Mùa đông luôn là khoảng thời gian lý tưởng để con người ta tay trong tay vượt qua giá rét.. Tuy nhiên, nó cũng dễ đem lại cảm giác cô đơn và buồn chán nhất, thậm chí kéo theo cả một hội chứng tâm lý không hề dễ chịu.
Hội chứng trầm cảm theo mùa
Chứng trầm cảm theo mùa (SAD) là một triệu chứng tâm lý khá phổ biến, gây ra bởi sự thiếu tiếp túc với ánh sáng mặt trời trong mùa đông.
Nguyên nhân cụ thể là do sự thiếu hụt một số hormone liên quan đến cảm xúc và giấc ngủ - như melatonin và serotonin - trong cơ thể chúng ta.
Các triệu chứng của SAD rất đa dạng, bao gồm việc thường xuyên cảm thấy buồn bã, mất tập trung, thiếu năng lượng, thèm ăn, giảm ham muốn tình dục, tâm trạng thay đổi thất thường gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội.
Một số người còn gặp phải tình trạng hưng phấn quá mức, hay còn gọi là hưng cảm, sau khi mùa đông trôi qua.
Theo thống kê, có khoảng 20% dân số tại Anh và Mỹ mắc phải hội chứng trầm cảm mùa đông này. Trong nhiều trường hợp, nó thậm chí còn gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, khiến một số người phải nghỉ việc hoặc mất một khoảng thời gian khá dài để hồi phục.
Bạn có đang mắc SAD?
Đối với bệnh trầm cảm thông thường, triệu chứng thường gặp là rối loạn giấc ngủ và chán ăn. Tuy nhiên, biểu hiện của hội chứng SAD lại là cảm giác thèm ngủ và các loại đồ ăn có chứa carbohydrates hoặc đồ ngọt.
Bạn cũng có thể dựa vào thời điểm bắt đầu và kết thúc của các triệu chứng để xác định liệu có phải mình mắc SAD hay không. Thông thường, nó sẽ bắt đầu khi trời trở lạnh – khoảng từ tháng 10 và kéo dài cho đến tháng 3 hoặc tháng 4.
Nếu bạn bắt gặp những dấu hiệu trên suốt 2 hoặc 3 mùa đông liên tiếp thì rất có thể bạn đã mắc hội chứng trầm cảm theo mùa.
Làm gì khi mắc chứng trầm cảm mùa đông?
Các nhà khoa học khuyên rằng bạn nên cố gắng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhiều nhất có thể, bởi nó giúp cơ thể sản sinh các hormone giúp ổn định nhịp sinh học và cảm xúc.
Liệu pháp ánh sáng nhân tạo cũng được áp dụng ở nhiều nơi để điều trị hội chứng SAD và cho thấy hiệu quả trên 85% trường hợp chỉ trong vòng 2 tuần.
Cụ thể, người bệnh không nhất thiết phải nhìn chằm chằm vào nguồn sáng mà đơn giản chỉ là ngồi thư giãn, đọc sách hoặc xem TV khoảng 30 đến 60 phút một ngày trước một thiết bị mô phỏng ánh sáng tự nhiên. Đây cũng là cách điều trị đơn giản và phổ biến nhất.
Ngoài ra, một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để ổn định nhịp tim cũng làm giảm các triệu chứng của SAD.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, các loại thuốc chống trầm cảm có thể phát huy tác dụng. Các bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc bổ sung serotonin – được biết đến là một chất dẫn truyền có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng, giấc ngủ và khẩu vị.
Liệu pháp tâm lý hành vi nhận thức, điều trị lo lắng và trầm cảm cũng được áp dụng phổ biến bởi hiệu quả của nó trong việc điều trị và tránh tái phát trong một khoảng thời gian dài.
Nhìn chung, để điều trị chứng trầm cảm theo mùa này cần sự kết hợp của nhiều yếu tố như chế độ sinh hoạt cũng như các phương pháp điều trị cụ thể theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tham khảo: The Guardian