Đầu năm nay, một giao dịch kỳ lạ đã diễn ra: băng trò chơi Super Mario Bros. được bán ra với giá 100.150 USD! Với giá tiền trên trời - tương đương 2,3 tỷ VNĐ, chắc chắn cái băng này phải có rất nhiều điểm đặc biệt.
Chứng cứ đầu tiên tới từ chính cái tên: Super Mario Bros. là phiên bản Mario đầu tiên, có thể khẳng định đây là một trong những game quan trọng nhất lịch sử hãng game đình đám Nintendo (và cũng với cả ngành công nghiệp game luôn). Bản vừa bán ra với giá 2 tỷ VNĐ lại còn là phiên bản giới hạn mang danh nghĩa “thử nghiệm thị trường”; theo ước tính, chỉ có khoảng 2.000 tới 10.000 bản được tung ra tại 27 thị trường trên toàn thế giới.
Nhiều thập kỷ sau, một phiên bản Super Mario Bros. thử nghiệm thị trường còn chưa được bóc tem bỗng trở thành món hàng quý giá vô cùng, chính cái seal mang dòng chữ Nintendo đính trên mình băng điện tử này là minh chứng cho mức độ hiếm có của nó. Theo lời đồn đại, ở ngoài kia còn một băng như thế này nữa, nhưng không ai đưa ra được bằng chứng cho thấy nó tồn tại.
Đây là phiên bản Super Mario Bros. có một không hai, tính tới thời điểm hiện tại.
Trang tin ArsTechnica đã có một buổi nói chuyện với người đã giữ băng trò chơi này suốt từng ấy năm. Anh chàng kể rằng mình đã chuẩn bị cho giây phút này nhiều năm trời.
Anh xin phép được giấu danh tính, nhưng vẫn cho phép ArsTechnica sử dụng tên trên mạng của mình là Bronty. Câu chuyện của anh bắt đầu cũng rất quái lạ: tuổi thơ của Bronty không hề biết tới cái máy chơi game NES, thứ công cụ cần thiết để vận hành được cái băng điện tử Mario kia. Bronty chỉ có thể chơi ké tại nhà những người bạn có điều kiện hơn mình.
Năm 2002, Bronty đã 27 tuổi, nhưng trái tim game thủ vẫn còn đó. Anh nhớ về thời thiếu thốn, lại một lần nữa thèm muốn có lại cảm giác chơi game NES năm nào. Anh lượn lờ trên eBay, và nỗi niềm hoài cổ đã dẫn anh tới một thú vui hoàn toàn mới, mới với cả bản thân Bronty lẫn cả cộng đồng thời bấy giờ. Đó là sưu tập game.
“Bản thân tôi đã sưu tập truyện tranh nhiều năm nay, tôi đã có sẵn hứng thú với việc sưu tầm rồi”, Bronty nói. “Rồi tôi tự nghĩ ‘Liệu đây có phải thứ đủ thú vị để mình theo đuổi không?’”
“Tôi bắt đầu từ khá sớm, từ hồi 2002 cơ, giá mua game nguyên seal không như ngày nay đâu”, anh tiếp tục giãi bày. “Những thứ ngày nay đáng giá chục ngàn USD chỉ có giá từ 200 tới 400 USD thôi. Những người khác cũng có đam mê sưu tập như thôi đa số là sinh viên năm cuối hay kiểu đó. Tôi già đầu hơn chút, lúc đó đã 27 tuổi, đã có một công việc [trong ngành tài chính], vậy nên việc mua game với tôi không khó”.
Sau 5 năm sưu tầm, bộ sưu tập của anh Bronty đã đạt con số 600 game NES, tất cả đều là bản nguyên seal. Lúc đó, anh đã biết mình đang đi trước thị trường. “Tôi đã nhìn thấy đây là bộ sưu tập có giá trị cao. Chưa cao đến mức hiện tại, nhưng tôi có thấy nó đang trên đà phát triển”.
Và rồi Bronty đánh cược: “Tôi biết đây là những vật phẩm đặc biệt và đây chính là lúc mua vào. Tôi tận dụng hết tiềm lực tài chính của mình, bán tất cả những quyển truyện tranh được giá, thậm chí là vay nợ để mua game. Tôi dốc toàn bộ gia sản vào nó”.
Nhưng đây vẫn chưa phải lúc Bronty tìm thấy thứ đáng giá nhất trong bộ sưu tập của mình.
Theo lẽ thường, một phiên bản game Super Mario Bros. với nguyên seal từ ngày phát hành không thể tồn tại trong điều kiện bảo quản tuyệt vời như vậy; đã hơn ba thập kỷ từ ngày nó lên kệ chứ ít đâu! Khi nói về những game nguyên seal, phải tới 99% game tới từ những kho hàng không bán hết của những cửa hiệu đã phá sản.
Bronty kể lại anh có thể dạo quanh eBay, tìm thấy những bộ lên tới 3.000 game nguyên seal. Nhưng đa số chúng đều là game rác, và việc mua chúng về cũng chẳng mấy khôn ngoan: đây là hàng tồn từ nhiều năm về trước, không hề có giá trị giao dịch.
“Bạn có biết game gì mới bị tồn không? Những game rác phát hành trong khoảng năm 1990 tới 1992, bởi đó là khoảng thời gian một loạt hiệu game đóng cửa. Game phát hành ra hồi năm 85, 86 và 87 thì khác, chúng ngay lập tức hết hàng vào giây phút được đặt lên kệ”, Bronty nhận định.
Những món “tôm tươi” ngày xưa bao gồm 17 tựa game được đựng trong hộp đen, số lượng rất có hạn bởi đó chỉ là hàng thử nghiệm thị trường tại New York và Los Angeles hồi cuối 1985. Hộp đựng những món game này có seal dán nắp, không được bọc nilon như những sản phẩm thông thường sau này, và vì lý do đó nó không thể ngồi trên kệ suốt vài thập kỷ mà không bị hư hỏng được.
Deniz Kahn, nhà sáng lập và CEO của dịch vụ đánh giá game Wata Games, đưa ra con số ước tính: chỉ khoảng 2.000 tới 10.000 bản của mỗi loại game chứa trong hộp đen từng được sản xuất. Đa số chúng sẽ ngay lập tức được mở ra và chơi qua, kể cả khi không được mở, cái hộp đựng cũng khó có thể trường tồn với thời gian.
Anh Kahn tiếp tục ước lượng, tại thời điểm 2019, số lượng hộp nguyên seal của mỗi game chắc chỉ là số có một chữ số. Theo lời đồn đại, anh chỉ biết tới sự tồn tại của một hộp game Super Mario Bros. tồn tại trong tình trạng móp méo xấu xí.
Bạn đã thấy rõ độ hiếm có của một hộp game NES cổ xưa như thế, và có lẽ đã tưởng tượng ra cảm giác của Bronty lúc phát hiện ra một hộp Super Mario Bros. nguyên seal vẫn còn trong tình trạng tốt. Trong một buổi lượn lờ eBay cuối năm 2012, anh phát hiện ra món hời và ngay lập tức tham gia đấu giá, mua được nó về với giá 8.000 USD.
Liên hệ với người bán, anh phát hiện ra họ còn đang có tới hơn 100 hộp game nguyên seal khác, bên cạnh những băng game thuộc thời hoàng kim của NES.
Những trò chơi cổ cũng mang theo câu chuyện riêng. Người bán thừa hưởng lại số “gia tài” này khi cha anh qua đời. Nhà sưu tập game quá cố đã bắt đầu thú vui từ thời máy Atari. Nhưng khi đứng tuổi, người đàn ông già không còn chơi game nữa, nhưng vẫn tiếp tục mua những game mới xuất hiện trên thị trường.
“Để cho cái hộp game có thể tồn tại cho tới giờ, một người đã phải làm một việc hết sức vô lý”, Bronty nói. “Một người đàn ông trưởng thành mua game về để cất lên kệ, thực sự vô lý với cái thời đó. Game lúc ấy có giá tới 85 USD [với tỷ giá của thập niên 80], và để có bộ sưu tập lớn nhường này, một người sẽ phải bỏ ra cả ngàn USD để mua về thứ họ sẽ chẳng bao giờ động tới, vô lý hết sức”.
Sau một hồi tính toán, Bronty và cộng sự (một thanh niên sưu tập game khác cũng muốn giấu danh tính, xưng hô với cái tên Kevin) quyết định bỏ ra khoảng 50.000 tới 60.000 USD để mua về 60 tới 75 game NES, toàn bộ những gì người bán đưa ra. Thế nhưng món hời nhất, cái hộp Super Mario Bros. nguyên seal, vẫn chưa được đánh giá đúng giá trị của nó.
Theo lời Kevin kể, họ ngồi phân loại game thành món hời và món thường, dựa trên cảm nghĩ của một game thủ và góc nhìn của một người đi sưu tập. Những tựa game hiếm như Clu Clu Land, Kid Icarus hay Donkey Kong được xếp vào hàng 5.000-6000 USD; món Super Mario Bros. nguyên seal chỉ nằm tại vị trí 2.000-4.000 USD, cũng dễ hiểu vì Mario thuộc loại “game quốc dân” rồi, ai cũng biết tới khuôn mặt của chàng thợ sửa ống nước người Ý trong thời buổi bùng nổ game NES.
“Đây là tỷ giá thông thường của những game này vào thời điểm đó, chúng tôi cẩn thận không đặt giá quá thấp để tránh việc người bán từ chối giao dịch”.
“Chúng tôi đều biết Super Mario Bros. đặc biệt, nhận thấy những tiềm năng của nó ngay từ khi thấy cái tên xuất hiện, nhưng không hề coi nó vượt trội so với những game khác”, Bronty nói. “Kể cả tại thời điểm chúng tôi mua, Super Mario Bros. vẫn được coi là món hàng đặc biệt, chỉ có điều chưa biết nó đặc biệt tới mức nào thôi”.
Trong buổi sơ khai của 2012, rất khó để đánh giá đúng mức độ hiếm và giá trị của những game đầu tiên của hệ NES. “Bạn phải hiểu, lúc tôi bắt đầu sưu tập game, số lượng người hiểu về niên đại của những tựa game khác nhau cực kỳ ít ỏi”, Bronty nói.
”Chúng tôi đều biết game thì phải có nhiều phiên bản, rồi cũng biết sẽ có thứ này hiếm hơn thứ kia, nhưng hoàn toàn không rõ cái nào ra trước và cái nào là hàng của đời sau … Phải đi tìm hiểu dần dần, hỏi lân la nhiều người biết chuyện thì chúng tôi mới thực sự hiểu lĩnh vực mình đang dấn thân vào”.
Những gì Bronty thổ lộ đều đúng. Trưởng ban đánh giá game của Wata Game, Kenneth Thrower nói rằng phải mất nhiều năm, góp công sức từ cả cộng đồng mới ra được danh sách cuối cùng về 30 game NES đầu tiên, được đựng trong các hộp đen. Các nhà sưu tập có thể đối chiếu những hộp nguyên seal họ sở hữu với ngày phát hành chính thức do Nintendo cung cấp để biết mình đang cầm trong tay món hàng quý giá gì, biết chính xác lúc nào cái hộp được tung ra thị trường, thời điểm nào nó dừng xuất hiện.
Mãi về sau giới sưu tập mới có được danh sách này, vì tại thời điểm 2012, ai cũng mù mờ không rõ giá trị từng món hàng là bao nhiêu, kể cả những người sưu tập gạo cội nhất. Vì thế khi định giá các mặt hàng, Kevin đánh giá số tiền từng game dựa trên cảm tính cá nhân; Metroid, Donkey Kong Jr. hay Mega Man đã đứng trên cả Super Marios Bros..
Nghĩ lại về số tiền kếch xù hai chàng trai nhận được khi bán Super Mario Bros. nguyên seal, Kevin nói rằng anh “rất ngạc nhiên về giá trị của Super Mario Bros., nhưng đồ rằng theo thời gian, sẽ càng nhiều sự bất ngờ nữa xuất hiện”. Anh không hối tiếc gì về quyết định chạy theo thú vui sưu tập game tốn kém.
“Tôi vẫn rất vui khi thấy Bronty mới là người cầm băng Super Mario Bros.”, Kevin nói. “Anh ấy mới là người bước chân vào nhà người bán game và đưa ra quyết định cuối cùng. Anh ấy hoàn toàn xứng đáng! Tôi chỉ là người đi cùng anh ấy trên con đường đó, và bản thân cũng đã nhận được những món hời, nên chẳng có gì để phàn nàn cả”.
“Khi bạn đưa ra quyết định phân chia tài sản, hãy dựa vào những gì bạn cho là công bằng tại chính thời điểm đó”, Bronty nói. “Sự ‘công bằng’ của tám năm sau có thể sẽ khác nhiều đó”.
Vì không thể tận mắt nhìn hộp game và vì muốn “có lời khẳng định đáng tin cậy cho thấy game chính hãng, trước khi chốt hợp đồng”, Kevin thuyết phục người bán hãy nhờ Video Game Authority (VGA) giám định chất lượng. VGA gửi về kết quả ấn tượng: số điểm 85+ trên thang 100, game đã được đưa vào hộp acrylic để đảm bảo chất lượng.
Suốt nhiều năm trời, Super Mario Bros. được bảo quản kỹ càng như thế, nhưng vẫn nằm im trên giá đựng, ẩn mình trong bộ sưu tập khổng lồ. Năm ngoái, thông qua lời nhờ vả của bạn bè, Bronty cho công ty đánh giá game mới thành lập - Wata Games mượn Super Marios Bros. về để thẩm định, coi như giúp quảng bá cho công ty mới.
“Chỉ vài tháng sau khi thành lập, chúng tôi đã có cơ hội tận tay chạm vào những game nguyên seal mượn được về từ những nhà sưu tập hàng đầu, tôi được trải nghiệm cảm giác khác thường nơi đầu ngón tay khi cầm những tác phẩm cổ xưa của ngành game”, CEO Kahn nói.
“Nói thế nào nhỉ, chúng tôi cũng dần mất cảm giác đê mê sung sướng khi liên tục nhìn thấy những sản phẩm hiếm có. Nhưng rồi Super Mario Bros. xuất hiện, mang tới một cảm giác khác biệt hoàn toàn - trong khi những món cổ vật khác vẫn được đánh giá là thường thấy, thì đây là phiên bản game vẫn làm cá nhân tôi cảm thấy đó mới là vật phẩm đỉnh cao của giới sưu tập. Cảm giác đó có lẽ chỉ người trong cuộc mới thấu, và nó khơi dậy trong tôi cảm giác vui thú đã biết mất nhiều năm trời”.
Sau khi nhận về Super Mario Bros. từ tay Bronty, Wata mở hộp của VGA, đánh giá lại phiên bản game cổ với 9,4/10 điểm theo chính thang do Wata đặt ra, rồi đóng lại vào một hộp hoàn toàn mới. Wata nhận định riêng cái seal cũng thuộc hàng top, và trưởng ban đánh giá Thrower tuyên bố “phiên bản game này chính là hình mẫu cho toàn bộ các hộp game NES nguyên seal khác còn tồn tại trên đời”.
Suốt năm 2018, Wata Games liên tục trưng bày cái hộp Super Mario Bros. nguyên seal tại bất kỳ sự kiện nào họ có mặt. Món hàng quý giá nằm giữa những cái sản phẩm đình đám khác trong làng sưu tập game, ví dụ như băng trò chơi dành cho nhà vô địch Nintendo World Championship hay game Stadium Events nguyên đai nguyên kiện.
“Người ta sẽ đặt câu hỏi tại sao một game Super Mario Bros. trông rất thường lại nằm cùng hàng ngũ những món đồ đắt giá nhất”, Kahn nói. “Khi trò chuyện với những người khách dạo qua gian hàng, chúng tôi mới nhận ra đa số người không biết họ đang nhìn vào thứ gì và chỉ lướt qua chúng, cũng bởi sự hiện diện và lịch sử của ‘game nguyên seal’ cũng mới chớm nở trong cộng đồng người sưu tập, mới dần dần khẳng định được chỗ đứng thôi”.
“Một khi chúng tôi đưa game ra khỏi tủ kính, đặt game vào tay họ và giải thích đó là món đồ gì, chúng tôi có thể thấy rõ biểu cảm trên khuôn mặt họ thay đổi”, anh Kahn nói tiếp. “Thậm chí cách họ cầm món đồ trên tay cũng khác”.
Bronty vẫn cứ khăng khăng rằng mình không muốn bán đi cái hộp Super Mario Bros. nguyên seal, nhưng sự thật vẫn sẽ khiến người ta xiêu lòng: trong 9 tháng cho Wata Games mượn game về trưng bày, cái hộp quý giá đã thu hút rất nhiều ánh mắt tò mò. Chẳng lâu sau, một nhà sưu tập đã quen biết Bronty lâu ngày đưa ra đề nghị mua lại cái hộp tưởng như vô giá.
“Anh ta cứ nằng nặc đòi mua suốt nhiều ngày trời, và tôi cứ liên tục từ chối”, Bronty nói. “Trong lúc đó, tôi cằn nhằn với một người bạn khác về sự phiền nhiễu mà anh kia gây ra, rồi về việc anh ta ra một cái giá không thỏa đáng”.
Rồi chính người bạn nghe lời cằn nhằn kia đưa ra một lời đề nghị Bronty không thể khước từ. “Nếu như con số đó là 100.000 USD, anh đồng ý chứ?”.
Bronty nghĩ bụng: “Chắc cũng được nhỉ, và đây cũng là một cách hay để quảng bá cho thú vui sưu tập game, nên tôi gật đầu nhận định 100.000 USD là cái giá hợp lý”. Anh chàng kia gọi thêm hai nhà sưu tập khác, hùn vốn vào để mua lại Super Mario Bros. nguyên seal với giá 100.150 USD.
Há miệng mắc quai rồi, Bronty đành phải từ chối những món tiền cao hơn, đồng ý bán cho những anh bạn kia. Thậm chí tại cái giá hơn 100.000 USD - 2,3 tỷ VNĐ, có người vẫn nghĩ cái hộp Super Mario Bros. nguyên seal phải có giá trị còn cao hơn thế, vì tiềm năng “chiếc hộp duy nhất còn tồn tại” là quá lớn.
“Nếu một ngày sưu tập game cũng giống như truyện tranh và tiền xu cổ, và một ngày sẽ có thương vụ trao đổi game triệu đô, thì đây sẽ chính là món hàng làm được điều đó”, anh Kahn nói về cái hộp Super Mario Bros. độc nhất vô nhị.
Bronty cũng có nhận định tương tự. “Có lẽ là sai lầm khi bán nó đi tại thời điểm này. Suy cho cùng thì đây là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất, có mặt trong game có lẽ là quan trọng nhất mọi thời đại. Đây sẽ là thứ được săn đón. Lượng người mua càng nhiều, giá trị đổ về nó sẽ càng lớn. Với tôi thì một món hàng như thế sẽ có giá cao tới bất kỳ mức giá nào mà thú vui sưu tập có thể mang lại”.
Nhưng dù thế, Bronty vẫn có lý lẽ của mình để bán đi món hàng quý: bản thân giá trị lớn cộng với những lằng nhằng trong việc mua bảo hiểm cho một món đồ quý hiếm khiến Bronty đắn đo, nên anh quyết định bán một lần cho xong.
Jim Halperin, một trong ba người mua lại cái hộp Super Mario Bros. nguyên seal, thổ lộ: “Hiện tại, nó sẽ nằm trong kho bảo quản bất cứ khi nào nó không nằm trong tủ trưng bày. Và hiển nhiên, chúng tôi muốn nó xuất hiện tại bất cứ sự kiện quy tụ nhiều nhà sưu tập nào”.
Dạo gần đây, Bronty có bán đi một số game NES không được đăng ký bản quyền, nhưng anh không có động lực nào để bán đi bất kỳ món hàng nào trong số 600 game NES nguyên hộp, nguyên seal anh vẫn gìn giữ bấy lâu.
Mà suốt một thập kỷ nay, Bronty đang để mắt tới một lĩnh vực khác: là những bức vẽ có trên chính cái hộp. Theo lời anh nói, người ta thường không giữ lại những tác phẩm nghệ thuật tí hon này trên những hộp game trước 1990, và cũng không xuất hiện nữa sau thời điểm 1995.
“Bạn có cơ hội tìm kiếm vận may khi đi lùng hình ảnh bìa game”, Bronty nói. “Thú vị lắm, dù chúng chỉ là hình minh họa cho game chứ chẳng phải tác phẩm nghệ thuật đặc sắc gì. Chúng to, đẹp và thường chỉ có một tấm được lưu giữ thôi. Nhiều khi còn chẳng còn tấm nào tồn tại”.
Không may cho Bronty, vì theo chính lời anh nói, “không còn nhiều tác phẩm nguyên bản trên thị trường, chúng tôi đã tìm mua suốt 10 tới 12 năm nay và thấy thị trường gần như cạn kiệt rồi”.
Nhưng bản thân là một nhà sưu tập game, Bronty khẳng định mình “vẫn luôn thích thử thách tìm được những món hàng đáng lý ra không ai có được”. Và sau những thành công mà anh có với chàng thợ sửa ống nước người Ý tới từ Nhật Bản, không có lý gì để anh chùn bước.
Tham khảo ArsTechnica