San hô ở Hòn Mun (Nha Trang) bị tàn phá nghiêm trọng.
San hô chết chủ yếu do con người
Những ngày qua, thực trạng san hô bị tẩy trắng, chết hàng loạt ở khu bảo tồn biển Hòn Mun khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về nguyên nhân.
Theo TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học tại Nha Trang, san hô ở vịnh Nha Trang, đặc biệt là trong khu vực Khu bảo tồn biển Hòn Mun, đã được khảo sát quốc tế là rất phong phú, có đến khoảng 380 loài.
San hô chết, san hô bị hư hại là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về môi trường biển.
Theo TS Nguyễn Tác An, có 8 nguyên nhân gây ra và dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường sinh thái biển. Bên cạnh nguyên nhân tự nhiên, trong các nguyên nhân do con người gây ra, có các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên bờ và cả do các hoạt động xây dựng trên các đảo trong khu vực. Tuy vậy, để khẳng định san hô chết do nguyên nhân nào thì cũng đều phải có kết quả kiểm tra, khảo sát khoa học, có số liệu cụ thể.
PGS.TS Chu Hồi, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, mức độ suy thoái của rạn san hô Hòn Mun lên tới 60 - 90%, thể hiện qua việc giảm độ phủ san hô, sự vỡ vụn của thành tố san hô trong rạn san hô và sự suy giảm các loài quý hiếm.
Nguyên nhân suy thoái các rạn san hô này, theo TS Chu Hồi có thể do thị trường dịch vụ lặn ở đây phát triển sớm và nóng nhưng thiếu thể chế hóa, thiếu công cụ giám sát và kiểm soát tốt, khiến việc bảo tồn san hô gặp tác động rất mạnh, dẫn đến suy thoái nghiêm trọng.
Sự biến đổi của đại dương, làm tăng nền nhiệt, axit hóa cũng dẫn đến hiện tượng trắng hóa san hô. Ô nhiễm hữu cơ do các nguồn lục địa cũng dẫn đến vùng biển chết. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân gây tác động ở diện rộng chứ không riêng Hòn Mun.
Hòn Mun nằm cách đất liền hơn 10km, nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn vịnh Nha Trang, rộng 160km và được bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi đây nổi tiếng với hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều điểm san hô quý hiếm. Vì thế, đây là địa điểm thu hút khách tham quan ngắm đại dương, lặn biển.
Cần đến 10 năm để khôi phục
Để khôi phục các rạn san hô này, theo TS Nguyễn Tác An, trước tiên cần phải tổ chức cho các chuyên gia đi kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng các vùng bảo tồn có san hô và đa dạng sinh học bị suy giảm để xác định nguyên nhân, xác định loài san hô bị chết thì mới đề xuất được giải pháp khắc phục.
Trong 380 loài san hô ở vịnh Nha Trang có những loài phát triển rất chậm nhưng cũng có nhiều loài san hô sinh trưởng, phát triển nhanh (khoảng 1,6 cm/năm).
PGS Chu Hồi cho rằng, cần ít nhất 10 năm, rạn san hô và hệ sinh thái nơi đây mới có thể phục hồi do đặc thù san hô phát triển rất chậm. Ông đề xuất một số giải pháp cấp bách phải thực hiện ngay để phục hồi rạn san hô gồm tạm dừng các hoạt động dịch vụ kinh tế ảnh hưởng đến rạn san hô. Thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ các quy chế bảo tồn theo quy định quốc tế với vùng lõi khu bảo tồn như Hòn Mun.
"Để có thể phục hồi rạn san hô Hòn Mun, cần phải triển khai nhiều giải pháp. Trước tiên nên tạm dừng các hoạt động dịch vụ kinh tế ảnh hưởng đến rạn san hô để rạn có thể nghỉ một thời gian.
Hòn Mun là vùng lõi khu bảo tồn, thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt nên đã quy chế quốc tế bảo vệ, cần tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy chế này", TS Chu Hồi nói.
Cùng quan điểm, TS Đặng Đỗ Hùng Việt, Viện Tài nguyên và Môi trường biển - Viện Hàn lâm và khoa học công nghệ Việt Nam cho rằng, giải pháp trước mắt là đóng cửa tạm thời các khu vực rạn san hô bị suy thoái và bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực còn san hô tồn tại.
Đồng thời cần phải tiến hành ngay các khảo sát thực tế và nghiên cứu tìm ra nguyên nhân chính xác của hiện tượng này.
Khi rạn san hô bị suy thoái nghiêm trọng, các loài địch hại của san hô như sao biển gai, rong vôi sẽ phát triển mạnh. Vì vậy cần có các giải pháp cơ học để ngăn chặn sự bùng phát của các loài địch hại này.
Ngoài ra, có thể bổ sung giải pháp như bổ sung nguồn lợi thủy sản xuống khu vực này. Việt Nam cũng có thể học hỏi cách làm của các nước như Singapore là đánh san hô ở khu vực khác trồng bổ sung vào Hòn Mun nhằm sớm khôi phục hệ san hô ở đây.