Cảm động cuộc gặp sau 31 năm của hai người lính Vị Xuyên trong tấm ảnh đen trắng

Nguyễn Tuân |

Họ là những người lính thông tin từng có nhiều kỷ niệm tại mặt trận Vị Xuyên, bất ngờ gặp lại nhau sau hơn 30 năm xuất ngũ và không có thông tin gì của nhau.

Hai người trong bức ảnh đen trắng trên là ông Đặng Ngọc Thu (trái), quê ở Thanh Trì, Hà Nội và ông Phạm Xuân Thanh, quê ở Mù Cang Chải, Yên Bái. Bức ảnh này đã được ông Thanh cất giữ cẩn thận trong nhiều năm, ông cũng không ngờ có một ngày hai người được gặp lại nhau.

Theo lời kể của ông Phạm Xuân Thanh, khoảng thời gian cuối tháng 7 năm 1984, ông từ trường Hạ sỹ quan Quân khu II lên tăng cường cho Sư đoàn 356 và được điều về D2, E876 tại Sân bay Phong Quang, thuộc xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Do được đào tạo chuyên ngành vô tuyến điện nên ông được biên chế về Trung đội thông tin, giữ chức vụ Trung đội phó Trung đội Thông tin bao gồm 4 tiểu đội, và trực tiếp chỉ huy Trung đội trong huấn luyện và phục vụ chiến đấu cho các đại đội của Tiểu đoàn 2.

Đồng đội của ông là ông Đặng Ngọc Thu, một người hiền lành, ít nói, là Tiểu đội trưởng của một Tiểu đội vô tuyến.

Trong một buổi đi huấn luyện cho đơn vị ở bờ sông Lô, tình cờ gặp một nhiếp ảnh gia đi qua, nhận thấy đây là dịp may hiếm có, hai ông đã cùng nhau chụp một bức ảnh để làm kỷ niệm.

Trong trận đánh hồi đầu năm 1985 tại cao điểm 685, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) ông Phạm Xuân Thanh bị thương nặng và được đưa về tuyến sau để điều trị, sau khi bình phục, được điều về trông coi đơn vị.

Còn các đồng đội của ông tại Trung đội thông tin vẫn theo các đơn vị để phục vụ công tác thông tin liên lạc.

Đến cuối năm 1985, ông Thanh được xuất ngũ, cũng từ thời điểm đó, do tình hình chiến sự nên ông và người đồng đội của mình mất liên lạc hoàn toàn với nhau.

Nhiều năm sau đó, dù không có thông tin gì về người đồng đội thân thiết của mình, nhưng ông Thanh luôn cất giữ và bảo quản cẩn thận tấm ảnh chụp cùng với ông Thu năm 1984 bên bờ sông Lô như một kỷ vật thiêng liêng của một thời trận mạc, cùng với những kỷ vật khác được ông mang về từ chiến trường.

Xuất ngũ trở về địa phương, ông Phạm Xuân Thanh công tác tại Bưu điện huyện Mù Cang Chải, sau này là Phó Chủ tịch Thị trấn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Ông cho biết, năm 2016 ông đã đi nhiều nơi để tìm lại những đồng đội của Trung đội thông tin, từ đồng chí Trung đội trưởng quê ở Đô Lương, Nghệ An, một số đồng đội ở Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội, nhưng thông tin về người đồng đội Đặng Ngọc Thu đã chụp chung với ông tấm ảnh năm nào thì vẫn không ai hay.

Rồi như một sự sắp đặt, trong buổi ghi hình Chương trình Giai điệu tự hào của Đài Truyền hình Việt Nam ngày 17/7/2016, chương trình tri ân những người lính trong cuộc chiến tranh biên giới, ông Phạm Xuân Thanh đã bất ngờ gặp lại ông Đặng Ngọc Thu và nhiều đồng đội khác sau hơn 30 năm không có tin tức gì về nhau.

“Tất cả các đồng đội của tôi gặp nhau đều nhận ra nhau ngay, vì từng có thời gian sống với nhau trong học tập và chiến đấu thật gần gũi và thân thiết như anh em trong một nhà,” ông Phạm Xuân Thanh nói.

Những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt, những nỗi niềm xúc động trào dâng, rồi những câu chuyện bên lề buổi ghi hình.... Hầu hết những người lính năm xưa giờ đã lên ông, lên bà.

Có những người đã nghỉ hưu theo chế độ, có những người còn đang công tác, nhưng cũng có những người vẫn phải vất vả mưu sinh hằng ngày, trong số đó có ông Đặng Ngọc Thu.

Theo lời kể của ông Đặng Ngọc Thu, ông nhập ngũ tháng 3 năm 1983 rồi tham gia chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tại mặt trận Vị Xuyên, đến tháng tháng 6 năm 1986, ông xuất ngũ trở về quê nhà, ngoại thành Hà Nội, và công tác tại Xí nghiệp Chế biến thức ăn gia súc Ngọc Hồi.

Nhưng cũng chỉ được 5 năm xí nghiệp giải thể, từ đó đến nay ông trở thành lao động tự do, bất kể có việc gì là ông làm để bươn trải cuộc sống.

Hiện ông Thu sống với gia đình tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội, vợ ông từng là công nhân Nhà máy Chỉ khâu Hà Nội và đã nghỉ hưu, bản thân ông vẫn đang hàng ngày mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm.

“Trước hôm ghi hình Chương trình Giai điệu tự hào ngày 17/07, một người đồng đội của tôi tên là Dũng làm bảo vệ tại Nhà hát Lớn Hà Nội có gọi điện thoại bảo tôi đến tham dự, anh ấy có nói cứ đến đó sẽ được gặp lại những đồng đội cũ từ các địa phương trở về.

Tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm với đồng chí Thanh và cũng rất bất ngờ khi được gặp lại anh ấy,” ông Đặng Ngọc Thu chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại