Đã từng có nhiều năm gắn bó với nghề lái xe, nhưng anh Bùi Công Mạnh lại "bẻ lái" sang nghề nuôi con vật quen thuộc và có doanh thu tiền tỷ đáng ngưỡng mộ.
Nói về cơ duyên gắn bó với mô hình nuôi động vật hoang dã, anh Mạnh chia sẻ với Vietnamnet, hơn 20 năm trước, anh Mạnh làm nghề lái xe container. Trong lần đưa hàng lên Tây Bắc, người đàn ông này tình cờ biết được mô hình nuôi động vật hoang dã.
Được biết, vào thời điểm đó, mô hình nuôi động vật hoang dã chưa có nhiều nên ban đầu anh rất phân vân, sợ không có đầu ra.
"Ban đầu, gia đình tôi, nhất là vợ tôi, phản đối dữ lắm vì sợ nuôi chồn, dúi, don rồi bán không ai mua. Nhưng thấy mô hình nuôi động vật hoang dã nhiều tiềm năng, giá trị thương phẩm cao nên tôi cãi vợ, bán xe container để có vốn mua con giống", anh Mạnh kể lại.
Khi mới bắt tay khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi, anh nông dân này chỉ dám mua hơn 10 cặp dúi giống về thử nghiệm. Sau hơn một năm, đàn dúi phát triển đều, ít dịch bệnh, sinh sản tốt, nên anh mua thêm chồn mốc, chồn hương, don giống về nuôi.
Qua nhiều năm học hỏi kinh nghiệm và bắt tay thực chiến, hiện anh Mạnh làm giàu nhờ có nhiều trang trại động vật hoang dã ở một số tỉnh thành.
Các trại của anh được chia thành hai khu riêng biệt gồm: khu nuôi dưỡng và khu sinh sản. Trong đó, khu sinh sản giữ tĩnh lặng tuyệt đối. Nếu có tiếng động mạnh, tiếng ồn làm cho con mẹ hoảng sợ, có thể không cho con bú sữa.
Anh Mạnh cho biết, nguồn thức ăn của con chồn là: chuối chín, đu đủ chín… Mỗi buổi chiều tối, anh còn cho chồn ăn thêm cháo gà, heo… Con dúi ăn rất đơn giản, gồm: tre, mía và bắp. Con don thì ăn chuối chín, khoai lang…
"Con don, dúi và chồn mốc nuôi khoảng 1 năm là bắt đầu sinh sản. Dúi sinh sản 3 lần/năm; don và chồn mốc mỗi năm đẻ 2 lứa. Chồn mốc nuôi khoảng 1 năm là có thể bán thương phẩm, khi đó chúng đạt trọng lượng 7-8 kg/con. Về sinh sản, chồn mốc đẻ từ 3-5 con/lứa. Ưu điểm của chồn mốc là trọng lượng lớn hơn chồn hương, có thể đạt tới 12kg", anh Mạnh nói.
Anh cho biết, giá bán một cặp chồn mốc 3 tháng tuổi là 15 triệu đồng; cặp chồn bố mẹ là 35 triệu đồng.
"Chuồng trại có thể quây lưới để nuôi con don và chồn. Khi phối giống có 2 cách là "phối giống 1 con đực và 2 con cái" hoặc "2 con đực và 4 con cái". Anh Mạnh nói thêm, khi xuất chuồng bán giống sẽ cấp giấy chứng nhận nguồn gốc của trang trại, cũng như hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người mua.
Hiện tại, mỗi năm anh Mạnh có nguồn thu hàng tỷ đồng từ các trang trại nuôi động vật hoang dã từ Bắc vào Nam.
Tương tự anh Mạnh, anh Nguyễn Hữu Châu ở Đồng Nai cũng thành công với mô hình nuôi động vật hoang dã. Thuở ban đầu khi bắt tay khởi nghiệp, anh Châu dự kiến nuôi chồn cho vui nhưng sau khi tìm hiểu thông tin về loài vật gốc gác là động vật hoang dã này, ông thấy chúng thuộc loại dễ nuôi nên nảy sinh ý tưởng nhân rộng đàn chồn.
Theo Dân Việt, anh nông dân này n uôi chồn hương ít tốn chi phí, giá chồn hương bán ra cao nên người nuôi đạt lợi nhuận tốt, nhất là nuôi chồn cho sinh sản, bán con chồn giống. Sau khi phối giống thành công khoảng 2 tháng, chồn mẹ bắt đầu đẻ, mỗi năm chồn cái đẻ 2 lần, mỗi lần từ 4-5 con. Chồn con sau khi nuôi 2 - 3 tháng là nông dân có thể xuất bán chồn hương giống với giá từ 10 - 12 triệu đồng/cặp.
Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, cả nước có khoảng 8.600 cơ sở nuôi động vật hoang dã với 2,5 triệu cá thể, 300 loài được nuôi. Nuôi động vật hoang dã nhằm mục đích thương mại mang lại lợi nhuận, thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều nông dân. Hoạt động này góp phần vào việc bảo tồn nhờ cung cấp các sản phẩm thay thế cho động vật hoang dã, giảm áp lực lên các quần thể hoang dã.