Cảm động gia cảnh chồng “gà trống” nuôi 3 con, tìm vợ mất tích bí ẩn suốt 4 năm

Thanh Lam |

Suốt 4 năm ròng rã, anh Đỗ Đình Tân cùng gia đình hai bên nội ngoại đã tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không thấy tung tích của vợ là chị Bùi Thị Minh Thảo.

Không thể quên ngày vợ mất tích

Những ngày đầu tháng Chín, PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL) tìm đến và lắng nghe câu chuyện cảm động của gia đình anh Đỗ Đình Tân (SN 1977, trú tại tổ 3b, khu Hương Trầm, phường Dữu Lâu, TP. Việt Trì, Phú Thọ). Anh Tân là thợ cơ khí tự do. Trở về nhà sau một ngày lao động vất vả, khẽ lau vội những giọt mồ hôi trên trán, người đàn ông độc thân ngậm ngùi kể về hoàn cảnh éo le của mình.

Anh Tân cho biết, năm 2000 anh kết hôn với chị Bùi Thị Minh Thảo (SN 1979), ở cách nhà khoảng 3 cây số. Cuộc sống êm đềm trôi trong hạnh phúc viên mãn khi vợ chồng anh lần lượt chào đón 2 cô con gái chào đời. Vậy mà, khi chị Thảo mang bầu và sinh con gái thứ 3 thì cũng là lúc gia đình họ rơi vào cảnh chia ly.

Anh Tân bộc bạch: “Sau khi sinh cháu gái thứ ba được 5 tháng rưỡi thì vợ tôi bỏ đi mất tích. Trước đó, vợ tôi có rất nhiều biểu hiện bất thường: Sinh con được 2 tháng, cô ấy bị mất ngủ, đi khám ở địa phương không ra bệnh nên mới xuống Hà Nội khám và được kết luận là trầm cảm sau sinh. Tại đây, bác sĩ cho 15 viên thuốc ngủ về để uống 30 ngày, mỗi ngày 1/2 viên. 

Hôm đầu tiên đi khám về, vợ tôi vẫn uống đúng theo chỉ dẫn nhưng đến hôm sau thì vợ tôi đóng cửa buồng ở lì mãi không ra, đến khi mở cửa buồng đi ra bố tôi nhìn thấy mới hỏi sao người con lại đi loạng choạng và lúc này mới tá hoả phát hiện vợ tôi đã uống hết cả 14 viên thuốc ngủ cùng lúc”.

Cảm động gia cảnh chồng “gà trống” nuôi 3 con, tìm vợ mất tích bí ẩn suốt 4 năm - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Đỗ Đình Tân kết hôn từ năm 2000.

Khi phát hiện vợ uống nhiều thuốc ngủ, gia đình anh Tân vội đưa vợ vào viện rửa ruột. “Đêm hôm đó, hai vợ chồng tôi trông nhau, nhưng đến hôm sau, trong lúc giao ca bệnh viện, tôi được yêu cầu ra ngoài, nhưng chỉ lúc sau thì được báo là không thấy vợ đâu nữa. 

Tôi vội chạy lên tìm quanh bệnh viện và gọi cho anh em nội ngoại ra để đi tìm khắp nhưng không thấy tung tích cô ấy đâu cả. Đến chiều, tôi báo công an kiểm tra camera bệnh viện thì đã thấy vợ ra viện, mặc quần ngắn màu đen và áo phông kẻ”, anh Tân buồn bã kể lại.

Người chồng khốn khổ nhớ như in ngày vợ mình mất tích là ngày 14/6/2016. Đó thực sự là một cú sốc lớn đối với anh. Tôi hiểu điều đó khi nhìn vào gương mặt khắc khổ, thất thần trước mắt mình.

“Ngày vợ tôi mất tích là ngày buồn không chỉ đối với tôi mà còn đối với các con và gia đình tôi. Tội nhất là con gái út mới hơn 5 tháng tuổi chưa dứt sữa mẹ lại phải thiếu vắng vòng tay ôm ấp của mẹ. Thương con mà tôi chỉ biết nhìn con và dặn lòng phải mạnh mẽ làm chỗ dựa cho các con”, anh Tân tâm sự.

“Gà trống nuôi con”

Kể từ ngày vợ mất tích anh Tân một mình vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ. Anh cũng đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng vợ anh vẫn bặt vô âm tín.

“Không nói ai cũng hiểu, có vợ cùng chăm sóc nuôi dạy con cái thì đỡ vất hơn rất nhiều, còn tôi thì từ khi cô ấy bỏ đi biệt tăm, tôi cũng thay phần cô ấy cố gắng đi làm lấy tiền về nuôi các con. Con gái út là một tay tôi chăm bẵm từ lúc mẹ cháu bỏ đi đến bây giờ”, giọng anh Tân nghẹn lại.

Một mình nuôi con vất vả trăm bề, nhưng anh Tân không hề ca thán. Hiện con gái lớn của anh đang học ngoại ngữ để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động, con gái thứ hai cũng đã lớn, còn con gái út được hơn 4 tuổi. Nhiều người khuyên anh nên đi bước nữa để phòng những lúc ốm đau có người chăm sóc vẫn hơn, nhưng thâm tâm anh Tân vẫn ngày đêm đau đáu tin tưởng rằng sẽ có ngày vợ anh trở về.

“4 năm qua, tôi chưa bao giờ ngừng tìm kiếm vợ, cứ ở đâu có ai báo tin là tôi lại cùng chị gái tức tốc đi đến nơi để xác minh. Tôi đi nhiều nơi lắm không thể nhớ hết những nơi đã đi, cũng tốn kém nhưng chỉ cần còn tia hy vọng là tôi lại đi. Tôi mong các con, nhất là con gái út được gần hơi ấm của mẹ. Chị tôi cũng chia sẻ lên mạng xã hội mong mọi người nhìn thấy cô ấy thì báo cho gia đình. Tôi chỉ muốn nhắn với cô ấy rằng “anh và các con nhớ, mong em sớm quay trở về đoàn tụ cùng gia đình”, anh Tân xúc động nói.

Chia sẻ thêm với PV tạp chí ĐS&PL, chị Đỗ Nga (chị gái anh Đỗ Đình Tân) cho biết thêm: “Thường ngày, hai vợ chồng không hề có biểu hiện cãi vã hay to tiếng gì, ngược lại hai người rất thương yêu nhau. Em dâu mất tích, gia đình hai bên đã đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy. Đã 4 năm trôi qua, chúng tôi cầu Trời cho em còn sống ở nơi nào đó biết và sẽ có ngày quay về đoàn tụ với gia đình. 

Em trai tôi từ khi vợ bỏ đi, em đã làm thay phần của em dâu chăm sóc ba cô con gái, nuôi mẹ già tai biến và bố lớn tuổi, hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Nhiều khi nhìn em mà tôi không kìm được nước mắt, có lần em tâm sự nếu đi bước nữa thì cũng phải lấy người “rổ rá cạp lại”, nhưng em cũng sợ cảnh con anh con tôi nên cứ ở vậy. 

Tôi thương em nên mỗi khi có ai mách ở đâu có người nghi là em dâu đều tức tốc lên đường tìm, nhưng hy vọng càng nhiều thì lại thất vọng càng nhiều, có khi đi được nửa đường thì người ta lại báo không phải em dâu...”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khu Hương Trầm cho biết: “Gia đình anh Đỗ Đình Tân thuộc diện hộ nghèo trong khu, nhà có ba cô con gái và vợ của anh Tân mất tích đã nhiều năm nay, một mình anh Tân nuôi con rất vất vả. Về phía đoàn thể địa phương cũng chỉ hỗ trợ được gia đình anh Tân một phần nhỏ vào những dịp lễ Tết. Chúng tôi cũng hy vọng anh Tân sớm tìm được vợ của mình để cả gia đình được đoàn tụ”.

Trầm cảm là tình trạng buồn chán, giảm hoặc mất hứng thú ít nhất 2 tuần, kèm theo mệt mỏi, hay hồi hộp, ăn ngủ không ngon làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt. Đây là một rối loạn tâm thần thường gặp; là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động. Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử.

Có 3 nhóm người có tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cao, đó là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước sinh và sau sinh, người cao tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác và trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm.

(PGS.TS Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Hà Nội)

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (150)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại