Lá đề chim phượng đất nung thời Lý, thẻ bài cung nữ thời Lê sơ, đao cẩn tam khí thời Trần, 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, sưu tập cột kinh Phật thời Đinh... là những bảo vật quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận.
Kiệt tác của nền mỹ thuật cổ Việt Nam
Hai mặt trang trí hình chim phượng ở tư thế nhảy múa trên hoa lá. Phần thân lá bị vỡ một phần trên đỉnh, độ dày không đều. Lá đề có hình chim phượng đang nhảy múa trên hoa sen, đầu ngẩng cao, hai mỏ chụm lại, một chân co, một chân làm trụ tạo cảm giác như đang nhún nhảy trên nền hoa dây lá.
Bệ lá đề đã bị mất, chưa được phục chế nhưng dựa vào cấu trúc của lá đề, so sánh với một số lá đề khác, các chuyên gia nhận định có thể bệ của lá đề có cấu trúc giống như một viên ngói úp nhưng thân dày hơn, độ cong phù hợp để trang trí bộ mái. Mặc dù phần thân đã bị om, dập, mất phần bệ nhưng so với những lá đề cùng loại đã được phát hiện thì lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long là phiên bản còn đầy đủ và đẹp nhất. Có thể coi đây là một kiệt tác của nền mỹ thuật cổ Việt Nam.
Bảo vật quốc gia đao cẩn tam khí thời Trần có cấu tạo gồm 2 phần thân và cán. Thân đao cẩn tam khí có chiều dài 64 cm, cấu trúc gồm 3 phần: lưỡi bén, sống và mũi. Hai mặt trên thân trang trí hoa văn bằng kỹ thuật cẩn, chất liệu cẩn là kim loại màu vàng và trắng, màu của thép làm nền khiến các họa tiết càng trở nên nổi bật. Hoa văn trang trí trên đao đặc biệt tinh xảo, sống đao được trang trí hoa văn dây lá với họa tiết lá xoắn hình sin chạy từ cán đến mũi, 2 màu chủ đạo là màu trắng và vàng.
Phần cán chỉ còn lại lõi thép bên trong dài 18,5 cm, lá chắn, chuôi và chốt chuôi đều đã mất. Dấu vết còn lại cho thấy chuôi vốn được bọc bằng gỗ, đầu trên tiếp giáp với lá chắn được thít chặt bằng đai kim loại màu vàng đỏ giống như màu đồng đỏ. Đai dài 1,8 cm, làm bằng hợp kim đồng, bề mặt được mài bóng, hai viền đai khắc những đường chỉ diễn tả sợi chỉ bện lại giống như sợi dây thừng cực kỳ tinh xảo.
Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ là tấm hợp kim đồng, phẳng, mỏng, hình thang cân, hai góc của cạnh trên của hình thang được tỉa cong. Thẻ cao 12,7 cm, cạnh dưới rộng 4,9 cm, cạnh trên rộng 4,6 cm; phía trên dày 0,11 cm, phía dưới dày 0,10 cm. Các cạnh được mài vê tròn để làm mất độ nhọn, sắc của cạnh. Trên trục chính tâm từ trên xuống dưới của thẻ, cách đỉnh 1,3 cm có một lỗ nhỏ, đường kính lỗ 0,3 cm. Lỗ này để luồn dây đeo thẻ.
Hai mặt có khắc chữ Hán, nét chữ khắc sâu, rõ ràng. Mặt thứ nhất khắc 5 chữ 宮女出買牌 "Cung nữ xuất mãi bài". Chữ được xếp thành một hàng dọc, ở giữa thẻ, kích thước chữ lớn hơn so với chữ ở mặt còn lại. Đây là mặt chính của thẻ. Mặt thứ hai, tức là mặt sau của thẻ khắc 11 chữ, xếp thành 2 hàng dọc, hàng thứ nhất (từ phải qua trái) 4 chữ 宫字五號 "Cung tự ngũ hiệu"; hàng thứ hai 7 chữ 光順七年四月造 "Quang Thuận thất niên tứ nguyệt tạo" (tháng 4, năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông, năm 1466).
Cột kinh quý hiếm hơn ngàn năm tuổi
Bảo vật quốc gia sưu tập cột kinh Phật thời Đinh tại kinh đô Hoa Lư do Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng, cho dựng. Cột kinh thời Đinh được phát hiện lần đầu vào năm 1963. Tháng 6-1964, trong quá trình đào đất đắp đê khu vực ven sông Hoàng Long trên địa phận xã Trường Yên phát hiện cột kinh thứ hai. Năm 1987, trong khi đào đất, đắp đê dọc bến sông Hoàng Long tại khu vực từ bến đò Trường Yên đến Cồn Thần, trong khoảng 130 m về hướng Đông, nhân dân xã Trường Yên tiếp tục phát hiện 14 cột kinh (trong đó có 3 cột còn khá nguyên vẹn).
Cột kinh được chế tác từ đá, nặng gần 120 kg, kích thước gồm 6 bộ phận: Chân tảng, chân đế, thân cột, thớt đệm, đài sen và búp sen. Các bộ phận được lắp gá với nhau bằng hệ thống mộng ngõng, không chất phụ gia kết dính, không sử dụng chằng buộc hay vật liệu chống đỡ khác, được dựng thẳng đứng trên mặt đất. Trên các mặt của thân cột khắc văn tự chữ Hán nhưng hiện nay nhiều chữ đã bị mờ, chỉ còn một số chữ có thể đọc được. Số chữ Hán trên mỗi cột khoảng từ 545 đến 563 chữ, trong đó phần lạc khoản chiếm khoảng 1/3 (130 - 140 chữ), phần kinh từ 413 - 422 chữ.
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, nội dung những phần chữ Hán còn đọc được trên các mặt của thân cột kinh cho thấy minh văn cột kinh thời Đinh khắc nội dung tương đối giống nhau, gồm 2 phần kinh Phật và lạc khoản. Các cột kinh Phật tại Bảo tàng Ninh Bình đều có niên đại năm 979, cụ thể từ khoảng mùa xuân đến tháng 10 mùa đông năm Kỷ Mão (979).
Bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (còn gọi là thành Hoàng Đế) ở niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII được phát hiện vào năm 1992 tại xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; ở gần tháp Cánh Tiên trong khu vực thành Đồ Bàn. Tượng được tạc bằng chất liệu đá sa thạch rất giống nhau, thể hiện là giống đực, có dạng tượng tròn, cao 1,05 m, dài 1,2 m, lưng rộng nhất 0,6 m, mỗi tượng nặng khoảng 700 kg.
Hai tượng sư tử được tạc các chi tiết trang trí và tư thế giống nhau, hai chân trước chống lên, đầu ngẩng cao, mông hơi đẩy từ phía sau, ngực ưỡn thẳng về phía trước, phần bụng sau nằm xuống đất. Vì hai chân trước tạc ngắn và mất cân đối nên nhìn hai bên như hai con sư tử đang nằm. Đây cũng là nét đặc trưng riêng khác hẳn những tượng sư tử Champa được phát hiện và biết tới từ trước đến nay.
Phần đầu sư tử to khỏe, miệng há rộng, mặt hơi hếch lên với trán rộng, mũi to thô, hàm răng sắc nhọn, răng nanh chìa hai bên, mép trên và hai lỗ mũi được nhấn bằng hai đường gờ nổi song song viền quanh. Trán sư tử trang trí hoa văn hai lớp, lớp dưới là hạt chấm tròn kết dải, giữa trán tạc họa tiết hình lá đề bên trong có vòng tròn nhỏ, lớp trên là hoa văn hình vuốt uốn cong nối tiếp nhau tạo nên băng trang trí.
Hai mắt to tròn lồi nhô lên, đôi tai vểnh được tạc cách điệu gần giống chiếc lá tròn nhọn đầu với hai đường mép ngoài uốn cong xoắn vào giữa lỗ tai. Cổ ngắn, vai và ngực được thể hiện như một tấm choàng, trên cổ đeo một vòng lục lạc khá lớn, thân tròn thon, hơi bè ngang, đuôi vắt ngược lên thân bị mất. Bốn chân sư tử ngắn, mập, cổ chân có đeo vòng trang trí tạo bởi những hạt tròn kết dải.
Quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73 ngày 18-1-2024 công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023).
Để thực hiện tốt việc bảo vệ, bảo quản và phát huy có hiệu quả giá trị của bảo vật quốc gia, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa cơ quan văn hóa với công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ; phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính. Kịp thời, chủ động báo cáo, thông tin tới cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan khi có những diễn biến trong thực tế ảnh hưởng đến công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các địa phương ưu tiên đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị chuyên dụng dành cho kho bảo quản và khu vực trưng bày bảo vật quốc gia tại bảo tàng, nơi lưu giữ bảo vật quốc gia tại di tích, bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng, với nội dung hấp dẫn, hình thức đa dạng, dễ phổ biến và tiếp cận để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.