Thử thoát lầy bằng tời
Tời được sử dụng trong trường hợp xe bị sa lầy khá nặng. Thay vì chờ đợi các xe tới cứu viện thì chủ xe có thể sử dụng tời để kéo xe lên. Tuy nhiên, chú ý việc chọn điểm bám cho tời vì không phải bộ phận nào trên xe cũng chịu được sức nặng của xe.
Theo quy tắc 30% thì đa phần các bộ phận trên xe chỉ chịu được sức nặng bằng 30% trọng lượng xe. Khi gắn tời vào vị trí không hợp lý, có thể trong quá trình kéo sẽ làm gãy rời bộ phận gắn tời ảnh hưởng tới độ an toàn của xe ô tô và người lái xe.
Nhiều khi di chuyển trên những đoạn đường xấu, xe ô tô dễ bị sa lầy trong những vùng đất nhão. (Ảnh minh họa: Youtube)
Dùng bao cát để đưa xe khỏi chỗ lầy
Chuẩn bị một bao cát lớn. Sử dụng sợi cáp buộc một đầu vào bánh xe và đầu còn lại buộc vào bao cát. Chú ý là cần phải buộc thật chặt để khi bánh xe di chuyển sợi dây sẽ không tuột khỏi bao cát. Sau đó đặt các bao cát này dưới các bánh xe.
Đào một hố sâu phía trước xe và thả bao cát xuống đó rồi lấp đất lên. Bao cát sẽ trở thành một điểm cố định. Sau khi chuẩn bị xong, khởi động xe và nhấn ga cho xe di chuyển. Lúc này sợi dây cáp sẽ cuốn vào bánh xe và kéo xe ra khỏi chỗ lầy.
Dùng tuýp tháo ốc
Lắp ống tuýp tháo ốc vào một trong những con ốc trên lazang bánh xe và cố định thật chặt chiếc tuýp sắt với bánh, phần đầu tuýp hướng về phía trước sẽ tạo ra đòn bẩy để bẩy chiếc xe khỏi vũng lầy.
Khi xe di chuyển, ống tuýp sẽ ghim xuống nền đất hoặc cát và giúp nâng xe lên. Thường thì trên lazang sẽ có nắp chụp bảo vệ, nên cần tháo bỏ nắp này trước, sau đó mới có thể lắp tuýp vào ốc của bánh xe.
Dùng dụng cụ kích bánh xe
Kích bánh xe là một công cụ chuyên dụng cho những chiếc xe chuyên chạy trên các địa hình gồ ghề, lồi lõm. Trong trường hợp này, kích bánh xe sẽ nâng bánh xe lên và bạn sẽ kê được những vật cản vào bên dưới. Khi thấy là ô tô đã đứng tương đối vững, hãy thử dùng các chuyển động lắc đều để thoát khỏi bùn lầy.
Tháo bớt hơi ở các bánh xe
Chiếc xe nếu di chuyển trên đường bằng phẳng thì nên bơm căng bánh xe. Tuy nhiên, nếu bạn đang di chuyển ở vùng có địa hình xấu và có nguy cơ sa lầy cao thì những chiếc lốp mềm sẽ tốt hơn.
Nếu như bị sa lầy, hãy tháo bớt hơi trong lốp xe. Việc lốp non sẽ tạo độ ma sát và bám đường nhiều hơn, nên xe dễ di chuyển. Kinh nghiệm này không phải ai cũng biết nhưng là một kinh nghiệm cực hay để xử lý các tình trạng sa lầy của xe. Nếu bạn đã biết trước con đường sẽ đi qua rất lầy lội, hãy chủ động làm lốp xe mềm hơn. Việc này cũng sẽ ngăn chặn trước tình trạng sa lầy của xe.
Sử dụng xẻng
Khi bị sa lầy trên cát, người lái có thể sử dụng những chiếc xẻng được thiết kế đặc biệt để gắn vào hai bánh sau của xe. Hai chiếc xẻng sẽ hoạt động giống như hai mái chèo. Khi xe chạy, lưỡi xẻng cắm xuống và tạo lực đẩy kiểu mái chèo đẩy xe tiến về phía trước.
Ngoài ra, với những chiếc xẻng thông thường, người ta sẽ dùng nó để đào hết lớp bùn nhão bám xung quanh bánh xe. Lớp đất phía dưới cứng hơn sẽ tạo điểm bám tốt cho xe. Khi đó, chỉ cần lên xe, cài số thấp và nhấn ga là xe có thể nhanh chóng thoát ra khỏi chỗ lầy.
Lấy xích sắt quấn quanh bánh
Thường ở những địa bàn xa xôi, đường xá khó khăn thì mỗi lần mưa xuống, người dân sẽ sử dụng các dây xích để cuốn quanh bánh xe. Việc làm này sẽ giúp bánh xe tăng ma sát với mặt đường, không bị trượt và chống lầy. Hiện tại, các dây xích sắt chuyên dụng được chế tạo để dùng cho các xe thường chạy trong điều kiện đường xá gặp bùn lầy. Dây xích có thiết kế giống với các dây cáp và có các điểm cố định vào bánh xe. Nên quấn dây xích khi bắt đầu đi vào đường có bùn lầy. Đeo bao tay khi tiến hành quấn xích sắt để không làm bị thương cho đôi tay.
Dùng phanh để thoát lầy
Ít ai biết rằng dùng phanh cũng là một trong những giải pháp thông minh để xe thoát lầy. Khi xe mới sa lầy, người lái nên nhấn phanh từ từ, về số thấp và kéo ga để giúp xe thoát được vũng lầy. Một kinh nghiệm khi lái xe để tránh xe sa lầy chính là không giữ chặt chân phanh. Khi chạy ở đường nhiều bùn lầy chú ý chạy ở số thấp để máy khoẻ, chạy xe chậm và phanh từng chút một. Việc phanh gấp khi xe đang di chuyển với tốc độ nhanh trong bãi lầy sẽ làm xe mất kiểm soát.