Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam: Tài sản ông Vũ Khoan để lại là tinh thần đổi mới
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Tôi rất buồn khi nghe tin ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng chính phủ Việt Nam vừa qua đời sáng nay. Đây là một tổn thất lớn của ngành ngoại giao Việt Nam nói riêng cũng như của Đảng và nhà nước ta.
Với các thế hệ cán bộ Ngoại giao chúng tôi, ai ai cũng quí mến và nể trọng ông, một cây đại thụ của ngành ngoại giao. Ông là một trong những nhà ngoại xuất sắc hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua với tầm nhìn chiến lược và tư duy sắc bén.
Ông có đóng góp rất lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước nhiều thập kỷ qua, trực tiếp tham gia vào việc phá thế bao vây cấm vận cho đất nước những năm 80 thế kỷ trước, rồi bình thường hoá quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ và sự nghiệp hội nhập quốc tế của Việt Nam như việc Việt Nam gia nhập ASEAN, đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA)…
Ngay cả khi ông đã nghỉ hưu, ông vẫn tích cực đóng góp vào việc xây dựng chiến lược đối ngoại Việt Nam thời kỳ mới, và vào việc đào tạo những cán bộ làm công tác đối ngoại không chỉ cho Bộ Ngoại giao mà cho các bộ Quốc phòng, Công an và các bộ ngành khác và các địa phương trong cả nước.
Tôi luôn nhớ hình ảnh ông kể cả lúc sức khỏe đã yếu vẫn cặm cụi bên chiếc máy tính để viết bài. Cá nhân tôi vinh dự và may mắn có vài năm làm thư ký cho ông khi ông còn là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Tôi đã học hỏi được rất nhiều ở ông, từ chuyên môn cũng như nhân cách sống. Ông luôn thẳng tính, cương trực nhưng cũng rất gần gũi và cảm thông với cấp dưới.
Ông cũng rất gần gũi với báo chí, luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí. Tôi nhớ khi còn làm thư ký cho ông, lúc đó ông được giao tổng phụ trách việc tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên ở Việt Nam, giữa bao công ngàn việc, nhưng báo nào đặt vấn đề, ông đều nhận lời. Khi tôi thắc mắc ông nghỉ vào lúc nào, ông trả lời: viết báo chính là cách "nghỉ ngơi, thư giãn" của ông!
Với tôi, tinh thần đổi mới, mở cửa có lẽ là tài sản mà ông Vũ Khoan đã để lại cho các cán bộ ngành ngoại giao.
Đại sứ Trương Triều Dương, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Philippines: Ông Vũ Khoan biết "đứng trên vai những người khổng lồ"
Đại sứ Trương Triều Dương
Tôi đã biết ông Vũ Khoan ngay từ khi tôi mới vào công tác tại Bộ Ngoại giao từ năm 1980. Ông Vũ Khoan lúc đó còn đang phụ trách mảng Kinh tế đối ngoại. Sau đó một thời gian dài tôi có cơ hội phiên dịch cho ông Vũ Khoan trong các cuộc tiếp xúc đối ngoại nên có cơ hội tiếp xúc và có nhiều kỷ niệm với ông.
Qua đó, tôi rất cảm phục ông, một nhà ngoại giao khôn ngoan, dày dặn kinh nghiệm và cũng là một con người rất dễ mến. Các chính khách và các nhà ngoại giao nước ngoài cũng rất tôn trọng ông Khoan.
Ông Khoan có nhiều dấu ấn với ngành ngoại giao Việt Nam, nhưng theo tôi, dấu ấn quan trọng nhất là ông là một trong những người tiên phong trong chính sách ngoại giao phục vụ kinh tế.
Trong cả quá trình đàm phán hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, và sau đó là đàm phán gia nhập WTO, ông Vũ Khoan đã có nhiều đóng góp, ở cả vai trò tại Bộ Ngoại giao cũng như khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng ở Bộ Thương mại.
Trong quá trình đó, với tư cách là người tham gia đàm phán, tôi được trao đổi với ông Vũ Khoan rất nhiều. Ông Khoan là một con người thông minh, kiến thức sâu rộng, dí dỏm, sắc sảo. Cái giỏi của ông Vũ Khoan là ông biết "đứng trên vai những người khổng lồ". Ông luôn lắng nghe, học hỏi, đúc kết và từ đó đưa ra những cái quyết sách hay, chính xác.
Có thể nói, ông là một nhà nhà ngoại giao kiệt xuất. Theo quan điểm của tôi, có 2 nhà ngoại giao lâu năm đáng để chúng tôi học tập là ông Nguyễn Cơ Thạch và ông Vũ Khoan.
Theo tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Vũ Khoan, sinh năm 1937, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 7h5', ngày 21/6/2023 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Đồng chí Vũ Khoan, sinh ngày 10/7/1937, tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Đồng chí Vũ Khoan là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII, IX; Bí thư Trung ương Đảng khóa IX; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII; Phó Thủ tướng Chính phủ (8/2002 - 6/2006).
Đồng chí Vũ Khoan từng giữ chức: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (1990), Thứ trưởng Bộ Thương mại (năm 2000); Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế đối ngoại, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về APEC (năm 2002).
Năm 1990, đồng chí Vũ Khoan được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1998, đồng chí Vũ Khoan được phân công làm Thứ trưởng Thứ nhất phụ trách quan hệ với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ với các hệ thống ASEAN, ASEM, APEC, công tác nghiên cứu, hợp tác kinh tế , lãnh đạo, luật, báo chí, đào tạo.
Năm 2000, đồng chí Vũ Khoan được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ mệnh Đặc toàn quyền. Tháng 1/2000, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Tháng 8/2002, được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng, được phân công phụ trách Kinh tế đối ngoại, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về APEC.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), đồng chí Vũ Khoan tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung Đảng, bầu vào Ban Bí thư.
Đồng chí Vũ Khoan là đại biểu Quốc hội các khóa X, XI.
Tháng 6/2006, được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng vì lý do sức khỏe. Năm 2007, đồng chí nghỉ ngơi tại Hà Nội.
Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Hàm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Huy hiệu 60 tuổi Đảng vào tháng 11/2021.
Đồng chí Vũ Khoan được Chính phủ các nước trao tặng: Huân chương Hữu nghị các dân tộc (Liên Xô cũ), Huân chương Tự do hạng Nhất (Lào), Huân chương Mặt trời mọc (Nhật Bản).