Cách phân biệt thiên thạch với đá thường

Tuyết Anh |

Thoạt nhìn, thiên thạch có hình thù giống như đá hoặc sắt cục nên không phải ai cũng biết được cách phân biệt thiên thạch với đá thường.

Một cách kiểm tra thường được sử dụng để phân biệt thiên thạch với đá thường là đo khối lượng riêng. Thiên thạch chứa sắt và các vật liệu đặc khác. Đồng nghĩa, chúng sẽ nặng hơn rất nhiều so với viên đá bình thường cùng kích thước.

Cách phân biệt thiên thạch với đá thường - Ảnh 1.

Do có hình dáng khá giống nhau nên ít người phân biệt được đá thiên thạch và đá thường.

Những rãnh không khí đặc trưng

Khác với đá bình thường sinh ra từ Trái Đất, thiên thạch có nhiều hình dạng kỳ quặc sau khi trải qua quá trình bị khí quyển nung nóng. Chúng thậm chí có thể mang những vết lõm bất thường trên bề mặt gọi là regmaglypt. Các vết lõm này xuất hiện khi lớp ngoài của thiên thạch nóng chảy trong quá trình lao xuống bề mặt Trái Đất.

Quá trình này thậm chí có thể tạo ra một lớp vỏ bọc ngoài bề mặt thiên thạch gọi là vỏ nóng chảy, trông giống như vỏ trứng màu đen. Bề mặt của một thiên thạch mới thường sáng bóng do tác động của việc lao qua khí quyển Trái Đất với tốc độ cao. Nếu rơi xuống lâu hơn, thiên thạch có thể mang màu nâu do sắt bắt đầu rỉ sét.

Ngoài ra, vệt chảy - những đường siêu mảnh hình thành do thiên thạch nóng chảy khi lao vào khí quyển, thậm chí có thể nhỏ và mảnh hơn cả sợi tóc người - cũng là một đặc điểm để nhận biết thiên thạch.

Cách phân biệt thiên thạch với đá thường - Ảnh 2.

Đá thiên thạch được đấu giá với số tiền rất lớn.

Khi bay vào bầu khí quyền, thiên thạch cọ sát với không khí nên bề mặt bị nóng lên mấy nghìn độ, và chảy thành nước. Sau đó, khi nguội dần, bề mặt nóng chảy này đóng lại thành một lớp vỏ mỏng gọi là lớp vỏ nóng chảy, thường chỉ dày độ 1 mm, màu nâu hoặc nâu đen.

Trong quá trình lớp vỏ này nguội dần, không khí thổi qua bề mặt nó và để lại những vết hằn rõ, gọi là các rãnh không khí, trông giống như vết ngón tay để lại khi ta nắm bột mì. Lớp vỏ nóng chảy và những rãnh không khí là đặc điểm chủ yếu của thiên thạch. Nếu thấy tảng đá hay cục sắt nào có các đặc điểm kể trên, thì có thể khẳng định đó là thiên thạch.

Một số cách nhận biết thiên thạch

Một số thiên thạch rơi xuống đất lâu ngày, bị mưa nắng phong hóa làm bong mất lớp vỏ cứng. Trường hợp đó, khó có thể nhận ra các rãnh không khí, nhưng không phải không có cách để nhận ra chúng.

Thiên thạch đá trông rất giống đá trên trái đất, nhưng với cùng thể tích, bạn sẽ thấy nó nặng hơn nhiều. Chúng thường chứa một lượng sắt nhất định, có từ tính, dùng nam châm thử là biết ngay. Ngoài ra, quan sát kỹ mặt cắt của thiên thạch đá, bạn sẽ thấy trong đó có rất nhiều hạt tròn nhỏ, đường kính 1-3 mm. 90% thiên thạch đá đều có những hạt tròn nhỏ như vậy.

Cách phân biệt thiên thạch với đá thường - Ảnh 4.

Bên trong đá thiên thạch sẽ có những hạn vụn li ti.

Thành phần chủ yếu của thiên thạch đá là sắt và niken, trong đó sắt chiếm khoảng 90%, niken 4-8%. Lượng niken trong sắt tự nhiên trên trái đất không nhiều như vậy. Nếu mài nhẵn mặt cắt của thiên thạch sắt rồi dùng axit nitric bôi vào, sẽ xuất hiện những vết rỗ rất đặc biệt, giống như các ô hoa.

Đó là vì thành phần các chất trong thiên thạch sắt phân bố không đều, chỗ nhiều chỗ ít niken. Chỗ chứa nhiều niken khó bị axit ăn mòn và ngược lại, tạo nên các đường vân. Đây cũng là một cách để nhận biết thiên thạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại