Cách từ chối "chén rượu ép" tinh tế trên bàn nhậu ngày đầu năm mới

Ngân Hà |

Mỗi dịp Tết, đi đâu cũng bắt gặp những cuộc ăn nhậu linh đình. Bất cứ người đàn ông nào - dù uống tốt đến đâu cũng có lúc sợ bia rượu, than thở việc phải đi uống là gánh nặng.

Từ chối được chén rượu mới là người đàn ông bản lĩnh

Vào những ngày lễ Tết cận kề, khi các cuộc hội họp, tiệc tùng diễn ra liên miên, nói chuyện với bất cứ người đàn ông nào về việc uống rượu bia, chúng ta cũng sẽ thấy họ than thở, coi việc phải đi uống là một gánh nặng.

Thế nhưng, chính họ lại là người tự tạo ra gánh nặng này. Bởi dẫu sợ uống là thế, nhưng được anh em bạn bè rủ, đa phần ai cũng đi nhiệt tình. Không đi sợ bạn bè, anh em giận, không nể trọng, sẽ rất khó trong công việc và các mối quan hệ về sau.

Do đó, cuộc vui nào của các ông chồng cũng hội ngộ đủ mặt chiến hữu, mặc các bà vợ ở nhà tất bất với trăm công nghìn việc chuẩn bị cho ngày Tết - bởi đã nhậu thì càng đông mới càng bốc!

Cách từ chối chén rượu ép tinh tế trên bàn nhậu ngày đầu năm mới  - Ảnh 1.

Có lẽ chén rượu ly bia là thứ không thể thiếu trong những cuộc vui ngày Tết, khi mà chúng ta có dịp tụ hội cùng người thân, bạn bè. (Ảnh minh họa)

Chị Thanh Tâm, nữ giảng viên đến từ thành phố Hồ Chí Minh tâm sự chuyện ăn nhậu của đàn ông trong những ngày Tết cận kề và tâm sự này đã nhận được sự tán đồng của dân mạng:

"Tôi "nể" nhất ở văn hóa uống của Việt Nam là cái gì cũng trăm phần trăm. Uống để vui, để sống, để thưởng thức chứ ly bia to đùng, mà cứ 5 -7 ly trăm phần trăm, thật không hiểu dạ dày nó khổ như thế nào.

Uống thế nói thật là chối lắm. Chả còn ngon lành gì nữa, chỉ có khổ gia đình, thành gánh nặng cho vợ con về sau.

Tóm lại là đàn ông, phải biết chút rượu bia để giao lưu hay vì công việc, nhưng điều tối quan trọng là biết điểm dừng khi uống và phải biết từ chối. Cái này khó phết, nhưng không phải không làm được."

Cách từ chối chén rượu ép tinh tế trên bàn nhậu ngày đầu năm mới  - Ảnh 2.

Việc uống rượu bia là điều khó tránh khỏi trong những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, trong dịp lễ Tết, tuy nhiên, uống thế để không phải lãnh hậu quả đáng tiếc mới là quan trọng. (Ảnh minh họa)

Đồng ý rằng có những cuộc nhậu để giao tiếp không thể từ chối, những phi vụ làm ăn được đàm phán trên bàn nhậu, nhưng không phải lúc nào việc uống cũng quan trọng và bắt buộc, đặc biệt là trong những ngày Tết. 

Nhưng cái "lý" của việc ép uống khiến nhiều người đàn ông tự chuốc lấy gánh nặng rượu bia cho mình.

Vậy nên những ngày vừa qua, chúng ta đọc nhiều tin tức tai nạn giao thông  nghiêm trọng  mà phần lớn nguyên nhân đến từ việc người cầm lái say rươuj.

Cách từ chối chén rượu ép tinh tế trên bàn nhậu ngày đầu năm mới  - Ảnh 3.

(Ảnh: Facebook)

Cách đây không lâu ở thành phố Hồ Chí Minh xảy ra một vụ tai nạn lật xe hơi, nguyên nhân được cho là anh tài xế bị bạn bè ép uống quá nhiều trong buổi tất niên đến mức không kiểm soát được tay lái.

Thường thì khi lãnh hậu quả nặng, người ta mới tỉnh ngộ, lúc đó đôi khi là đã muộn. Có nhiều bài học mà người ta chỉ có cơ hội học một lần duy nhất, nhưng phải trả cái giá đắt đỏ.

Bản lĩnh đàn ông là dám từ chối rượu bia chứ không phải là say xỉn, bởi cái vui của vài chén rượu sẽ không thể bù đắp được nguy cơ, gánh nặng mà nó đưa đến.

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, tính chung trong 5 ngày nghỉ tết Nguyên đán năm 2018, từ 14 - 18.2 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Đinh Dậu tới mùng 3 Tết), toàn quốc xảy ra 202 vụ tai nạn giao thông, làm 155 người chết và 149 người bị thương.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông là do hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia. Đó là cái giá quá đắt cho không chỉ chính người bị nạn mà còn cho cả vợ con, gia đình họ.

Ngoài ra, hiện mức phạt cho hành vi lái xe khi say xỉn rất cao. Đối với xe gắn máy, mô tô và cả xe máy điện, mức phạt dao động từ 1 đến 3 triệu. Trong khi đó, mức phạt dành cho người lái ô tô dao động từ 2 đến 18 triệu, tước giấy phép lái xe tối đa lên đến 6 tháng - theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Đừng thỏa hiệp với thần chết, hãy học cách từ chối rượu bia một cách tinh tế

Anh Lê Quốc Vinh đến từ Hà Nội, một CEO - hot facebooker mới đây đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình lời kêu gọi mọi người kiểm soát bản thân khi uống rượu bia dịp Tết này.

Anh tâm sự: "Tôi từng tự tin với tay lái của mình, tôi vẫn uống, vẫn dô, và tặc lưỡi khi bị bạn bè ép uống, và vẫn leo lên xe về nhà. Tôi biết, như thế là tôi đã thoả hiệp với thần chết.

Thế nhưng, từ lâu nay, khi hẹn nhau đi uống, tôi đi taxi và thật thanh thản khi bước lên xe. Tôi làm được, bạn cũng làm được.

Hãy tuyệt đối từ chối rượu bia nếu bạn phải cầm lái, cho dù đó là xe ô tô hay hai bánh. Nếu trót uống, hãy gửi xe và tìm phương tiện khác về nhà. Đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai. Hãy thay đổi từ chính mình."

Vậy làm sao để từ chối uống rượu bia một cách khéo léo nhất để không làm mất lòng người mời?

Chia sẻ về vấn đề này, chị Hường Nguyễn, single mom nổi tiếng đến từ Hà Nội đã có tâm sự nhận được gần 10.000 lượt quan tâm: "Tôi không ghét đàn ông uống rượu vì theo tôi đàn ông nên biết chút ít rượu bia để còn giao tiếp. Nhưng tôi ghét những người uống không biết chừng mực, cứ uống là phải say.

Tôi không ghét các cuộc tụ tập của cánh đàn ông các anh, nhưng tôi lại cực ghét kiểu tụ từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, tối đến sáng hôm sau.

Với tôi, đàn ông trưởng thành là người biết từ chối một vài cuộc chơi hoặc biết đâu là điểm dừng, giống như uống cảm thấy sắp say rồi thì hãy dừng:" Thôi, tôi sắp say rồi, uống thế thôi, hôm khác uống tiếp".

Cách từ chối chén rượu ép tinh tế trên bàn nhậu ngày đầu năm mới  - Ảnh 5.

Bản lĩnh đàn ông là dám từ chối rượu bia chứ không phải là say xỉn, bởi cái vui của vài chén rượu sẽ không thể bù đắp được nguy cơ, gánh nặng mà nó đưa đến. (Ảnh minh họa)

Để từ chối uống rượu bia, hãy nói rằng bạn đã uống rồi. Nếu có thể, nên đứng xa những người luôn cố ép bạn uống rượu

Có thể dành thời gian nói chuyện với những người không ép rượu. Điều này không chỉ giúp chúng ta tránh xa rượu bia mà còn cho mỗi người khoảng thời gian chuyện trò bên các thành viên khác.

Cuối cùng, chính chúng ta là người quyết định mình có uống rượu hay không. Nếu đã không thích uống, đừng để người khác khích bác thành công. Nếu người khác tôn trọng bạn, họ sẽ tôn trọng quyết định của bạn.

Nếu phải uống, bạn có thể nhấp môi, và đừng quên nói những câu chuyện vui vẻ để tạo không khí sôi nổi, lấn át việc mời rượu bia. Trước khi uống rượu, nên ăn một chút để lót dạ, tuyệt đối không để dạ dày rỗng để tránh hậu quả xấu cho sức khỏe.

Đồng thời, để rượu bia là niềm vui chứ không phải nỗi sợ, hãy nhớ tới lúc mình chưa biết uống, lúc mình không khỏe… để thông cảm với người đối diện. Nếu không muốn gây sức ép cho bản thân, thì đừng tạo sức ép cho người khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại