Trong quá trình vận hành, có nhiều nguyên nhân khiến ô tô bị nhiễm nước trong hệ thống nhiên liệu như đổ ở trạm xăng không đảm bảo chất lượng, đi vào vùng ngập nước...
Xăng khi bị nhiễm nước sẽ làm công suất hoạt động của hệ thống bơm nhiên liệu giảm dần, do không được bôi trơn trong quá trình vận hành. Ngoài ra nước còn làm cho bình chứa nhiên liệu dễ bị gỉ sét do có khối lượng nặng hơn sẽ nằm dưới đáy bình. Nếu tình trạng xăng bị nhiễm nước không được khắc phục kịp thời, hệ thống nhiên liệu sẽ dễ dàng bị phá hỏng.
Những dấu hiệu xăng bị nhiễm nước
Dấu hiệu cơ bản nhất để bạn nhận biết xăng bị nhiễm nước là sự sụt giảm hiệu năng, ngừng hoạt động của động cơ xe hoặc xe không thể khởi động được.
Khi xăng bị nhiễm nước, hỗn hợp này được chuyển đến buồng đốt sẽ gây ra hiện tượng thuy kích, những piston không được bôi trơn, sẽ kẹt cứng hoặc khó di chuyển trong xi lanh, do đó quá trình nạp, nén nhiên liệu, nổ, xả sẽ không được thực hiện.
Nhiều trường hợp nặng, động cơ xe sẽ bị hỏng do xăng nhiễm nước, chủ xe sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn sửa chữa để xe được trở lại hoạt động bình thường.
Ngoài ra, khi xe vận hành, khả năng tăng tốc của xe không đều thì cần kiểm tra ngay xem hệ thống nhiên liệu của xe có bị nhiễm nước hay không.
Xử lý như thế nào khi xăng bị nhiễm nước?
Khi phát hiện ra tình trạng xăng bị nhiễm nước, người dùng phải dừng xe lại và đem xe tới gara sửa chữa gần nhất, xả bỏ toàn bộ xăng nhiễm nước trong bình chứa nhiên liệu và thay thế toàn bộ bằng nhiên liệu mới đảm bảo chất lượng. Người dùng nên lựa chọn xăng không chứa ethanol bởi loại xăng này có đặc tính không hấp thụ nước.
Bộ lọc nhiên liệu đóng vai trò lớn, giúp ngăn chặn nước xâm nhập vào bình chứa nhiên liệu của xe. Vì vậy trong trường hợp tỷ lệ nước trong xăng quá nhiều thì cần phải thay hoàn toàn bộ lọc mới.
Để tránh và hạn chế tình trạng xăng bị nhiễm nước, chủ xe không nên đổ xăng tại những cây xăng kém chất lượng, hạn chế đi qua những vùng nước ngập sâu, không nên xịt rửa nước vào khoang động cơ khi đưa xe đi rửa.