Thổi còi trước khi đèn đỏ
Ban đầu, nó chỉ là tấm biển viết chữ GO và STOP do các thầy cẩm giơ lên để điều tiết đám xe ngựa và người đi bộ. Đến năm 1868 thì những chiếc biển này được thay bằng đèn thắp bằng khí ga có hai màu xanh và đỏ. Chiếc đầu tiên được lắp ở giao lộ George Street và Bridge Street gần tòa nhà quốc hội ở London.
Hệ thống đèn giao thông đầu tiên trên thế giới xuất hiện tại London, Anh năm 1868, được sử dụng để kiểm soát giao thông đường sắt tại ngã giao giữa phố George và Bridge.
Cấu tạo hệ thống đèn này chỉ gồm một tay đòn sắt treo hai cái đèn và vươn ra giữa ngã tư. Tín hiệu đèn được các thầy cẩm điều khiển bằng tay. Trước khi thay đổi tín hiệu, các thầy sẽ rướn cổ thổi ba hồi còi để cảnh báo.
Luật giao thông của nước Anh hồi đó qui định rõ như sau: đèn xanh là được đi, đỏ là cấm đi, và khi nghe thấy hiệu còi toe toe toe thì những phương tiện ngoài khu vực ngã tư phải dừng lại trước vạch dừng. Những phương tiện đã nằm trong khu vực ngã tư thì được đi tiếp.
Tuy nhiên, hệ thống đèn giao thông này tỏ ra không an toàn cho người điều khiển. Năm 1869, một cột đèn bị rò khí ga và phát nổ khiến hai thầy cẩm phải nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Và lúc này, các thầy cẩm người Mỹ bắt đầu lên tiếng.
Cho đến chiếc đèn vàng
Tại Mỹ, năm 1912 viên cảnh sát Lester Wire đã cải tiến hệ thống đèn giao thông đầu tiên chạy bằng điện, cũng vẫn với hai màu đèn: màu đỏ và màu xanh lá cây. Hệ thống đèn giao thông điện đầu tiên này được lắp đặt ở Cleveland.
Hệ thống đèn tín hiệu ở Cleveland (Anh) năm 1914, chỉ có hai màu xanh và đỏ.
Thế nhưng để cảnh báo sự thay đổi giữa hai màu đèn, các nhân viên cảnh sát vẫn phải gân cổ lên để thổi ba hồi còi dõng dạc.
Rắc rối xảy ra khi số lượng phương tiện cơ giới tăng vọt. Trong những tiếng rú động cơ ầm ĩ, tiếng còi của cảnh sát thường lọt thỏm và do vậy chiếc đèn vàng ra đời như một sự tất yếu. Chiếc đèn vàng này cũng là phát minh của một thầy cẩm Mỹ.
Vào năm 1920, William Potts-một sĩ quan cảnh sát Mỹ ở Detroit đã quyết định cải tiến và chế tạo ra hệ thống đèn giao thông với ba màu là đỏ, vàng và xanh lá cây. Hệ thống đèn mới này lần đầu tiên được lắp đặt trên giao lộ giữa Avenues Woodward và Michigan tại Detroit. Một vài năm sau, loại đèn tín hiệu này đã lan ra toàn thế giới.
Một trong những tiêu chí quan trọng để tránh lỗi vượt đèn vàng là khi bạn vượt qua giao lộ thì đèn mới chuyển sang đỏ. Lúc đó chắc chắn bạn sẽ không bị phạt.
Và như vậy, thời lượng của đèn vàng là yếu tố vô cùng quan trọng.
Tiến thoái lưỡng nan
Theo nghiên cứu của giáo sư Hesham Rakha, Học viện công nghệ giao thông bang Virginia (Mỹ), xác định thời lượng đèn vàng không chuẩn sẽ làm lái xe rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Đạp phanh thì sợ bị tông vào đuôi, mà tăng ga thì sợ ăn vé phạt. Sự lúng túng này của các lái xe làm gia tăng đáng kể các tai nạn tại các giao lộ.
Tháp đèn giao thông trong trung tâm tại Potsdamer Platz ở Berlin, Đức , năm 1925
Ở Việt Nam, luật giao thông và đèn tín hiệu cũng chả khác gì Anh hay Mỹ, chỉ khác là có những con người quí trọng từng giây. Họ quí đến nỗi nhiều khi hiến dâng cả cuộc đời để đổi lấy vài giây ngắn ngủi. Đối với họ, chiếc đèn vàng chỉ đơn giản là tín hiệu tăng ga.
Và để đối phó với tình trạng tăng ga này, cảnh sát giao thông Việt Nam gần đây đã quyết định tăng giá phạt.
Điều bất cập duy nhất ở đây là xác định phương tiện nào nằm trong ngã tư, phương tiện nào nằm ngoài ngã tư (căn cứ để phạt). Sẽ rất khó cho các anh cảnh sát giao thông, khi dưới cái nóng lóa mắt và ngã tư đông đặc vẫn phải nhận ra phương tiện nào phải phạt vì lỗi vượt đèn vàng, phương tiện nào được chạy tiếp.
Chắc chắn sẽ có những vụ tranh cãi nảy lửa giữa các anh và người bị phạt, kèm theo là vài clip minh họa.
Thấy đèn vàng, hãy liếc gương chiếu hậu
Nhưng, việc tăng mức phạt với hành vi cố vượt đèn vàng là một chủ trương đúng trong nỗ lực ổn định lại trật tự giao thông vô cùng hỗn độn tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Dù trong thời gian đầu nó chắc chắn sẽ làm gia tăng các vụ va chạm xe cộ tại các điểm giao cắt.
Tuy nhiên, những người tham gia giao thông sẽ phải điều chỉnh thói quen chạy xe, cụ thể là phải giảm tốc độ đến mức an toàn khi tới ngã tư và chú ý quan sát đèn tín hiệu.
Chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm hay: những năm 60 của thế kỷ trước luôn có hai vạch dừng trước mỗi giao lộ. Vạch thứ nhất cách vạch thứ vài mét. Khi có đèn vàng mà xe chưa qua vạch thứ nhất thì phải dừng lại, nếu qua rồi thì được đi tiếp.
Hai vạch dừng này có lẽ nên được các cơ quan hữu quan cho thực thi lại và thời lượng đèn vàng nên được tính toán sao cho phù hợp với từng giao lộ cụ thể.
Và khi toàn bộ những chiếc đèn giao thông ba màu kiểu 100 năm trước được thay dần bằng đèn kiểu mới chỉ hai màu xanh đỏ kèm đồng hồ đếm ngược, người tham gia giao thông sẽ dễ dàng hơn khi nhận biết tín hiệu thay đổi.
Cho tới lúc đó, khi nhìn thấy đèn vàng, bạn nên liếc gương chiếu hậu để kiểm tra trước khi đạp phanh dừng lại.
Tại Anh, ở mỗi giao lộ khác nhau, thời gian sáng của đèn vàng cũng khác nhau. Thời gian này được các kỹ sư tính toán cẩn thận dựa trên bốn yếu tố là: tốc độ của phương tiện khi vào giao lộ; thời gian phản ứng của lái xe; độ dốc của đường và cuối cùng là tỉ số giảm tốc. Theo thống kê, thời lượng của đèn vàng dao động từ 3 giây đến 6 giây.
Vài năm trước, thống đốc bang California (Mỹ) kiêm diễn viên điện ảnh, nổi tiếng trong loạt phim Kẻ hủy diệt-ngài Arnold Schwarzenegger, được cho là đã ra lệnh điều chỉnh đèn vàng từ 4,2 giây xuống còn 3 giây và lắp đặt thêm 500 camera ghi hình tại các giao lộ để phạt nguội các xe vi phạm.
Sáng kiến này làm tăng doanh thu bổ sung hàng năm cho bang này từ vé phạt đạt 338 triệu USD. Tuy nhiên, đi kèm với nó là sự gia tăng đến 20% các vụ tai nạn tông xe vào đuôi nhau ở các giao lộ.
Ngài giám đốc đối ngoại của American Automobile Association đã cay đắng nhận xét rằng: Đây dường như một sáng kiến hay cho những thành phố khát kinh phí.
*Ảnh sử dụng trong bài nguồn từ Internet.