Đó chính là Tần Hiếu Văn vương (302 TCN – 250 TCN), vị vua thứ 34 của nước Tần trong thời kỳ Chiến Quốc. Ông chính là cha của Tần Trang Tương vương và là ông nội của Tần Thủy Hoàng.
Tuy nhiên, có một sự việc hy hữu đã xảy ra không chỉ đối với nước Tần mà có lẽ còn là xuyên suốt chiều dài lịch sử của Trung Quốc, đó là việc Tần Hiếu Văn Vương chỉ tại vị đúng 3 ngày.
Trước khi trở thành vua của nước Tần (Chư hầu thời Chiến Quốc), hành trình bước đến ngai vàng của vị quân vương vắn số này cũng không hề dễ dàng.
Vị vua đoản mệnh của nước Tần: 15 năm ở ngôi vị thái tử, 52 tuổi mới lên ngôi vua
Tần Hiếu Văn Vương tên thật là Doanh Trụ, là con trai của Tần Chiêu Tương vương, vị vua được đánh giá là có tài trị quốc khi đưa Tần vương lên thành nước mạnh nhất trong thất hùng, cũng như tạo cơ sở vững chắc cho việc Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc sau này.
Ban đầu, ông không được cha chủ đích chọn làm thái tử. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi khi người anh trai cả của ông là thái tử Doanh Điệu đột ngột qua đời ở nước Ngụy. Theo "Tần Thủy Hoàng bản ký" của sử gia Tư Mã Thiên, Doanh Trụ đã được Tần Chiêu Tương vương lập làm thái tử, gọi là An Quốc quân.
Suốt hơn 15 năm ở ngôi vị thái tử, An Quốc Quân được nối ngôi sau khi Chiêu Tương vương băng hà vào năm 251 TCN. Ông trở thành vị vua thứ 34 của nước Tần hùng mạnh, và được gọi là Tần Hiếu Văn vương.
Tần Hiếu Văn Vương vừa lên ngôi báu được 3 ngày thì đã qua đời. Ông chính là ông nội của hoàng đế Tần Thủy Hoàng, người có công thống nhất giang sơn sau khi đánh bại 6 nước chư hầu, đồng thời là một nhân vật lịch sử vô cùng nổi tiếng.
Tuy nhiên, trong thời gian cuối năm 251 TCN, Tần Hiếu Văn vương chưa chính thức lên ngôi và quyết định để tang vua cha.
Chính vì vậy, vào tháng 10 năm 250 TCN, ông mới chính thức lên làm vị vua thứ 34 của nước Tần. Thế nhưng, sau khi xá lệnh cho phạm nhân, Hiếu Văn vương đột ngột qua đời chỉ sau 3 ngày tại vị, hưởng thọ 53 tuổi.
Tần Thủy Hoàng trở thành vị vua thứ 36 của nước Tần từ khi mới 13 tuổi, sau khi ông nội và cha là Trang Tương vương qua đời chỉ trong thời gian ngắn. Ảnh: Internet
Tranh luận về sự ra đi đột ngột của ông nội Tần Thủy Hoàng
Chính vì sự ra đi bất ngờ cũng như thời gian làm vua quá ngắn ngủi của Tần Hiếu Văn vương đã làm nảy sinh ra nhiều giả thuyết ly kỳ, đồng thời gây nên không ít tranh luận.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng, vị vua thứ 34 của nước Tần đã bị Lã Bất Vi hạ độc giết chết nhằm đẩy nhanh tiến độ phò trợ Tần Trang Tương vương (tên thật là Doanh Dị Nhân hay Doanh Tử Sở) và sau đó là Tần Thụy Hoàng thuận lợi kế thừa ngôi báu một cách nhanh chóng.
Theo ghi chép của cuốn Tư trị thông giám – Chu kỷ ngũ, Lã Bất Vi lúc bấy giờ là một thương nhân giàu có ở nước Triệu, sớm có ý muốn giúp Dị Nhân trở thành người được kế nghiệp nước Tần hùng mạnh nhằm mục đích tiến thân. Sau khi chủ động kết thân, không riêng gì vàng bạc mà ngay cả Triệu Cơ, người thiếp yêu xinh đẹp, Lã Bất Vi cũng đem dâng cho Dị Nhân.
Triệu Cơ sau đó đã sinh hạ ra một con trai, đặt tên là Doanh Chính vào năm 259 TCN và người đó chính là Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên, đồng thời là nhân vật bí ẩn có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử Trung Hoa.
Một số ý kiến cho rằng Lã Bất Vi có thể chính là người mưu hại Tần Hiếu Văn vương để nhanh chóng đưa Trang Tương vương và sau này là Tần Thủy Hoàng thuận lợi lên ngôi vua.
Lã Bất Vi là một người tham vọng và sớm có nhiều tính toán. Để thuận lợi trong việc Dị Nhân thuận lợi trở về nước, vị thương nhân này đã không tiếc tiền bạc tìm mua báu vật lạ và lặn lội sang Tần để dâng tặng cho Hoa Dương phu nhân, người vợ được An Quốc quân yêu thương nhất.
Vì không có con nên vị phu nhân này đã nghe theo lời khuyên của Lã Bất Vi và quyết định nhận Di Nhân làm con nuôi, đồng thời xin An Quốc quân lập Dị Nhân làm người thừa tự.
Sau khi An Quốc quân lên ngôi Tần vương và qua đời sau 3 ngày tại vị, Dị Nhân lúc đó là Thái tử Tử Sở đã chính thức được lên kế vị, sử gọi là Tần Trang Tương vương. Sau khi lên ngôi, Tần Trang Tương vương đã phong cho Lã Bất Vi làm tướng quốc của nước Tần, tước hiệu là Văn Tín hầu.
Sự ra đi đột ngột của Tần Hiếu Văn vương sau thời gian trị vì đất nước vô cùng ngắn ngủi khiến một số ý kiến cho rằng có thể chính Lã Bất Vi đã mưu hại vua Tần nhằm để cho Tử Sở sớm ngày lên ngôi, qua đó đạt được mục đích tiến thân của mình.
Trong "Lã Bất Vi truyện" thuộc Sử ký, sử gia nổi tiếng Tư Mã Thiên có nhắc tới việc An Quốc Quân có tới hơn 20 người con, nhưng vị phi tần mà ông yêu quý nhất là Hoa Dương phu nhân lại không có con.
Chính vì vậy, có người cho rằng từ số lượng con lớn như vậy có thể thấy vị vua này thường "bận rộn" ra vào hậu cung từ khi còn là thái tử. Vì lẽ đó nên chăng sức khỏe đã suy giảm ít nhiều?
Trong khi đó, giả thuyết khác thuyết phục hơn lại cho rằng có lẽ do quá già khi lên ngôi (ngoài 50 tuổi) khiến Tần Hiếu Văn vương không may qua đời. Trước đó, vua cha là Chiêu Tương vương đã tại vị tới 56 năm.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng có thể là do gặp nhiều áp lực trong quá trình làm thái tử, đặc biệt là thường xuyên phải nhìn sắc mặt của người cha tài ba là Chiêu Tương vương, nên Hiếu Văn vương đã băng hà chỉ sau 3 ngày tại vị chính thức.
Tuy nhiên, cho dù giả thuyết gì đi chăng nữa thì việc một vị vua qua đời chỉ sau 3 ngày tại vị là một việc hiếm thấy trong lịch sử. Đây có lẽ vẫn còn là một bí ẩn khiến nhiều nhà nghiên cứu tranh cãi.
Tham khảo ảnh/nguồn: Sohu, Baidu