Cách biệt về vaccine Covid-19 sẽ khiến nước giàu ngày càng giàu và nước nghèo ngày càng nghèo

Thái Quỳnh |

IMF cho rằng, khoảng cách giữa các nền kinh tế giàu và nghèo đã gia tăng trong đại dịch và có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nữa trong năm tới. Tổ chức này dự báo, kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 4,5 nghìn tỷ USD nếu nước giàu không giúp nước nghèo chống Covid-19.

IMF cảnh báo trong báo cáo mới nhất, rằng nền kinh tế thế giới có nguy cơ thiệt hại 4,5 nghìn tỷ USD nếu để các biến thể Covid-19 lây nhiễm cao bùng nổ tại các quốc gia nghèo, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Và thiệt hại đó phần lớn sẽ đánh vào các nước nghèo.

Tổ chức này kêu gọi các quốc gia giàu có hành động khẩn cấp để chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vaccine với các quốc gia đang phát triển. Nếu không, dịch bệnh có nguy cơ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng. IMF cho rằng, khoảng cách giữa các nền kinh tế giàu và nghèo đã gia tăng trong đại dịch và có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nữa trong năm tới.

Việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng đã cải thiện triển vọng kinh tế ở các nước giàu. Trong khi, việc thiếu nguồn lực để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng và hỗ trợ mở cửa nền kinh tế đã làm giảm tốc độ tăng trưởng ở các nước thu nhập thấp.

IMF cho biết các thị trường tài chính có thể rơi vào tình trạng hoảng loạn nếu virus được cho là đang lây lan ngoài tầm kiểm soát, hạn chế cho vay và đầu tư, đồng thời hạ thấp tiềm năng tăng trưởng trong nhiều năm.

Trong khi sự thay đổi như vậy sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của các nước giàu, nhà kinh tế trưởng của IMF, Gita Gopinath, cho biết: "Một đại dịch tồi tệ hơn và các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ gây ra tác động kép đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển và cản trở sự phục hồi của họ. "

Trong những tháng gần đây, IMF đã cùng với Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới thúc giục việc triển khai rộng rãi hơn các loại vaccine ở các nước đang phát triển. Báo cáo cho biết gần 40% dân số ở các nền kinh tế tiên tiến đã được tiêm phòng đầy đủ, cao hơn nhiều so với chỉ 11% ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và một phần nhỏ ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp.

Kinh tế trưởng IMF Gopinath cho biết: "Cần có hành động đa phương để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng trên toàn thế giới. Điều này sẽ cứu vô số mạng sống, ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện và cứu hàng nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu".

Đề xuất gần đây nhất của IMF nhằm chấm dứt đại dịch là đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở mọi quốc gia vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% vào giữa năm 2022 với chi phí 50 tỷ USD.

Báo cáo cho biết: "Vào cuối tháng 6 năm 2021, tốc độ tiêm chủng hàng ngày trên toàn cầu ở mức khoảng 40 triệu liều mỗi ngày, riêng Trung Quốc đã chiếm hơn 20 triệu liều mỗi ngày. Các nước có thu nhập cao tiêm trung bình 7 triệu liều mỗi ngày. Ngược lại, các nước thu nhập thấp là dưới 100.000 liều mỗi ngày".

"Nguồn cung và vận chuyển vaccine đến các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp phải tăng mạnh để đáp ứng các mục tiêu của đề xuất. Gần một nửa số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày giảm xuống dưới mức cần thiết để đạt được mục tiêu 40% vào cuối năm 2021".

Bà Gopinath cho biết nhiều quốc gia đã phải trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại, bao gồm cả Ấn Độ sau đợt Covid thứ hai nghiêm trọng từ tháng 3 đến tháng 5 và các đợt tương tự gần đây hơn ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Trong báo cáo mới công bố, IMF dự báo khu vực châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, giảm 1,1% so với dự báo trước đó được đưa ra vào hồi tháng 4. IMF cũng hạ 0,4 điểm % cho dự báo đối với các nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu.

IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm nay của Ấn Độ 3,0 điểm xuống còn 9,5%. Dự báo cho nhóm ASEAN-5 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã giảm 0,6 điểm xuống 4,3%.

Dự báo năm 2021 của Trung Quốc được điều chỉnh giảm 0,3 điểm xuống 8,1% do đầu tư công và hỗ trợ tài khóa chậm lại. Đối với năm 2022, IMF nâng dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á mới nổi thêm 0,4 điểm lên 6,4%.

Đông Nam Á đã trở thành điểm nóng Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Delta, buộc các quốc gia phải áp đặt các lệnh cấm đi lại và các biện pháp giãn cách, đang ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng.

Cụ thể trong khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng cho Indonesia hạ 0,4 điểm % xuống còn 3,9%; Malaysia hạ 1,8 điểm % xuống còn 4,7%; Philippines hạ 1,5 điểm % xuống còn 5,4% và Thái Lan hạ 0,5 điểm % xuống còn 2,1%. Trong báo cáo lần này, IMF chưa đề cập đến sự thay đổi cho dự báo tăng trưởng của Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại