Ghi nhận tại khu Ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Liệt. Hoàng Mai), dù ở vị trí khá thuận lợi, gần các trục đường lớn, cửa ngõ phía Nam thành phố, nhưng lượng sinh viên đến đây ở vẫn khá thưa thớt. Dự án có chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng được kỳ vọng cung cấp chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên các trường đại học phía nam Thủ đô đã không được như kỳ vọng.
Sinh viên Nguyễn Quốc Minh (Đại học Thăng Long) cho biết, qua giới thiệu của bạn bè, em đến thuê tại đây. Phòng Minh có 6 người, tổng giá phòng là 1,8 triệu đồng/tháng, điện nước đóng riêng, càng đông thì chia giá phòng càng rẻ. Theo sinh viên này, chi phí như vậy là rẻ nhưng không thuận tiện do xa các trường đại học, xa trung tâm, trong khi đó việc làm thêm quanh đây hầu như không có nên phòng trống còn nhiều mà chưa có ai thuê.
Hiện chỉ có 2 khối nhà đang hoạt động nhưng phòng trống còn thừa rất nhiều. 4 khối nhà khác thì đang bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng do nhiều năm không đưa vào sử dụng.
Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa. Thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch & Đầu tư làm đơn vị chủ trì về việc chuyển đổi.
Đáng chú ý, tại khu bỏ hoang thuộc tòa nhà A2, A3 đang dần biến thành khu ổ chuột do nhiều người dân dựng lều lán tại đây để sinh sống.
Tại tầng 2, tầng 3 có người ở, quần áo phơi treo bên ngoài. Mảnh đất trống trước cửa khu A3 nhanh chóng trở thành khu vực canh tác trồng rau xanh của nhóm cư dân ở đây. Điện nước tự kéo từ dưới lên, hành lang và cầu thang không có lan can chắn, cửa sổ và ban công cũng trống trơn.
Được biết, UBND phường Hoàng Liệt đã có yêu cầu kiểm tra, xử lý việc cư trú trái phép của hàng trăm lao động trong các tòa nhà bỏ hoang này. Tuy nhiên, hiện tượng trên vẫn kéo dài dai dẳng. Nguyên nhân chính là sự buông lỏng quản lý, “ban chuyền” trách nhiệm giữa các đơn vị quản lý tại đây.
Bên cạnh đó, nằm cận kề ký túc xá cũng tồn tại nhiều ô đất được dựng lều lán để kinh doanh, bãi xe, rửa xe, quán ăn... khiến cho khu vực này trở nên lộn xộn, mất an ninh trật tự.
Một nhà xưởng trái phép hoạt động lâu năm ngay sát dự án ký túc xá bỏ hoang.
Theo chuyên gia quy hoạch, KTS Nguyễn Anh Tuấn, để không để tình trạng nhu cầu thừa nhưng nhà lại thừa không ai mặn mà thì phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả của đầu tư công. Trước khi làm có nghiên cứu không hay cứ làm để rồi phải chuyển đổi, việc chuyển đổi chậm chạp cũng gây lãng phí hàng trăm tỷ ngân sách.
Khu ký túc xá được kỳ vọng của Hà Nội giờ nhếch nhác không khác gì khu ổ chuột khổng lồ.
Vườn hoa khu ký túc xá không ai dám lại gần vì cây cối, cỏ dại mọc um tùm, che lấp hoàn toàn lối đi.