Ngày 20-6, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án vụ buôn lậu, lừa đảo, đưa hối lộ… xảy ra tại Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn và Chi cục Hải quan An Giang.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Lê Dũng (giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn) kêu oan, các cán bộ hải quan cho rằng chỉ nhận tiền bồi dưỡng một vài trăm ngàn đồng và không thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố.
Không thể quy trách nhiệm thất thoát 36 tỉ cho ai
Theo hồ sơ vụ án, Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu móc nối, cấu kết với Lê Dũng, Huỳnh Dũng Tấn và Lê Tiến Cường ký các hợp đồng mua bán hàng hóa khống với Công ty Lâm Kim Ngọc (Công ty của Hứa Châu).
Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn phải ứng chi trước 75% số tiền thuế GTGT cho Hứa Châu và Trần Thị Bích Tuyền.
Sau đó, Lê Dũng các ký hợp đồng ngoại thương xuất bán khống cho hai công ty Dang Toung Mine và Blue CT Campuchia để tạo dựng bộ hồ sơ xuất khẩu, trên cơ sở đó Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn xin hoàn thuế.
Thực hiện thỏa thuận trên, từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2013, Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn ký lập 112 bộ tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu ghi mặt hàng là thuốc lá, với trị giá là 1.288 tỉ, đã được hoàn thuế với số tiền 80 tỉ, chưa hoàn thuế gần 46 tỉ.
Lê Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn chi trước 36 tỉ đồng tiền thuế GTGT cho Hứa Châu và Trần Thị Bích Tuyền. Về số tiền này, Lê Dũng cho rằng mình không chỉ đạo chi trước.
Tại tòa, bà Nguyễn Thị Thu, kế toán trưởng của Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn, cho biết số tiền 36 tỉ mà công ty này bị thất thoát không phải do trách nhiệm của bà, cũng như không ai chịu trách nhiệm về khoản tiền này.
Theo bà Thu, số tiền 36 tỉ là tiền chênh lệch giữa quá trình chi ứng trước tiền mua hàng của công ty Lâm Kim Ngọc và tiền bán hàng cho công ty Blue C.T, đến nay Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn không còn khả năng thu hồi được.
Bà Thu cũng cho biết mặt hàng thuốc lá tiêu thụ nội địa phải chịu thuế cao, còn xuất khẩu thì được Nhà nước hoàn thuế.
Nếu số tiền 36 tỉ này không được Nhà nước hoàn thuế GTGT thì Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn sẽ lỗ.
Ngoài ra, trong lời khai trước đó tại tòa, Dũng kêu oan và cho rằng mình không có hành vi buôn lậu mà chỉ thực hiện chức năng nhiệm vụ của một giám đốc.
Lý giải về việc 3.000 thùng thuốc lá Caraven A biến thành gạo trắng, Lê Dũng cho rằng mình bị lợi dụng, bị oan vì trong tất cả hồ sơ xuất khẩu đều là mặt hàng thuốc lá.
Dũng chỉ ký theo hồ sơ, tờ trình mà cấp dưới trình lên, mặt hàng xuất khẩu là thuốc lá Caraven A còn việc chuyển giao hàng như thế nào là nhiệm vụ của chi nhánh.
“Bị cáo hoàn toàn không biết tại sao trong container lại là gạo” - Lê Dũng nói.
Chỉ có 1 cán bộ hải quan nhận ký khống
Hầu hết bị cáo là cán bộ hải quan đều khai làm đúng quy trình, thủ tục hải quan.
Do hàng của Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn được máy phân luồng xanh nên các công chức hải quan An Giang chỉ kiểm tra sơ bộ rồi cho thông quan.
Các bị cáo này đều khai không nhận tiền từ Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn.
Sau mỗi ca trực, các bị cáo nguyên đội trưởng đội nghiệp vụ là Nguyễn Thanh Lâm, đội trưởng đội tổng hợp Nguyễn Văn Thanh thường bồi dưỡng cho các công chức hải quan từ 50.000 - 200.000 đồng.
Đây là tiền nhiều doanh nghiệp cho công chức uống nước, ăn trưa, nhưng số tiền không nhiều như cáo trạng truy tố và không có việc chi theo tỉ lệ phần trăm.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Dũng là công chức hải quan duy nhất khai nhận đã ký khống hồ sơ xuất khẩu cho Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn.
Theo bị cáo Dũng, trên bộ hồ sơ xuất khẩu của Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn có giấy giới thiệu của Lê Tiến Cường (nhân viên Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn) nhưng Cường không đến làm tờ khai.
Tờ khai do Lê Khương Toàn (nguyên công chức Cục Hải quan An Giang) đưa và tham mưu cho Dũng ký, ban đầu Dũng không ký nhưng nghĩ không ký thì mất lòng lãnh đạo nên bị cáo ký.
Bị cáo Dũng cũng khai Nguyễn Văn Biên (nguyên chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình) chỉ đạo bị cáo ký khống để nhận 0,3% trên giá trị hàng hóa ghi trên tờ khai.
Sau ca trực, tiền được chia cho chi cục trưởng hưởng 25%, 2 chi cục phó mỗi người 15%, đội trưởng 12%, công chức 11%, chưa tính trừ 5% tiếp khách.
Số tiền này không chỉ là tiền của Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn mà còn là tiền của nhiều doanh nghiệp khác nữa. Bị cáo Dũng cũng cho biết việc chia tiền theo tỉ lệ % nêu trên đã có từ trước khi bị cáo chuyển về cửa khẩu Khánh Bình công tác.
Hồ sơ thể hiện Nguyễn Văn Biên đã móc nối và nhận tiền từ Lâm Thị Thủy, sau đó chỉ đạo cho cấp dưới để xác nhận khống vào các tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu của Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn qua Campuchia để nhận tiền với tỉ lệ 0,3% giá trị hàng hóa ghi trên tờ khai.
Từ ngày 5-2 đến 10-7-2013, Biên đã chỉ đạo các công chức thuộc quyền xác nhận trên 92 tờ khai hải quan ghi khống trị giá hàng hóa thuốc lá điếu 372 tỉ đồng và nhận tiền do Lâm Thị Thủy đưa là 1 tỉ.