Cảm lạnh thông thường có thể tạo ra 'vũ khí đánh chặn' COVID-19

Hải Vân/ |

Theo nghiên cứu mới được công bố, cảm lạnh thông thường có thể tạo ra mức độ tế bào T cao hơn giúp con người ít có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 hơn.

Ảnh minh hoạ: Getty Images

Ảnh minh hoạ: Getty Images

Theo đài RT (Nga), nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Imperial College London (Anh) công bố hôm 10/1 phát hiện ra rằng sự hiện diện của tế bào T ở mức độ cao sau cảm lạnh thông thường có thể bảo vệ con người khỏi nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Nghiên cứu này là “khám phá quan trọng” và là “bằng chứng đầu tiên về vai trò bảo vệ của các tế bào T trong việc ngăn bệnh COVID-19”.

Giáo sư Ajit Lalvani, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất từ trước đến nay cho thấy các tế bào T do virus cảm lạnh thông thường tạo ra đóng vai trò bảo vệ cơ thể trước nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2”. Ông giải thích thêm rằng các tế bào T này “bảo vệ cơ thể bằng cách tấn công các protein bên trong virus, thay vì protein gai trên bề mặt của nó”.

Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện mới này có thể tạo ra hiệu quả miễn dịch lâu dài để chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 9/2020, vào thời điểm hầu hết người dân Anh chưa bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học đã lấy mẫu máu của những người tham gia nghiên cứu trong vòng 6 ngày kể từ khi họ tiếp xúc với virus. Điều này nhằm xác định mức độ nhận dạng chéo các protein COVID-19 của tế bào T được tạo ra khi nhiễm cảm lạnh thông thường .

Kết quả cho thấy ở những người không mắc COVID-19, mức độ tế bào T phản ứng chéo về cơ bản cao hơn đáng kể so với những người bị mắc bệnh. Điều này chỉ ra rằng tế bào T nhắm mục tiêu đến các protein bên trong virus SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện mới có thể mở đường cho sự phát triển tiềm năng của các loại vaccine COVID-19 mới. Các loại vaccine hiện có không tạo ra phản ứng miễn dịch đối với các protein bên trong virus.

“Tế bào T nhắm đến các protein bên trong virus mà chúng tôi xác định là ít đột biến hơn nhiều. Do đó, chúng được bảo tồn cao giữa các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả Omicron. Các loại vaccine mới với các protein bên trong sẽ tạo ra các phản ứng tế bào T có tính bảo vệ rộng rãi, giúp cơ thể chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 hiện tại và trong tương lai,” Giáo sư Lalvani nói.

Mặc dù nghiên cứu này là một phát hiện quan trọng, song Tiến sĩ Rhia Kundu, tác giả khác của nghiên cứu, nói rõ rằng các tế bào T chỉ là “chỉ một dạng bảo vệ và không nên chỉ dựa vào nó” để ngăn COVID-19. Ông cho rằng tiêm chủng vẫn là cách hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trước đó, kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học Australia và Hong Kong (Trung Quốc) công bố ngày 2/1 cũng cho thấy các tế bào T - tuyến phòng thủ thứ hai trong hệ thống miễn dịch của cơ thể con người - có khả năng tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả khi Omicron và các biến thể khác có thể khả năng thoát khỏi các kháng thể, tế bào T vẫn kích hoạt phản ứng mạnh mẽ và mang lại sự bảo vệ đáng kể giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại