Cách Israel tránh được 'ranh giới đỏ' của Mỹ

Vũ Thanh |

Quá trình âm thầm điều chỉnh lại kế hoạch tác chiến của Israel ở Rafah đã giúp nước này tránh được việc vượt qua cảnh báo của Tổng thống Biden.

Cách Israel tránh được 'ranh giới đỏ' của Mỹ- Ảnh 1.

Xe quân sự Israel di chuyển gần biên giới với Dải Gaza ngày 29/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các quan chức Mỹ và Israel cho biết Tel Aviv đã điều chỉnh các hoạt động quân sự ở Rafah sau cuộc thảo luận chuyên sâu với các quan chức Mỹ để tránh vượt qua ranh giới đỏ của chính quyền Tổng thống Joe Biden và gây ra khủng hoảng trong quan hệ với đồng minh thân cận nhất của họ, theo tờ Wall Street Journal.

Israel đã hủy bỏ kế hoạch ban đầu về một cuộc tấn công quy mô lớn với hai sư đoàn tràn vào Rafah, một hoạt động mà Nhà Trắng lo ngại sẽ dẫn đến thương vong cao trong một cuộc xung đột vốn đã khiến số dân thường thiệt mạng tăng vọt.

Thay vào đó, Israel đã lựa chọn một chiến dịch quân sự tập trung vào việc phong tỏa biên giới giữa Gaza và Ai Cập cũng như các cuộc tấn công có hạn chế vào Rafah.

Quá trình âm thầm điều chỉnh lại kế hoạch tác chiến của Israel đã giúp nước này tránh được việc vượt qua cảnh báo của Tổng thống Biden rằng Tel Aviv nên tránh một chiến dịch lớn trên bộ ở Rafah, nếu không sẽ có nguy cơ bị giảm hỗ trợ quân sự từ Mỹ.

Cảnh báo được đưa ra khi Tổng thống Biden nỗ lực gây thêm áp lực lên Hamas và Israel để đồng ý ngừng bắn như một phần của lộ trình ba giai đoạn nhằm chấm dứt giao tranh ở Dải Gaza.

Tuy nhiên, hoạt động quân sự của Israel dù đã được thu hẹp về quy mô vẫn gây thiệt hại cho dân thường ở Rafah. Các quan chức Mỹ và phương Tây khác phàn nàn rằng không có sự chuẩn bị đầy đủ để đảm bảo cho hơn 800.000 thường dân di tản khỏi Rafah trong cuộc giao tranh.

Trong khi đó, căng thẳng mới đã bùng lên giữa Israel với Ai Cập, nước đã ngần ngại mở cửa khẩu biên giới Rafah trong khi phía Gaza bị quân đội Israel tấn công.

Nỗ lực của Israel sử dụng các loại đạn dược nhỏ hơn trong các cuộc không kích đã làm nổi bật sự khó khăn khi tiến hành các hoạt động ở những khu vực đông dân cư. Theo các quan chức Palestine, một cuộc không kích của Israel bằng bom với chỉ khoảng 17 kg chất nổ vẫn khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Israel cho biết hai lãnh đạo cấp cao của Hamas đã thiệt mạng và cho rằng dân thường thiệt mạng có thể là do một vụ nổ từ kho đạn dược của Hamas. Vụ việc vẫn đang được điều tra.

Chính sách ngoại giao không chắc chắn để đảm bảo lệnh ngừng bắn cho thấy cuộc tranh luận về ranh giới đỏ của Mỹ - thuật ngữ mà Tổng thống Biden sử dụng lần đầu tiên vào tháng 3 năm nay - có thể sẽ còn nổi lên trong những tuần tới.

Jonathan Panikoff, cựu sĩ quan tình báo cấp cao của Mỹ, hiện là chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Đã có sự hiểu lầm về nội hàm trong tuyên bố về ranh giới đỏ của Tổng thống Biden.

Đối với nhiều người trong thế giới Arab, nó được hiểu là một hoạt động quân sự ở Rafah bị cấm nếu Israel muốn duy trì sự hỗ trợ của Mỹ. Nhưng đối với nhiều người trong chính quyền Mỹ, Washington chưa bao giờ có ý nói rằng Israel không thể tiến hành chiến dịch quân sự, mà nhằm mục đích nói rằng Israel không thể tiến hành một chiến dịch như đã làm ở Thành phố Gaza hay Khan Younis dẫn đến số người chết và sự tàn phá cao”.

Khái niệm về tối hậu thư từ Tổng thống Mỹ về phạm vi hoạt động quân sự của Israel ở Gaza đã trở thành tâm điểm tranh luận của công chúng khi một người phỏng vấn của kênh MSNBC hỏi ông Biden vào ngày 9/3 rằng liệu một “cuộc tấn công Rafah” của Israel có vượt qua “ranh giới đỏ” của tổng thống với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hay không.

Đối với nhiều quan chức Mỹ, cụm từ “ranh giới đỏ” gợi lên ý niệm về một tối hậu thư cứng nhắc và có một lịch sử không mấy vui vẻ. Năm 2012, Tổng thống Barack Obama nói rằng việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria sẽ là “ranh giới đỏ đối với Mỹ”. Sau đó, ông Obama đã bị chỉ trích khi từ chối sử dụng lực lượng quân sự để can thiệp sau vụ hơn 1.400 người bị thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.

Đằng sau những cánh cửa đóng kín, kế hoạch của Israel về tấn công vào Rafah đã được thảo luận rộng rãi trong Nhóm tư vấn chiến lược, bao gồm các quan chức cấp cao của Mỹ và Israel, những người thường xuyên trao đổi trực tuyến và trực tiếp. Một quan chức Israel cho biết: “Họ không sử dụng 'ranh giới đỏ' mà chỉ nói rằng hãy làm theo cách khác để giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Đó là cách họ trao đổi”.

Khi Israel phát triển chiến lược, ý tưởng triển khai hai sư đoàn tấn công Rafah, thành phố đông đúc với hơn một triệu dân, đã bị gạt sang một bên. Một kế hoạch khác đã được vạch ra nhằm kiểm soát cửa khẩu Rafah từ Ai Cập đến Israel và một dải dọc biên giới Gaza với Ai Cập mà Israel cho rằng có nhiều đường hầm Hamas đã sử dụng để nhận vũ khí, vật liệu xây dựng và các vật tư khác.

Quan chức Israel trên tiếp tục: “Không phải là chúng tôi chỉ điều chỉnh kế hoạch của mình để làm hài lòng Mỹ mà không đạt được mục tiêu. Chúng tôi không từ bỏ mục tiêu đánh bại Hamas ở Rafah”.

Các quan chức Mỹ cho biết họ kỳ vọng kế hoạch của Israel sẽ bao gồm những cuộc đột kích vào Rafah để tìm kiếm các thành viên Hamas và con tin, chứ không phải là một cuộc tấn công ồ ạt trên bộ. Nhà Trắng cũng xác nhận đang theo dõi các hoạt động của Israel.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi sẽ không hỗ trợ một chiến dịch lớn trên bộ ở Rafah. Một chiến dịch lớn trên bộ đòi hỏi rất nhiều đơn vị, hàng chục nghìn quân, cơ động trong một loạt các hành động phối hợp tấn công nhiều mục tiêu trên mặt đất một cách ồ ạt. Hiện chúng tôi chưa thấy họ (quân đội Israel) thực hiện theo cách đó”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại