Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (trước đây được gọi là đại lộ Đông Tây) là tuyến đường huyết mạch của TP. HCM, kết nối với các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ. Theo quy hoạch, đây cũng là con đường đầu tiên trong tổng 6 tuyến ở TP. HCM được cải tạo và bố trí hai làn đường riêng dành cho tuyến xe buýt nhanh (BRT).
Dự án tuyến buýt nhanh BRT số 1 TP.HCM khởi động từ năm 2014, tuy nhiên liên tục phải điều chỉnh về kỹ thuật, giảm vốn vay và xin lùi thời gian, tạm hoãn... Đến nay dự án đã khởi động lại, hiện chủ đầu tư đang thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự kiến tháng 6/2023 sẽ đưa vào khai thác. Công trình nằm trong Dự án giao thông xanh TP. HCM do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Tổng vốn đầu tư dự án là 143 triệu USD, trong đó hơn 121,2 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Trong ảnh là giai đoạn xây dựng đường song hành Võ Văn Kiệt.
60 m chiều rộng làn đường của đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ sẽ được cải tạo và bố trí hai làn riêng cho tuyến BRT số 1, nằm sát dải phân cách trung tâm của phần làn đường cơ giới hiện tại. Hiện, mạng lưới xe buýt của TP có 126 tuyến với 2.100 xe đang hoạt động. Đến năm 2025, TP sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt lên 260 tuyến, với 3.000 xe.
Hành lang tuyến chính BRT số 1 có chiều dài 26 km, từ An Lạc (quận Bình Tân) đến Rạch Chiếc (TP Thủ Đức), qua các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Ngoài ra, BRT số 1 còn kết nối đến trạm trung chuyển Hàm Nghi và trạm trung chuyển Chợ Lớn để tăng tính kết nối với hệ thống xe buýt hiện hữu.
Ngày 8/6/2022, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức hội thảo chuyên sâu về phương án sử dụng xe buýt điện thay thế cho xe buýt xài khí nén thiên nhiên (CNG). Thành phố cũng xây dựng đề án phát triển giao thông công cộng từ nay đến năm 2030, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững, văn minh, ưu tiên hướng tới sử dụng xe năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Do đó, việc lựa chọn phương tiện cho tuyến BRT nói riêng cũng như xe buýt của TP nói chung trong thời gian tới là rất cần thiết.
Để tăng cường khả năng tiếp cận trên tuyến, trong thành phần dự án đầu tư có 19 cầu bộ hành trong tổng số 28 trạm; bố trí 8 bãi đỗ xe gắn máy cá nhân xung quanh khu vực trạm dừng, nhà ga. Hiện, đại lộ Võ Văn Kiệt chỉ có một tuyến xe buýt duy nhất hoạt động là tuyến 39 (Bến Thành - Võ Văn Kiệt - Bến Xe Miền Tây).
Hệ thống tín hiệu giao thông thông minh được bố trí lắp đặt đèn giao thông, camera quan sát và kiểm đếm phương tiện, tổ chức và điều hành giao thông tại trung tâm nhằm tối ưu hóa việc vận hành BRT số 1 trên tuyến đường Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ.
Bên cạnh đó, TP sẽ xây mới một số cầu bộ hành và cầu vượt kênh, cải tạo cầu bộ hành hiện hữu xung quanh trạm dừng… nhằm tăng khả năng tiếp cận của hành khách với trạm BRT. Trong tương lai, 19 cầu bộ hành sẽ được xây dựng, hành khách từ bờ kênh Bến Nghé - Tàu Hủ phía quận 4 và 8 sẽ dễ dàng đến tuyến buýt nhanh thông qua cầu bộ hành.
Đường Võ Văn Kiệt rộng, thông thoáng nên việc bố trí làn đường riêng cho xe buýt nhanh hoạt động trên tuyến đường này được cho là sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, đường Mai Chí Thọ, đoạn từ Đồng Văn Cống đến nút giao Cát Lái dài khoảng 1,8 km, lại thường xuyên ùn tắc do có nhiều container ra vào cảng Cát Lái. Trong ảnh là đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức).
Để xe buýt nhanh di chuyển thuận lợi, TP. HCM sẽ mở rộng mỗi bên 1 làn xe vào dải phân cách trung tâm đoạn từ Đồng Văn Cống đến nút giao Cát Lái và xây dựng mới các cầu bộ hành để phục vụ hành khách tiếp cận trạm dừng. Trong ảnh là nút giao Cát Lái (TP Thủ Đức).
Sơ đồ tuyến BRT số 1 của thành phố Hồ Chí Minh. Đồ hoạ: Tuệ Nhật.