Huyện Nam Đàn (Nghệ An) là vùng đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây không chỉ có cảnh sắc núi non hùng vĩ, tráng lệ mà còn là cái nôi sản sinh ra nhiều bậc hào kiệt, anh hùng dân tộc.
Tại mảnh đất này, vào thế kỷ VIII, vua Mai Hắc Đế đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, lật đổ ách đô hộ của nhà Đường, lập nên nhà nước Vạn An (năm 713 - 722).
Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan (năm 670 - 723), mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên, ông có sức vóc khỏe mạnh, thông minh, tài trí hơn người, lại giỏi võ nghệ nên nổi tiếng trong vùng.
Khi Mai Thúc Loan trưởng thành cũng là lúc nhà Đường đô hộ nước ta. Lòng căm thù giặc ngoại xâm đã thôi thúc ông đứng lên, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa.
Ban đầu, cuộc khởi nghĩa diễn ra ở xã Nam Thái, huyện Nam Đàn rồi bùng nổ, lan rộng rộng khắp trên phạm vi cả nước, quét sạch giặc xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Năm 713, Mai Thúc Loan được nhân dân suy tôn lên làm Vua, lập nên nhà nước Vạn An. Sử sách gọi ông là Mai Hắc Đế (tức ông vua Đen họ Mai).
Năm 722, nhà Đường quay lại xâm lược nước ta, Mai Hắc Đế cùng quân và dân kiên cường chống địch. Trong cuộc chiến quả cảm đó, vua Mai cùng gia thất và nhiều tướng sĩ bị tử trận.
Ghi nhớ công lao của ngài, nhân dân nhiều nơi, đặc biệt là vùng Sa Nam đã lập đền để thờ phụng, hương khói.
Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu tuy thất bại nhưng danh tiếng của vua Mai vẫn còn chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Trải qua hàng trăm năm với bao biến thiên của lịch sử, khu lăng mộ và đền thờ vua Mai vẫn luôn được hương khói và nhiều lần được trùng tu, tôn tạo.
Cuối năm 2022, đền thờ vua Mai Hắc Đế được Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Những di sản này góp phần lan tỏa hình ảnh con người và mảnh đất Nam Đàn đến với du khách thập phương.