Văn miếu (Văn thánh miếu) ở Huế thuộc phường Hương Hồ (TP Huế) - nằm cạnh sông Hương thơ mộng và chỉ cách chùa Thiên Mụ vài trăm mét đường bộ - Ảnh: A.NAM
Thuộc phường Hương Hồ (TP Huế) nằm cạnh sông Hương thơ mộng, hai di tích Văn miếu và Võ miếu dưới triều Nguyễn chỉ cách di tích chùa Thiên Mụ vài trăm mét đường bộ.
Văn miếu được xây dựng vào năm 1808, dưới thời vua Gia Long để thờ Khổng Tử. Sau này dưới triều vua Minh Mạng trở về sau, Văn miếu là nơi đặt bia ghi danh trạng của các vị tiến sĩ đỗ đạt tại các kỳ thi hội được tổ chức dưới triều các vua Nguyễn.
Trước cổng Văn miếu, gần bờ sông Hương có dựng cửa Linh Tinh Môn gồm bốn trụ xây bằng gạch, phần trên trang trí pháp lam. Tấm biển ở giữa phía trước có đề bốn chữ Hán lớn "Đạo Tại Lưỡng Gian" (đạo giữa trời đất) - Ảnh: NHẬT LINH
Nằm cạnh Văn miếu, Võ miếu được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng nhằm ghi công của Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn (thời Trần) và Lê Khôi (thời Lê), các danh tướng khai quốc công thần và những tiến sĩ trong 3 kỳ thi võ của nhà Nguyễn.
Vừa qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua dự án thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích Văn miếu với tổng kinh phí hơn 66 tỉ đồng.
Khác với di tích Văn miếu còn khá nguyên vẹn và sắp được trùng tu, di tích Võ miếu hiện nay chỉ còn là địa danh với vài tấm bia đá còn sót lại sau bao bể dâu chiến cuộc.
Cổng "Đại thành môn" nằm trong khuôn viên di tích Văn miếu. Sau cổng này là nơi thờ tự Khổng Tử và đặt bia ghi danh các tiến sĩ đỗ đạt dưới triều Nguyễn - Ảnh: NHẬT LINH
Đằng sau "Đại thành môn" là hai dãy nhà đặt 32 bia đá (trong đó có 31 bia là của các khoa thi khắc tên 292 vị tiến sĩ đỗ ở 39 khoa và một bia khắc tên vị tiến sĩ đặc cách Bùi Ân Niên). Ở chính giữa là gian thờ Khổng Tử và nền móng còn sót lại của công trình Đại thành điện - Ảnh: NHẬT LINH
Mỗi bia đá ghi danh tiến sĩ đều được đặt trên một tượng rùa tương tự như ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Tượng rùa ở Văn miếu Huế được tạc không giống nhau. Chiều cao các bia đá ghi danh cũng khác nhau - Ảnh: NHẬT LINH
Ở Văn miếu Huế, nhiều tấm bia ghi danh bị đục bỏ mất nhiều chữ. Nguyên do là nhà Nguyễn cho bỏ tên của nhiều người từng được khắc lên bia liên quan đến việc chống Pháp, hoặc thua trận như Tống Duy Tân, Phan Đình Phùng... Hoặc tên đệm của các vị tiến sĩ trùng với tên đệm của vua Thiệu Trị là Miên Tông - Ảnh: NHẬT LINH
Cuối hai dãy nhà đặt bia ghi danh tiến sĩ là hai nhà bia đặt hai bia đá cổ khắc hai bài chỉ dụ của vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị. Tấm bia đá bên phải khắc bài "Cung giám bất đắc liệt tấn thân" (vua Minh Mạng dụ về việc thái giám không được liệt vào hạng quan lại); bia đá bên trái khắc bài "Ngoại thích bất đắc thân chính" (vua Thiệu Trị dụ về việc bà con bên ngoại của vua không được tham gia chính quyền) - Ảnh: NHẬT LINH
Bên cạnh mỗi tấm bia đá ghi danh được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đặt thêm một tấm bảng QR Code chứa thông tin của các vị tiến sĩ được khắc tên trên bia. Văn miếu Huế là điểm đến được nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài tìm đến tham quan. Nơi đây cũng là nơi được nhiều bạn học sinh, sinh viên tìm đến cầu may mắn trước mỗi đợt thi cử - Ảnh: NHẬT LINH
Nằm cạnh di tích Văn miếu là di tích Võ miếu được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng. Theo sách "Đại Nam thực lục", vua Minh Mạng dụ rằng: "Những người được thờ ở Võ miếu tất phải là bậc có công liệt rõ ràng, giữ trọn trước sau, mới đủ để nêu rõ ý nghĩa thờ tự và làm gương lâu dài cho sau này... Nay chuẩn cho: trong danh tướng các triều đại thì lựa lấy Trần Quốc Tuấn và Lê Khôi; trong danh tướng tiên triều ta thì lấy Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Trương tất cả sáu người, liệt vào thờ phụ ở giải vũ tả hữu nhà Võ miếu" - Ảnh: NHẬT LINH
Khác với di tích Văn miếu còn khá nguyên vẹn và sắp được trùng tu, di tích Võ miếu hiện nay chỉ còn sót lại vài tấm bia đá trơ trọi giữa trời, không được che mưa che nắng và có nguy cơ bị xâm lấn, xóa sổ - Ảnh: NHẬT LINH