Ukraine có kế hoạch sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Mối đe dọa lớn nhất đối với Quân đội Nga trên các hướng tác chiến Kursk và Belgorod là tên lửa chiến thuật đa năng hiện đại hóa R-360 thuộc tổ hợp Neptune.
Những tên lửa này ban đầu được phát triển để chống lại các mục tiêu trên mặt nước, giờ đây chúng có thêm tính năng và cải tiến mới, cho phép thực hiện cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu trên mặt đất.
Phiên bản mới của R-360 được trang bị hệ thống điều khiển và đầu đạn cải tiến, giúp tăng tầm bắn lên 500 - 700 km. Các tên lửa được nâng cấp có khả năng bao quát khoảng cách đáng kể, tăng tầm bay từ 280 lên 700 km.
Điều này có nghĩa là chúng đủ sức đe dọa những đối tượng nằm rất sâu trong lãnh thổ Nga, giúp mở rộng đáng kể khả năng răn đe chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Bước đổi mới quan trọng là việc trang bị cho tên lửa đầu đạn có sức nổ mạnh theo kiểu xuyên thấu nhẹ hơn đi kèm thùng nhiên liệu lớn hơn. Ngoài ra Neptune còn nhận được đầu dẫn radar hiện đại (GOS).
Điển hình như đầu dẫn ARGS-5R, có khả năng tìm kiếm và dẫn đường tên lửa tới mục tiêu một cách hiệu quả ngay cả trong điều kiện nhiễu sóng vô tuyến rất mạnh.
Hệ thống dẫn đường này tương tự như đầu dò Gran-K của Nga, được sử dụng trên tên lửa Kh-35U và được đặc trưng bởi độ chính xác và độ "tinh khiết quang phổ" của tín hiệu được tăng lên.
Đối với hệ thống phòng không Nga, việc Ukraine hiện đại hóa tên lửa hành trình R-360 Neptune rõ ràng đặt ra một vấn đề thách thức mới.
Loại đạn này hiện khó bị đánh chặn hơn vì chúng cơ động cao và có thể thay đổi đường bay để đáp trả những nỗ lực nhằm bắn hạ chúng.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đối với Ukraine hiện nay là việc sản xuất những tên lửa như vậy chỉ giới hạn ở số lượng vài đơn vị mỗi tháng, cho nên Kyiv đang đề nghị đồng minh đầu tư vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng của mình và mua sản phẩm để cung cấp cho chính Lực lượng vũ trang Ukraine.
Tên lửa R-360 Neptune bắn chìm tuần dương hạm Moskva - soái hạm của Hạm đội Biển Đen.