Ngày 31/12, Bộ Quốc Nga cho biết, các lực lượng nước này đã vô hiệu hóa 3 bệ phóng MLRS, bao gồm 2 bệ phóng HIMARS và 1 bệ phóng Alder, gần Selidovo (khu vực Donetsk) và Glubokoye (khu vực Kharkiv).
Military Informant, kênh Telegram chuyên cung cấp thông tin quân sự của Nga ngày 1/1 đã đăng một đoạn video được cho là một hệ thống HIMARS hứng đạn chùm của Nga gần Konstantinovka (cũng ở Donetsk) ngay sau khi nó vừa bắn một loạt đạn.
Hệ thống HIMARS hứng đạn chùm của Nga gần Konstantinovka. Video: Military Informant
Bệ phóng được cho là đã bị phá hủy, mặc dù đoạn video không cho thấy rõ cuộc tấn công bằng đạn chùm đã đánh trúng mục tiêu.
Dù vậy, kênh Eurasian Times cho rằng, Nga đã có thể tấn công hệ thống HIMARS trước khi kíp vận hành có thời gian rút hoàn toàn khỏi khu vực phóng. Bản thân điều này cũng đã là một thành tích quan trọng do việc tấn công một hệ thống HIMARS không phải dễ dàng.
Thử thách trong việc phá hủy hệ thống HIMARS
HIMARS được tối ưu hóa cho việc “bắn và chạy”. Phương tiện bánh lốp mang theo một bệ phóng duy nhất với 6 tên lửa GMLRS (Hệ thống tên lửa phóng loạt có dẫn đường) với tầm tấn bắn tối đa khoảng 90 km.
Tên lửa của HIMARS có độ chính xác cao có thể tấn công các mục tiêu có giá trị đằng sau chiến tuyến của đối phương 40 km ngay cả khi được phóng từ một điểm an toàn cách tiền tuyến 50 km, nằm ngoài tầm bắn của hầu hết các UAV cảm tử và hệ thống pháo phản lực phóng loạt của Nga.
Thời gian để HIMARS bắn tất cả tên lửa của nó được giữ bí mật và có thể khác nhau tùy thuộc vào loại tên lửa được sử dụng, trình tự bắn và quy trình vận hành của kíp chiến đấu.
Điều có thể chắc chắn là thời gian phóng tất cả tên lửa và “chạy” khỏi điểm khai hỏa nhỏ hơn tổng thời gian bay tới mục tiêu của tên lửa GMLRS, thời gian mà radar định vị vũ khí (WLR) xử lý quỹ đạo của tên lửa và chuyển tiếp tọa độ của hệ thống HIMARS tới MLRS phản pháo và thời gian bay tới mục tiêu HIMARS của tên lửa phản pháo.
Pháo “Cuồng phong” Tornado-S của Nga
Tornado-S MLRS của Nga có khả năng phóng tên lửa dẫn đường với đầu đạn đơn hoặc đạn chùm, tầm bắn hơn 100 km. Tuy nhiên, trong trường hợp phản pháo, vào thời điểm tên lửa Tornado-S đến điểm phóng, HIMARS đã “chạy” đến nơi an toàn.
Đoạn video được kênh Telegram Military Informant đăng tải cho thấy tên lửa phản pháo đã đến điểm phóng của HIMARS trước khi nó “chạy” đi?
Một cách giải thích hợp lý là tên lửa phản pháo đã được bắn trước khi tên lửa của HIMARS đến được mục tiêu, làm giảm đáng kể thời gian phản ứng và cắt đứt đường thoát của HIMARS.
Trong trường hợp như vậy, câu hỏi sẽ là: Làm thế nào Nga xác định được điểm phóng mà không sử dụng radar định vị vũ khí (WLR) vốn tính toán điểm phóng gần đúng bằng cách vẽ sơ đồ quỹ đạo của tên lửa?
Rất có khả năng chùm tên lửa GMLRS đã bị hệ thống trinh sát của Nga phát hiện và tọa độ phóng chính xác ngay lập tức được truyền tới khẩu đội phản pháo MLRS.
Nếu Nga hiện đã có phương tiện để phát hiện chùm tên lửa GMLRS, điều này sẽ tác động không nhỏ tới cục diện tương lai của xung đột Nga-Ukraine.
Vai trò của hệ thống trinh sát
Lực lượng Nga có một số hệ thống trên không có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa của HIMARS và truyền tín hiệu cho các hệ thống phản pháo trên mặt đất. Chúng bao gồm máy bay trinh sát Tu-214R, máy bay không người lái Orion MALE và chùm vệ tinh EKS Kupol.
Tu-214R được trang bị radar AESA thế hệ mới và hệ thống quang điện tử có độ phân giải cao để phát hiện các mục tiêu mặt đất. Hệ thống quang điện tử của nó được cho là có khả năng nhận dạng mục tiêu.
Tu-214R đã được triển khai trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vào tháng 9/2022. Ban đầu, Nga có số lượng tương đối hạn chế loại máy bay này, nhưng có thể số lượng Tu-214R sẵn sàng triển khai đã tăng lên.
Máy bay không người lái Orion MALE của Nga là một nền tảng trinh sát quang học và radar có năng lực. Nga đã không lãng phí nền tảng này cho các cuộc tấn công vũ trang khiến nó dễ bị hệ thống phòng không Ukraine phát hiện.
Eurasian Times cho rằng, Nga hiện đã có đủ UVA Orion để thực hiện giám sát mặt trận 24/7, “nhìn” sâu vào lãnh thổ Ukraine trong khi vẫn ở ngoài phạm vi phát hiện và theo dõi của các hệ thống phòng không Ukraine. UAV Orion có khả năng hoạt động liên tục 24 giờ và bay ở độ cao khoảng 6.000 mét.
Hệ thống cảnh báo sớm vụ phóng tên lửa đạn đạo EKS Kupol (Dome) của Nga có khả năng phát hiện chùm tên lửa GMLRS khi chúng được phóng đi. Hệ thống Kupol hiện có 6 vệ tinh Tundra được trang bị cảm biến IRS có độ nhạy cao trên quỹ đạo Molniya.
Kupol dự kiến sẽ được bổ sung thêm 3-4 vệ tinh, có thể duy trì cảnh giác 24 giờ với các vụ phóng tên lửa.
Tầm quan trọng của hỏa lực phản pháo
Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ bằng cách nào Nga phát hiện các vụ phóng tên lửa GMLRS từ hệ thống HIMARS. Nhưng rõ ràng, Nga đã có khả năng phát hiện những vụ phóng như vậy chính xác hơn so với việc sử dụng radar định vị vũ khí (WLR) và khả năng này sẽ được cải thiện trong tương lai.
Tuy nhiên, như có thể thấy trong video phản pháo, vẫn còn những thách thức trong việc vô hiệu hóa một hệ thống HIMARS đang tấn công. Quan trọng hơn cả là độ chính xác hạn chế của hỏa lực phản pháo. Tên lửa phản pháo với độ chính xác 10m vẫn chưa đủ để vô hiệu hóa HIMARS một cách chắc chắn. Ngay cả việc sử dụng đạn chùm cũng không thể đảm bảo khả năng phá hủy mục tiêu.
Thiết bị dẫn đường đầu cuối của tên lửa sẽ là yếu tố cần thiết để đảm bảo khả năng tiêu diệt mục tiêu. Tuy nhiên, mối đe dọa ngày càng tăng mà các hệ thống HIMARS được triển khai phía sau phòng tuyến của Ukraine phải đối mặt hiện nay là đủ để Kiev hạn chế sử dụng chúng.