Rời thành phố ra đảo sinh sống và làm việc không phải là điều mới mẻ, nhất là khi người trẻ có thể tìm thấy cơ hội công việc dù ở bất cứ đâu. Trong đó nhiều người chọn kinh doanh homestay, dịch vụ lưu trú cho khách du lịch đến đảo.
Vậy làm gì để có tiền ra đảo mở homestay? Và có tiền thôi đã đủ chưa hay còn phải đối mặt với khó khăn gì khác? Biết rõ đáp án nhất chính là những người trẻ đã bỏ phố ra đảo làm homestay!
Tiền đâu để ra đảo kinh doanh?
Hoàng Đình Ngân (23 tuổi, Yên Bái) - đang vận hành một villa ở đảo Bình Hưng (Khánh Hòa) đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng, hùn vốn cùng với 2 người anh thân thiết, mua đất để mở villa. Tính đến hiện tại, Ngân đã ở đây được 4 tháng.
Trả lời cho câu hỏi trên, Ngân cho biết hơn 3 tỷ này là tiền bản thân tích cóp được từ trước đến nay. Trước đó, anh chàng có một chuỗi cơ sở xe đẩy bánh gà, một quán cà phê và vài kênh TikTok từ hàng chục đến hàng trăm nghìn lượt theo dõi nên có thu nhập khá ổn định. Trước khi ra đảo ở hẳn, Ngân cũng mất 2 tháng để tiết kiệm thêm tiền, đi đòi nợ, đồng thời tìm nhân sự giúp mình quản lý công việc ở đất liền.
Đình Ngân
Tương tự Đình Ngân, Minh Tùng (23 tuổi, TPHCM) cũng dồn hết tiền tiết kiệm từ lúc đi làm đến lúc quyết định nghỉ việc để mở homestay ở Phú Quý vào khoảng đầu năm nay. Tuy nhiên, số tiền thực tế vượt xa dự toán, anh chàng phải nhờ đến sự hỗ trợ của người thân. Hiện tại số tiền đầu tư vào homestay đã lên đến hàng tỷ đồng, trong đó vốn của anh chàng là 70%, 30% còn lại là vay mượn và kêu gọi đầu tư.
Minh Tùng
Mạo hiểm hơn, Phương Đông (27 tuổi, Bình Thuận) kinh doanh homestay ở đảo Phú Quý lại đi vay ngân hàng phần lớn số tiền vốn liếng. Quyết định này được đưa ra từ 5 năm trước, khi đó anh chàng mới 22 tuổi.
Theo dự tính ban đầu của Phương Đông, số tiền có thể lên đến 2 tỷ đồng. Tuy được gia đình ủng hộ nhưng số tiền đó không nhiều nên Đông phải vay mượn thêm bạn bè. Số tiền còn lại, khoảng 70% thì anh chàng đi vay ngân hàng. Cuối cùng mất hơn 9 tháng, Phương Đông mới có thể hoàn thiện được homestay rộng 150m2 của mình với kinh phí hơn 2 tỷ.
Phương Đông
Thanh Ngân (23 tuổi, TPHCM) quyết định ra Phú Quý xây homestay khi chỉ có vỏn vẹn 200 triệu đồng trong tay. Đây là số tiền cô bạn tích cóp được sau hơn nửa năm “cày” liên tục, sống tiết kiệm và vay mượn thêm từ ba mẹ.
Khởi nghiệp trên đảo không dễ
Chuyển đến một vùng đất xa lạ để sinh sống không phải là chuyện dễ dàng, muốn kinh doanh ở đó lại càng nhiều trở ngại hơn nữa. Vậy nên chuẩn bị tiền thôi chưa đủ, người trẻ ra đảo làm homestay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nhau.
Dù đã có kinh nghiệm làm F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ thực phẩm) ở Bắc Ninh nhưng Đình Ngân cũng có nhiều điều bỡ ngỡ khi kinh doanh ở Bình Hưng. Cái khó đầu tiên mà anh chàng gặp phải là vấn đề nước ngọt.
Hiện tại villa của Ngân đang có 4 phòng, sức chứa 20 người nhưng mỗi tháng đã hết 2 - 3 triệu đồng tiền nước ngọt. Có hôm cuối tuần, khách đông mà phía Ngân chưa chuẩn bị kịp nước ngọt nên phải lấy nước suối để pha cà phê cho khách. Nước ngọt mua tại đảo cũng rất đắt nên ngày bán hàng hôm đó gần như không có lời.
Tiếp theo là vấn đề nhân sự. Thời gian đầu, vì chưa quen cách làm việc của mọi người ở đây mà Đình Ngân để mất một vài nhân sự tốt. Ngoài ra ở đây khá ít dân cư, nhiều thứ thiếu thốn nên anh chàng phải lên mạng đặt mua đồ, chi phí xây dựng và decor villa cao gấp 3 lần so với đất liền.
Với Minh Tùng, phần lớn khó khăn tập trung trong quá trình thi công. Anh cho biết thợ ở đảo rất nhiệt tình và nhiều kinh nghiệm nhưng cũng có những hạn chế. Bên cạnh đó homestay của Tùng có diện tích nhỏ, ít phòng nên không mua được giá tốt. Hơn nữa trên đảo cũng thiếu thốn nhiều thứ nên không có nhiều sự lựa chọn.
Homestay của Minh Tùng
Phương Đông cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng villa. Năm đó vật tư leo thang, chi phí vận chuyển cao do thời tiết và giá thành nên những tính toán của anh chàng trước đó đều khác so với thực tế.
Khi bước vào kinh doanh, Đông tiếp tục có những bài toán mới như mùa kinh doanh ra tiền chỉ khoảng tháng 3 - 9, trong khi 6 tháng còn lại hầu như nằm im nên phải tính toán kỹ càng để không lỗ nặng. Trong quá trình vận hành, Đông phải tính đến cả việc bảo trì theo quý hoặc năm cho homestay trước ảnh hưởng của thời tiết.
Nhiều “kiếp nạn” không kém là Thanh Ngân. Vì vốn mỏng nên cô bạn thuê một căn nhà cũ theo năm. Để tiết kiệm chi phí, Ngân tự sơn lại nhà nhưng cuối cùng làm không nổi phải thuê thợ. Sơn sửa xong xuôi nhưng vì mưa bão nhiều nên tường vẫn bị ngấm nước như thường. Có tháng mọi thứ trong nhà đều hư hỏng tanh bành, Ngân không làm ăn được mà chỉ lo sửa chữa.
Căn nhà Thanh Ngân thuê làm homestay