loại địa sâm có tác dụng tăng cường sinh lực nên có giá trị kinh tế rất cao. Việc đào giun biển đã giúp nhiều người dân ở Thừa Thiên Huế có thu nhập vào thời gian nông nhàn.

Mùa khai thác ttrùn biển kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Người dân thường đào bắt khi thủy triều xuống. Lúc này, những đụn cát sẽ xuất hiện ở các bãi đầm nước lợ, người đi bắt chỉ cần dùng cuốc nhỏ đào đụn cát này lên là bắt được.

Cận cảnh người dân đào bới, bắt giun biển trong đêm - Ảnh 1.

Người dân soi đèn pin để đào bắt sá sùng tại bãi đầm thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) lúc 3h sáng. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Ông La Văn Quốc, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc chia sẻ trên báo An ninh tiền tệ: "Cách đây 4 năm, việc khai thác giun biển bắt nguồn từ một số người dân tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi…ra đây khai thác. Thấy được nguồn lợi từ con giun biển nên người dân ở đây đổ xô đi bắt".

Theo miêu tả trên báo Thừa Thiên Huế, việc bắt trùn biển không dễ bởi chỉ cần nghe động là chúng di chuyển theo đường hầm được đào sẵn. Vì thế, người bắt ngoài việc nhanh tay còn phải đoán biết đường đi của chúng. Khi lôi chúng lên khỏi hang, động tác phải mềm mại để giữ nguyên vẹn hình dáng trùn biển.

Ngoài ra, theo ước tính của người trong nghề, tốc độ vừa đào vừa bắt không quá 10 giây. Nếu không nhanh, nó sẽ chui xuống đất khó mà bắt được

Cận cảnh người dân đào bới, bắt giun biển trong đêm - Ảnh 2.

Trùn biển có độ dài khoảng 30cm. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Trung bình một người dân bắt được khoảng 4-5kg trùn biển một buổi. Sau khi bắt xong, họ có thể bán tươi cho thương lái, hoặc đem về làm sạch để phơi khô sẽ có giá cao hơn. Trùn biển được các nhà hàng mua về chế biến phục vụ khách, đây được xem như là món nhậu đặc sản của vùng biển nơi đây.

Hiện nay, mỗi kg giun biển tươi có giá từ 90.000-100.000 đồng, đối với giun biển khô giá thành rất cao, dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu/kg.

Khai thác "chui" bất chấp lệnh cấm

Trao đổi với báo Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, trùn biển là loài cấm khai thác để tránh ảnh hưởng đến môi trường, chi cục đã giao và phân cấp trách nhiệm quản lý đến từng địa phương.

Cận cảnh người dân đào bới, bắt giun biển trong đêm - Ảnh 3.

Thành quả sau một đêm khai thác giun biển. Ảnh: An ninh tiền tệ

Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô Dương Đăng Trung thừa nhận trên tờ này: "Thời gian gần đây, thỉnh thoảng có người đến khai thác trùn biển, chủ yếu là người dân địa phương. Thời gian khai thác thường buổi tối và buổi khuya để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. 

Sắp tới, chúng tôi tăng cường tuyên truyền cấm khai thác trùn biển và đã giao cho các chi hội nghề  cá cắt cử lực lượng theo dõi, xử lý những đối tượng khai thác trái phép".

Ngoài ra, một chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang cũng đứa ra khuyến cáo trên tờ Biên phòng: Nếu không có biện pháp kiểm soát nạn săn bắt giun biển hiện nay thì nguy cơ đa dạng sinh học ở khu vực đầm Nước Mặn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, gây hậu quả khó lường cho môi trường tự nhiên. 

Đã đến lúc chính quyền địa phương cần có biện pháp khoanh vùng các khu vực có nhiều giun biển, hạn chế số người đào giun trên bãi hoặc tổ chức khai thác có thời hạn để loài sinh vật quý này có thời gian sinh trưởng…

Tổng hợp


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại