Cận cảnh bề mặt Mặt trời gần nhất từ trước đến nay
Hình ảnh do tàu Solar Orbiter của NASA ghi lại trong nhiệm vụ mà Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ liên kết với Cơ quan vũ trụ châu Âu ESA.
Loạt ảnh được cho là ghi lại bề mặt Mặt trời ở cự ly gần nhất từ trước đến nay khi tàu Solar Orbiter bay cách ngôi sao ở khoảng 77,2 triệu km vào giữa tháng 6/2020.
Tàu Solar Orbiter phóng lên vũ trụ hồi tháng 2/2020 thực hiện nhiệm vụ kéo dài 2 năm nhằm thu thập thông tin hình ảnh để tiến hành nghiên cứu các phản ứng trên bề mặt Mặt trời và hiện tượng thời tiết vũ trụ nguy hại đi kèm.
Holly Gilbert, nhà khoa học dự án của NASA tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard ở thành phố Greenbelt, Maryland cho biết: "Đây là những hình ảnh chụp Mặt trời gần nhất từ trước đến nay mà chúng tôi thu thập được. Những hình ảnh tuyệt vời này giúp nhà khoa học ghép các tầng khí quyển của Mặt trời, điều này rất quan trọng để nghiên cứu hiểu cách điểu khiển thời tiết không gian gần Trái đất và trên khắp hệ mặt trời".
Những hình ảnh do Solar Orbiter ghi lại cận cảnh Mặt trời nhất từ trước đến nay
Daniel Müller, nhà khoa học dự án Solar Orbiter của ESA, bất ngờ tuyên bố rằng: "Chúng tôi không mong đợi kết quả tuyệt vời sớm như vậy. Những hình ảnh cho thấy tàu Solar Orbiter đã có khởi đầu tốt đẹp".
Để có được những hình ảnh sắc nét nhất, các nhà khoa học đã sử dụng 6 dụng cụ chụp trên tàu, thậm chí họ đã phát hiện ra những đốm lửa nhỏ, được đặt tên là ngọn lửa trại nằm rải rác trên các bề mặt ngôi sao.
Tháng trước, vệ tinh quan sát mặt trời khác của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA Solar Dynamics Observatory (SDO) kỷ niệm 10 năm hoạt động trên vũ trụ, với sứ mệnh chính là thăm dò, nghiên cứu, quan sát Mặt trời.
Để kỷ niệm, NASA đã phát hành video quay ngược thời gian dài 61 phút tuyệt đẹp, tập hợp một số hình ảnh, dữ liệu chính về ngôi sao lớn nhất của hệ Mặt trời mà vệ tinh thu được trong suốt 1 thập kỷ qua.