Cái kết cuối cùng khiến cựu nữ giám đốc Agribank Bến Thành vô cùng "vui sướng"!

PHẠM DŨNG |

Sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ, hồ sơ của vụ án xảy ra tại Agribank Bến Thành, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với các bị cáo do có kháng cáo và kháng nghị.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh và các đồng phạm

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh và các đồng phạm

Ngày 21-5, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên án tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) - chi nhánh Bến Thành.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận việc rút kháng nghị tăng án từ chung thân lên tử hình của đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đối với bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (SN 1960, nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành).

Từ đó, cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử kháng nghị của VKSND TP HCM, bác kháng cáo của bị cáo, tuyên y án chung thân đối với Nguyễn Thị Hoàng Oanh.

Liên quan đến vụ án, cấp phúc thẩm tuyên y án Lê Văn Tính tù chung thân, Nguyễn Quốc Việt 26 năm tù, Huỳnh Ngọc Thạch 15 năm tù, Hồ Đình Thanh 11 năm tù, Phạm Đình Kim Chi 4 năm tù. Đồng thời, tòa chấp nhận một phần kháng cáo, giảm án cho Trần Trường Vũ Xuân Tuyên còn 4 năm 6 tháng tù.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Oanh liên đới bồi thường cho Agribank nhiều khoản tiền và phải nộp lại số tiền 24 tỉ đồng đã nhận hối lộ và 5 tỉ đồng tiền thu lợi từ việc cho thuê 2 căn nhà để sung quỹ Nhà nước.

Trước đó, phiên tòa phúc thẩm đã tạm hoãn để xác minh huyết thống giữa bị cáo Oanh và con trai do xuất hiện tình tiết bị cáo gây án trong thời gian nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Kết quả giám định kết luận: Bị cáo Oanh và Đ.M.N có quan hệ huyết thống mẹ - con ruột; tại thời điểm giám định (tháng 5-2021), Đ.M.N có độ tuổi từ 15 năm 6 tháng đến 16 năm.

Vì vậy, đủ căn cứ xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Oanh đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Trong khi đó, theo Điều 35 Bộ luật hình sự năm 1999 (nay Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015) quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Sau phần phát biểu bổ sung của đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận lại của các luật sư bào chữa cho các bị cáo có kháng cáo trong vụ án.

Theo án sơ thẩm, bà Oanh được bổ nhiệm làm Giám đốc Agribank Bến Thành vào năm 2008. Quá trình điều hành, bà Oanh cấu kết với em rể là Trương Thế Thanh (nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch - kinh doanh Agribank Bến Thành, đã qua đời) thực hiện nhiều hành vi sai phạm nhằm chiếm đoạt tài sản công.

Cụ thể, bà Oanh đã sử dụng tên nhiều cá nhân để lập khống hồ sơ và tất toán các thủ tục vay vốn rồi chiếm đoạt tổng cộng 26.600 chỉ vàng SJC của chi nhánh này.

Bà Oanh khai đã sử dụng 22.500 chỉ vàng mua căn nhà mặt tiền ở đường Trần Quang Khải (quận 1, TP HCM), sau đó cho một phòng giao dịch Agribank Bến Thành thuê lại để thu lợi hơn 5,6 tỉ đồng. Số vàng còn lại, bà Oanh sử dụng cá nhân, không chia cho ai khác.

Đến hạn trả nợ, bà Oanh chỉ đạo cấp dưới lấy tên cá nhân, doanh nghiệp khác lập hợp đồng vay vàng, tiền của Agribank Bến Thành để đảo nợ. Tính đến ngày 20-11-2012, khi Bộ Công an khởi tố bị can, dư nợ gốc và lãi đã hơn 44,4 tỉ đồng. Tổng cộng, bà Oanh và đồng phạm đã tham ô của Agribank Bến Thành thông qua các hợp đồng vay vốn khống hơn 31 tỉ đồng.

Ngoài ra, bà Oanh còn ký cho em rể là Trương Thế Thanh vay 13 tỉ đồng, sau đó Thanh mất khả năng thanh toán. Trong vụ này, bà Oanh chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giúp sức cho Thanh tham ô 8,8 tỉ đồng.

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, VKSND TP HCM đã có kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm tăng hình phạt từ chung thân lên tử hình với bị cáo Oanh bởi nhận định của TAND TP HCM cho rằng hậu quả thiệt hại do bị cáo Oanh cùng các đồng phạm gây ra cho Agribank Bến Thành trong tội "Tham ô tài sản" phần lớn đã được khắc phục là không có căn cứ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại