Nhiều môn quen thuộc ở SEA Games bỗng… "biến mất"
Tại SEA Games 31, Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn với 205 huy chương vàng. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm đi đáng kể tại SEA Games 32.
Đầu tiên phải kể đến việc một loạt các môn thế mạnh của Việt Nam như bắn cung, bắn súng, rowing, canoeing (các môn Olympic) hay kurash và thể hình không được chủ nhà Campuchia đưa vào nội dung thi đấu.
Trước đó, những môn thể thao này đã mang về tổng cộng 28 huy chương vàng cho Việt Nam tại kỳ đại hội diễn ra vào năm ngoái.
Môn kurash từng là "mỏ vàng" của Việt Nam tại SEA Games 31 với thành tích 7 huy chương vàng. (Ảnh: Như Đạt)
Và những quy định mới mẻ của chủ nhà Campuchia
Tiếp đó, Campuchia cũng đưa ra những quy định mới tương đối ngặt nghèo. Chỉ có nước chủ nhà được đăng ký 100% các môn thể thao đối kháng, võ thuật như taekwondo, pencak Silat…, trong khi các đoàn khác chỉ được đăng ký không quá 70% số nội dung thi đấu. Ngoài ra, một số hạng cân thi đấu của các môn võ cũng bị cắt giảm.
Với nội dung biểu diễn ở môn wushu, cách tính huy chương cũng được Campuchia sắp xếp lại. Tại SEA Games 31 vào năm ngoái, mỗi nội dung được tính 1 bộ huy chương. Tuy nhiên tới năm nay, chỉ có trường quyền, nam quyền là đơn môn được tính độc lập, còn lại các môn binh khí phải cộng các nội dung lại mới được tính thành 1 bộ huy chương.
Ví dụ, ban tổ chức sẽ tính tổng điểm hai VĐV thi đấu nội dung kiếm thuật và thương thuật, sau đó trao huy chương chung cho cả hai. Điều này có thể khiến số lượng huy chương của đội wushu Việt Nam giảm tới 1/3.
Trước đó tại SEA Games 31, Dương Thúy Vi cùng đồng đội đã giành được 20 huy chương ở các nội dung biểu diễn và đối kháng (10 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 7 huy chương đồng), xếp nhất toàn đoàn môn wushu.
Dương Thúy Vi giành 2 huy chương vàng (Đao thuật, Thương thuật), 1 huy chương đồng (Trường quyền) tại SEA Games 31. (Ảnh: Như Đạt)
Với môn thể dục dụng cụ (TDDC), chủ nhà Campuchia thậm chí còn bỏ luôn nội dung nữ, chỉ tổ chức các nội dung của nam. Đồng thời, ở mỗi nội dung cá nhân, mỗi quốc gia chỉ được đăng ký một VĐV tham dự.
Thông thường, mỗi đội sẽ đăng ký 2 VĐV cho 1 nội dung. Còn giờ đây, trong trường hợp VĐV không may dính chấn thương trước khi vào thi đấu, đội coi như không còn cơ hội tranh chấp huy chương ở nội dung đó.
Tại SEA Games 31, đội nữ TDDC Việt Nam giành được 3 huy chương bạc, trong khi các tuyển thủ nam xuất sắc mang về 4 huy chương vàng.
Với những nhân tố đã khẳng định được tên tuổi Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, cùng các đàn em Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương, Trịnh Hải Khang và Nguyễn Văn Khánh Phong, TDDC Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để đạt thành tích cao tại SEA Games 32. Tuy nhiên, với quy định mới từ chủ nhà Campuchia, mọi việc sẽ có phần khó khăn hơn ít nhiều.
Các nữ VĐV TDDC Việt Nam không có cơ hội tranh tài tại SEA Games 32. (Ảnh: Như Đạt)
Tại kỳ SEA Games 32, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự với 1.003 thành viên, trong đó có 702 vận động viên, 189 huấn luyện viên, 10 chuyên gia thi đấu 30/36 môn thể thao, 447/583 nội dung tại Đại hội.
Việt Nam phấn đấu đạt từ 89 đến 120 huy chương vàng, đứng top đầu các quốc gia tham dự, duy trì thứ hạng cao ở các môn thể thao Olympic, đồng thời quyết tâm bảo vệ thành công chức vô địch của hai đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ.