Cách Hòa Bình đối mặt với tình thế "ngàn cân treo sợi tóc": Từ tai nạn lao động tới nguy cơ vỡ hầm khi xây cao ốc, Chủ tịch đều thân chinh giải quyết, biến nguy thành cơ

Quỳnh Như |

Trong suốt 34 năm gầy dựng – phát triển, Chủ tịch Hòa Bình - Lê Viết Hải và doanh nghiệp mình từng đã trải qua rất nhiều tình huống nguy hiểm kiểu ‘ngàn cân treo sợi tóc’: từ sự cố kỹ thuật nghiêm trọng có thể dẫn đến tội hình sự đến những sai sót nguy hiểm ở các công trình biểu tượng như The Manor. Nhờ thế, trong Covid-19, ông vẫn biết cách biến trở lực thành động lực.

Những bài học kinh nghiệm thương đau của Chủ tịch Hòa Bình trong quá khứ

"Tôi vẫn nhớ như in lời ba tôi thường dạy: thành công không tự mãn, thất bại không nản lòng. Câu nói này khác hoàn toàn câu ‘thắng không kiêu, bại không nản’.

Bởi, nếu ông chủ ‘tự mãn’ sau khi thành công thì sẽ ‘giết chết’ doanh nghiệp, bởi anh ta không còn muốn phấn đấu vươn lên hoặc trưởng thành hơn, khả năng vượt qua thử thách cũng kém", ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bày tỏ trong Talkshow Khát vọng do YBA tổ chức.

Nhờ luôn tâm niệm trong lòng câu nói đó, mà trong hơn 30 năm gầy dựng và phát triển Hòa Bình, ông cùng doanh nghiệp của mình đã vượt qua những thử thách tưởng rằng không thể vượt qua.

Trong quá khứ, Hòa Bình từng gặp sự cố rất nghiêm trọng: đó là quản lý thiếu an toàn gây ra tai nạn chết người, có thể đối diện với tội hình sự. Đây là một thử thách lớn mà hầu hết lãnh đạo làm trong ngành xây dựng đều phải trải qua.

Ông Lê Viết Hải nhớ lại: trong những trường hợp như thế, chúng ta cần phải bình tĩnh tìm giải pháp để khách phục sự cố - giải quyết vấn đề. Ví dụ: như đầu tiên phải chia sẻ nỗi đau của gia đình mất mát người thân, đứng ra chịu trách nhiệm của nhà thầu vì đã để xảy ra sự cố.

Cách Hòa Bình đối mặt với tình thế ngàn cân treo sợi tóc: Từ tai nạn lao động tới nguy cơ vỡ hầm khi xây cao ốc, Chủ tịch đều thân chinh giải quyết, biến nguy thành cơ - Ảnh 2.

"Chúng ta nên bình tĩnh xử lý từng việc một, đừng để nỗi đau hoặc sự lo lắng xâm chiếm tâm trí mình. Chỉ khi để đầu óc mình bình tĩnh, mình mới có thể chọn được giải pháp tốt nhất giải quyết những vấn đề phức tạp nhất", Chủ tịch Hòa Bình Group đúc kết kinh nghiệm.

Hay trong năm 2017, trên công trường của Hòa Bình cũng đã xảy ra tai nạn lao động khá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong những năm 2018, 2019 và 2020, doanh nghiệp này đã không để xảy ra bất cứ một tai nạn lớn nào. Bởi sau sự vụ năm 2017, họ đã chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống để bảo đảm an toàn tuyệt đối ở tất cả các công trường.

Hoặc việc vị Chủ tịch này đã phải đích thân đi giải quyết sự cố kỹ thuật phức tạp ở tầng hầm thứ 3 của dự án The Manor Nguyễn Hữu Cảnh cách đây khoảng hơn 10 năm, cũng là một trong những truyền kỳ trong giới xây dựng.

Lúc đó, Hòa Bình đã rất tự hào vì được Tập đoàn Bitexco lựa chọn làm nhà thầu chính dự án The Manor ở đường Nguyễn Hữu Cảnh – một trong những dự án bất động sản hạng sang đầu tiên tại TP.HCM.

Cách Hòa Bình đối mặt với tình thế ngàn cân treo sợi tóc: Từ tai nạn lao động tới nguy cơ vỡ hầm khi xây cao ốc, Chủ tịch đều thân chinh giải quyết, biến nguy thành cơ - Ảnh 3.

Dự án The Manor Nguyễn Hữu Cảnh.

"Tại thời điểm đó, tường vây của tầng hầm thứ 3 của dự án The Manor là do một nhà thầu khác xây dựng, sử dụng kỹ thuật công nghệ mới và các doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về xây dựng các tầng hầm sâu. Vậy nên, họ đã chưa thể tính toán chính xác sự tác động của nhiều yếu tố lên tường vây.

Con đường Nguyễn Hữu Cảnh phía trước The Monor khá tệ, vừa thường xuyên ngập nước khi trời mưa lớn vừa đầy ổ voi và ổ gà. Đã thế, hằng ngày có rất nhiều xe tải với trọng tải lớn đi qua con đường này. Mỗi khi xe tải đi qua, tác động lên nền đất ở đây trong khoảng thời gian dài, đã khiến tường vây di chuyển, dầm sàn bên trong đứng trước nguy cơ bị vỡ. Tức, tầng hầm thứ ba có khả năng sập bất cứ lúc nào.

Lúc đó, không ai dám xuống, nên tôi buộc phải xuống xem để có thể tận mắt nhìn thấy vấn đề. Có như thế, mình mới đánh giá mức độ nguy hiểm của nó như thế nào, nhằm tìm giải pháp khắc phục sự cố và phải quyết định nhanh chứ chậm chút nào nguy hiểm chút nấy. Giải pháp là phải giằng chống làm sao để giảm tác động bên ngoài vào tường vây, để tường vây an toàn hơn.

Khi vụ việc xảy ra, mặc dù Hòa Bình không phải là người làm ra tường vây, trách nhiệm thuộc về nhà thi công chính, nhà tư vấn – thiết kế, nhưng với tư cách là nhà thầu chính, chúng tôi vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới. Hơn nữa, nếu lúc đó Hòa Bình thay vì ngay lập tức xắn tay vào giải quyết, lại đi tìm người chịu trách nhiệm, có thể đã xảy ra thảm họa", Chủ tịch Lê Viết Hải khẳng định.

Hòa Bình đã biến ‘nguy thành cơ’ như thế nào trong Covid-19?

Việc đã phải trải qua rất nhiều tình huống nguy hiểm kiểu ‘ngàn cân treo sợi tóc’ trong quá khứ, cho ông bài học: muốn tiếp tục đi tới mục tiêu khát vọng, phải biết biến khó khăn thành thử thách và động lực phát triển, biến trở lực thành động.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Hòa Bình đã gặp rất nhiều khó khăn trên thị trường khi Covid-19 ập đến. Covid-19 khiến Hòa Bình phải ngừng thi công các công trình song chi phí sản xuất – kinh doanh lại không giảm đáng kể, sản lượng không có, cán bộ công nhân viên làm việc trong điều kiện khó khăn….

Thay vì than vãn, Chủ tịch Hòa Bình đã tập trung thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp của mình diễn ra nhanh hơn, giúp nhân sự có thể phối hợp và tác nghiệp online. Thậm chí, khi họp online toàn quốc còn đông đủ hơn offline.

Cách Hòa Bình đối mặt với tình thế ngàn cân treo sợi tóc: Từ tai nạn lao động tới nguy cơ vỡ hầm khi xây cao ốc, Chủ tịch đều thân chinh giải quyết, biến nguy thành cơ - Ảnh 5.

Covid-19 đã giúp Tập đoàn Hòa Bình đi rất nhanh ở chiến lược chuyển đổi số.

Có thể nói, nhờ Covid-19, Hòa Bình đã vận dùng và áp dụng chuyển đổi số nhanh hơn kế hoạch, giúp hạn chế tác động xấu của Covid-19, khiến doanh nghiệp hoạt động ngày càng tốt hơn.

Cụ thể: do Hòa Bình đang có quy mô rất lớn với hàng trăm công trình, hàng chục ngàn công nhân và hàng chục ngàn đầu việc khác nhau nên họ không thể sử dụng 1 hệ thống công nghệ. Hiện tại, Hòa Bình đang có 3 hệ thống lớn hoạt động song song: 1 ERP quản lý hoạt động chung (đầu tư cách đây hơn 10 năm), 1 hệ thống công nghệ quản lý thông tin dự án, 1 hệ thống công nghệ quản lý về kỹ thuật.

"Hòa Bình đang có ý định tích hợp 3 hệ thống quan trọng nhất này lại với nhau để có thể khai thác thông tin hiệu quả hơn. Mục tiêu của chúng tôi trong tương lai là để máy móc thay con người làm những hoạt động trí óc.

Nôm na là chúng tôi muốn, dựa trên sự phân tích của máy móc về nhân sự - công trình – dự án…; rồi nó có thể đưa ra sơ đồ tổ chức phù hợp nhất cho từng công trình – dự án. Chúng tôi cũng muốn máy móc hỗ trợ trong việc quản lý thiết bị, vật tư, tài chính, nhân lực… Chúng tôi muốn máy móc hỗ trợ mình khi chúng tôi cần ra quyết định.

Hiện tại, Hòa Bình vẫn chưa đi đến được mức độ này của công nghệ", ông Lê Viết Hải tiết lộ.

Cũng theo ông Hải, nhờ áp dụng kỹ thuật – công nghệ sớm, ngành xây dựng Việt Nam đang đi rất nhanh. Sau thế chiến thứ 2, ngành xây dựng Việt Nam không có công nghệ gì, lạc hậu rất nhiều so với khu vực. Nhưng chỉ trong 20 năm, từ 1995 đến 2015, chúng ta đã thay đổi thần tốc. Ngành xây dựng Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn vượt qua một số nước trong khu vực ở một số mặt nhất định.

Ngành xây dựng Việt Nam đã dùng 20 năm để làm khối lượng công việc mà người khác làm trong 70 năm!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại