Tiêu chuẩn đầu tiên của Hoàng đế thời phong kiến Trung Quốc khi chọn người kế vị là lập đích lập trưởng, con trai đầu lòng do chính thê sinh ra là trưởng tử, địa vị tôn quý. Bất kể trong trường hợp nào cũng phải cân nhắc con trai trưởng trước, sau đó mới suy xét đến các ứng cử viên tài đức vẹn toàn khác.
Nhưng ở thời nhà Tống, có một vị Hoàng đế sắc lập thái tử bằng phương pháp kỳ lạ. Ông không cần biết là con trưởng hay con thứ, mà cho hai vị hoàng tử mỗi người 10 mỹ nữ, chờ một tháng sau lại kiểm tra, người nào khiến ông hài lòng, người đó được làm Thái tử.
Sau Sự biến Tĩnh Khang, Bắc Tống diệt vong, con trai của Tống Huy Tông là Triệu Cấu lên ngôi, trở thành Hoàng đế khai quốc của Nam Tống, sử gọi là Tống Cao Tông.
Cuộc đời Triệu Cấu không có con nối dõi, nguyên nhân không có ghi chép trong lịch sử. Thân là Hoàng đế nhưng không có con nối dõi, cũng không có người tiếp quản giang sơn, nói ra chẳng phải khiến người ta chê cười sao?
Triệu Cấu nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ ra một biện pháp, quyết định chọn ra một người có năng lực xuất sắc lập làm Thái tử từ trong đám con cháu tông thất. Có hai vị hoàng tử được lựa chọn: Triệu Thận và Triệu Trác.
Triệu Thận có vóc dáng nhỏ gầy, thoạt nhìn không được phong độ cho lắm. Triệu Trác thì trắng trẻo khỏe mạnh. Chỉ từ ngoại hình, Triệu Cấu thích Triệu Trác hơn vì mang khí khái quyền quý, ngược lại không có hứng thú với Triệu Thận.
Hôm đó, Triệu Cấu một mình gọi hai vị hoàng tử vào tẩm điện nói chuyện. Giữa chừng, một con mèo đột nhiên xông vào, Triệu Trác sợ hãi biến sắc, xoay qua xoay lại, hoàn toàn bị mèo thu hút sự chú ý, căn bản không nghe Tống Cao Tông nói gì.
Triệu Thận nhỏ gầy thì khác, không chỉ không bị mèo tác động, mà hết sức chăm chú nghe Tống Cao Tông nói, ánh mắt kiên định có thần, toát ra sự bình tĩnh thong dong.
Tống Cao Tông ghi nhớ chi tiết này trong lòng, tâm đã có quyết định nhưng không nói, cũng không vội vàng lập Thái tử. Hơn nữa ông còn có một chút lưỡng lự, cảm thấy sau này mình còn có thể sinh con, kế thừa ngôi vị Hoàng đế, nếu thế thì đương nhiên vương quyền thuộc về con mình vẫn hơn.
Lấy mỹ nữ chọn thái tử
Nhiều năm trôi qua, hai hoàng tử cũng trưởng thành, Triệu Cấu lại không có con. Các đại thần trong triều gấp đến độ liên tục thỉnh tấu Triệu Cấu lập Thái tử.
Cuối cùng nhìn hậu cung ba nghìn giai lệ, ông nghĩ ra một kế, dùng mỹ nữ thăm dò hai hoàng tử, xem ai có thể vượt qua thử thách.
Phương pháp Triệu Cấu dùng mỹ nữ thăm dò hoàng tử là tiền lệ có một không hai trong các triều đại phong kiến, là muốn xem ai có thể “tâm không loạn” trước sắc dục.
Triệu Cấu gọi hai hoàng tử Triệu Thận và Triệu Trác lên đại điện, mỗi người ban cho 10 mỹ nữ. Đợi đến một tháng sau, Triệu Cấu phái người đi kiểm tra những mỹ nữ này, phát hiện 10 mỹ nữ ban cho Triệu Trác đã không còn dáng vẻ yêu kiều, xinh đẹp, mà xơ xác đến đáng thương. Trong khi đó, 10 mỹ nữ của Triệu Thận lại trước sau như một, điều này làm cho Triệu Cấu mừng rỡ, lúc này hạ lệnh lập Triệu Thận làm Thái tử.
Phương pháp Triệu Cấu sử dụng mỹ nữ chọn Thái tử tuy hơi khác biệt, nhưng lại tạo ra kết quá không ngờ. Thái tử Triệu Thận chính là Tống Hiếu Tông trong lịch sử.
Tống Hiếu Tông được đánh giá là vị Hoàng đế có năng lực nhất Tống triều, làm người khiêm tốn, không tham nữ sắc, chính trực yêu dân.
Trong thời gian Tống Hiếu Tông tại vị, con dân Nam Tống có thể sống ổn định giàu có.
Không chỉ thế, Tống Hiếu Tông biết rõ vụ Nhạc phi phản loạn là một oan án chấn động liên quan đến Tống Cao Tông Triệu Cấu. Vì thế ông đã rửa sạch oan tình cho gia đình nhà họ Nhạc, chiếu cáo thiên hạ.
Đối mặt với 10 mỹ nữ, Tống Hiếu Tông còn có thể giữ vững “thanh tâm quả dục”, đủ để nhìn ra tính cách cùng nhân phẩm đáng được công nhận, là một sự hiếm có từ cổ chí kim, cũng chính là điều mà thiên hạ Nam Tống lúc bấy giờ cần.
Nguồn: Sohu