Một lệnh ngừng bắn được nhất trí và có hiệu lực gần như ngay lập tức ở điểm nóng Idlib, miền Tây Bắc Syria, là kết quả khá bất ngờ nếu xét đến bối cảnh phức tạp trước cuộc đàm phán kéo dài đến 6 giờ tại điện Kremlin ở thủ đô Moskva.
Cho đến trước khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan quyết định nhận lời mời đến Moskva đàm phán, tưởng chừng như nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp ở Idlib đã cận kề đối với hai nhà bảo trợ cho tiến trình hòa bình tại Syria. Ba vòng đàm phán cấp chuyên viên cùng những cuộc điện đàm cấp ngoại trưởng, thậm chí cấp nguyên thủ nhà nước cũng không mang lại kết quả.
Trong khi đó, vô số những lời cáo buộc, chỉ trích trực tiếp nhằm vào nhau đã liên tục được các quan chức của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra kể từ đầu năm 2020. Không ít những lời cảnh báo, “hăm dọa”, tối hậu thư cũng xuất hiện đây đó trên những trang báo ở hai nước. Ngày 4/3, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện nghĩa vụ của nước này theo một thỏa thuận nhằm thiết lập một khu phi quân sự ở tỉnh Idlib, mà thay vào đó đang hậu thuẫn các phiến quân.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động một lực lượng lớn binh sỹ ở Idlib, vi phạm luật quốc tế. Trước đó một ngày, Moskva tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đẩy 130.000 người tị nạn từ Syria vào Hy Lạp. Nga cũng bác bỏ các thông tin của Thổ Nhĩ Kỳ về dòng người di cư và cuộc khủng hoảng nhân đạo tại tỉnh Idlib, đồng thời cho rằng những thông tin này là vô căn cứ.
Điện Kremlin cho biết Nga hy vọng giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, mặc dù các binh sĩ của cả hai bên được triển khai rất gần nhau. Ngay khi Chính phủ Syria thông báo đóng cửa không phận tại khu vực Idlib, Moskva đã cảnh báo rằng họ không thể đảm bảo an toàn của máy bay Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trên lãnh thổ Syria. Đồng thời, Nga còn điều 2 tàu chiến trang bị tên lửa hành trình Kalibr tới Địa Trung Hải, hướng về phía bờ biển Syria.
Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Nga không “cản đường” Ankara trong cuộc đối đầu với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, Thổ Nhĩ Kỳ đã quay sang Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề nghị hỗ trợ, cũng như yêu cầu Washington triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot dọc biên giới với Syria. Trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy tổ hợp tên lửa-cao xạ phòng không Pantshir-S1 do Nga sản xuất ở khu vực Tây Bắc Syria.
Ngày 1/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ trưởng đại diện hãng tin Sputnik của Nga ở thủ đô Ankara. Tình hình cũng "căng như dây đàn" khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tấn công trả đũa nhằm vào lực lượng quân đội Chính phủ Syria để trả đũa vụ 33 lính Thổ Nhĩ Kỳ tử vong tại Idlib trong vụ không kích của quân đội Syria, khiến 19 người Syria thiệt mạng. Ít nhất ba máy bay chiến đấu của Syria bị bắn hạ.
Toàn bộ những diễn biến tiêu cực tại Idlib đã phủ bóng đen lên chuyến công du chớp nhoáng của Tổng thống T. Erdogan đến "xứ sở Bạch Dương". Tuy nhiên, chuyến đi đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Sau 6 giờ đàm phán căng thẳng tại Moskva ngày 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí về một văn kiện chung nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Cụ thể, văn kiện vừa đạt được bao gồm 3 nội dung chính: Một là chấm dứt mọi hoạt động giao tranh dọc theo đường phân định hiện có bắt đầu từ rạng sáng 6/3; Hai là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một hành lang an toàn trải dài 6 km về phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M-4 tại Syria; Ba là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung dọc theo đường cao tốc M-4 từ ngày 15/3.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, "những bước đi tiếp theo" sẽ được các bên thống nhất sau khi lệnh ngừng bắn được thực hiện. Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara vẫn bảo lưu quyền đáp trả các hành động của lực lượng Chính phủ Syria, song sẽ tham vấn với Nga. Ngoài ra, Ankara sẽ tiếp tục duy trì quân đội tại các trạm quan sát ở Idlib để giám sát lệnh ngừng bắn.
Đối với việc giải quyết vấn đề Syria, thỏa thuận tạm thời này một mặt giúp cả Ankara và Moskva giữ được thể diện, đồng thời tạo ra khoảng lặng cần thiết để các bên có những toan tính tiếp theo.
Trong trường hợp được thực thi đầy đủ và nghiêm túc, lệnh ngừng bắn rõ ràng sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria nói chung và ở Idlib nói riêng. Nhìn chung, các thỏa thuận đạt được trong vấn đề Syria luôn đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ và nghiêm túc trong quá trình triển khai. Thỏa thuận giữa hai tổng thống Putin và Erdogan lần này cũng không phải là ngoại lệ.
Dư luận đánh giá lệnh ngừng bắn là khá mong manh khi có quá nhiều bên, nhiều lực lượng đối địch sẵn sàng đạt được mục tiêu của mình bằng mọi giá. Hơn nữa, văn kiện chung vừa đạt được cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của các bên, đặc biệt là không nhắc đến người chủ hợp pháp thực sự của vùng đất Idlib khói lửa này. Số phận của thỏa thuận đạt được tại Sochi năm 2018 về thiết lập khu vực phi quân sự tại Idlib là một ví dụ.
Tuy nhiên, đối với quan hệ song phương Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến thăm làm việc đến Moskva của Tổng thống Erdogan có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giữ cho cặp quan hệ này đi theo đúng quỹ đạo mong muốn.
Nói cách khác, cuộc hội đàm cấp cao Nga – Thổ Nhĩ Kỳ tại Moskva đã giúp không để vấn đề Idlib nói riêng, cuộc khủng hoảng tại Syria nói chung phá vỡ mối quan hệ hợp tác mang tính chiến lược giữa hai nước.
Dù còn nhiều bất đồng, song đã không có cấm vận, trục xuất hay hạn chế giao thương nào được các bên áp đặt để gây sức ép đối với nhau. Mọi kênh tiếp xúc đều đang rộng mở và sẵn sàng được thiết lập khi cần, từ cấp chuyên gia, bộ trưởng cho đến cấp cao nhất. Đây là đặc điểm đáng chú ý của liên minh tình thế giữa Moskva và Ankara. Do đó, dư luận vẫn hy vọng rằng cùng với Iran, bộ ba nhà bảo trợ tiến trình hòa bình cho Syria sẽ sớm tìm được tiếng nói chung hướng tới đạt giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần một thập niên qua ở đất nước Trung Đông này.