Văn Quyết bị cấm thi đấu 8 trận, phạt 40 triệu đồng vì hành vi xâm phạm thân thể với trọng tài. Đây là án phạt nặng nhất mà đương kim Quả Bóng Vàng Việt Nam phải nhận trong sự nghiệp cầu thủ. Tuy nhiên, án nặng hay nhẹ, có tương xứng với mức độ vi phạm của Văn Quyết, là câu hỏi mà trừ Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), khó ai trả lời được.
Không ai tận mắt chứng kiến khoảnh khắc đội trưởng Hà Nội FC xâm phạm thân thể trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành, kể cả trọng tài chính Nguyễn Mạnh Hải - người rút thẻ đỏ cho Văn Quyết. Ban tổ chức giải và Ban Kỷ luật đến lúc này vẫn từ chối công bố hình ảnh sự việc.
Vết gợn lớn nhất, khiến dư luận thắc mắc nhiều nhất vẫn chưa được giải đáp. Vậy hành động xâm phạm thân thể của Văn Quyết đối với trợ lý trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành là gì?
Văn Quyết bị cấm thi đấu 8 trận, phạt 40 triệu đồng vì hành vi xâm phạm thân thể đối với trợ lý trọng tài.
Khác với phần lớn án phạt mà Ban Kỷ luật đưa ra trước đây, lần này, cơ sở để tin tưởng vào quyết định kỷ luật của những vị "phán quan" tại phố Lê Quang Đạo bị lung lay dữ dội.
Các cổ động viên đa nghi hoàn toàn được quyền đặt vấn đề chuyện bao che, xử nhẹ. Những người khác ở quan điểm ngược lại đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là án phạt chiều lòng dự luận vốn luôn lên án mạnh mẽ mọi hành vi phi thể thao? Trên thực tế, những luồng ý kiến trái chiều như vậy xuất hiện rất nhiều trong các diễn đàn cổ động viên bóng đá Việt Nam trên mạng xã hội.
Theo quy định, Ban Kỷ luật và ban tổ chức giải không cần công khai bằng chứng trước công chúng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp giống như án phạt của Văn Quyết, việc công bố hình ảnh, căn cứ chứng minh hành vi phạm luật là điều họ nên làm để đảm bảo quyết định đưa ra thuyết phục được dư luận, khiến các bên liên quan tâm phục khẩu phục.
Vấn đề này đã được đặt ra cho ban tổ chức giải và Ban Kỷ luật VFF. Từng có những CLB yêu cầu được xem băng hình và các căn cứ chứng minh lỗi và cơ sở ra án phạt, nhưng thứ họ nhận lại chỉ là cái lắc đầu. Họ chấp nhận án phạt vì quy định phải như vậy, nhưng rõ ràng trong lòng chẳng vui vẻ gì.
Ban Kỷ luật LĐBĐ Việt Nam trước đây bị chỉ trích là xử án theo dư luận và cũng có những trường hợp bị nghi là nhẹ tay, hoặc bỏ qua những hành vi vi phạm. Gần nhất, cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hữu Tuấn phạm lỗi thô bạo khiến đối thủ chấn thương nặng không phải nhận bất kỳ án "phạt nguội" nào. HLV Vũ Tiến Thành của CLB TP.HCM tố "một nhóm trọng tài bị thao túng" - phát biểu công kích rất mạnh vào uy tín, thậm chí là kết tội trọng tài và ban tổ chức - nhưng cả VPF, VFF làm ngơ.
Ở vị trí "người phán xử", Ban Kỷ luật cần phải hạn chế tối đa sự mập mờ, đề cao công khai, minh bạch để khẳng định uy tín. Bóng đá thế giới đang hướng đến những điều như vậy. VAR ra đời lam giảm bớt đáng kể những tranh cãi về sự bất công trong bóng đá, dù chưa hoàn toàn triệt để.
Một số giải đấu hàng đầu thế giới thậm chí yêu cầu trọng tài chính phải giải thích quyết định của mình công khai ngay sau khi tham khảo VAR. Các đội bóng, cầu thủ, trọng tài... đòi hỏi sự công khai, minh bạch để tâm phục khẩu phục. Người hâm mộ cũng cần được phục vụ như vậy.