Trong những ngày qua, nhiều nước trên thế giới đã hứng chịu mưa lũ lịch sử trong hơn một thế kỷ, hoặc chứng kiến nắng nóng phá vỡ kỉ lục nhiệt độ cao nhất trong 120.000 năm. Trong nắng nóng thảm họa ấy, những người khá giả sống trong môi trường điều hòa mát lạnh (Mỹ), còn người nghèo mưu sinh dưới nắng nóng bỏng rát (Nam Á). Và khi lũ lụt diễn ra, có những người nghèo sống trong căn hộ bán hầm, tối tăm đã chịu cảnh mất đi mạng sống (Hàn Quốc)
Trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, bất cứ ai cũng bị ảnh hưởng, nhưng thực tế là những người giàu có hơn có điều kiện để chống chọi tốt hơn, người nghèo đã khó lại càng thêm khổ. Trải qua tình trạng thời tiết cực đoan , khí hậu biến đổi như hiện nay, chúng ta mới thấy điều kiện sống khá giả hay thiếu thốn ảnh hưởng thế nào đến chất lượng cuộc sống.
Khoảng cách giàu - nghè o trong xã hội là vấn đề nổi cộm từ rất lâu rồi, nhưng có những giai đoạn tình trạng này chỉ diễn ra âm ỉ. Phải đến khi những khó khăn trở nên mang tính sống còn, sự cách biệt giàu - nghèo mới nổi rõ và tác động lớn đến xã hội, chẳng hạn như khi những sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra liên tục, phá vỡ các kỷ lục như hiện nay.
Ở Mỹ, sau thiên tai, các gia đình giàu nhận được sự trợ giúp của chính phủ nhiều hơn các gia đình nghèo. Những chương trình của chính phủ trả tiền hỗ trợ cho các gia đình dựa trên số thu nhập bị mất sau thiên tai, nên người giàu nhận được nhiều tiền hỗ trợ hơn. Số tiền giảm thuế sau thiên tai cũng được tính nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập cao hơn.
Chương trình hỗ trợ lũ lụt chỉ hỗ trợ những người có bảo hiểm, trong khi nhiều người nghèo không thể có tiền mua bảo hiểm. Chương trình hỗ trợ sau thiên tai của chính phủ ưu tiên phục hồi bất động sản, nên những ai có nhiều nhà đất hơn thường được hưởng lợi hơn.
Khả năng thích ứng của người giàu và người nghèo trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng khác nhau. Người thu nhập thấp (hay những người nghèo trong xã hội) thường không sở hữu những tài sản tạo ra nhiều khí thải nhà kính, còn những người có thu nhập cao lại thường sở hữu tài sản hoặc sử dụng các dịch vụ xả nhiều khí thải nhà kính như dùng điều hòa, sở hữu xe ô tô, đi máy bay...
Theo Ngân hàng Thế giới, các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra tác động trực tiếp đến những ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện đất đai, nguồn nước, khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm như nông nghiệp, ngư nghiệp... Và đây lại là những lĩnh vực mà người thu nhập thấp chiếm số đông.
Tổ chức Lao động quốc tế đã công bố báo cáo cho thấy, nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động, gây thiệt hại kinh tế ước tính lên 2.400 tỷ USD vào năm 2030. Các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp bị thiệt hại nặng nề nhất.
Mặc dù một sự thật hiển nhiên là cả người thu nhập thấp và thu nhập cao đều bị chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng những người được cho là giàu hơn sẽ có điều kiện để có thể thích ứng tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt.
(Ảnh: Los Angeles Times)
Trong điều kiện thời tiết cực đoan, ô nhiễm không khí, thông thường người giàu thường làm việc trong môi trường ít ô nhiễm, tránh được mưa nắng, đi ô tô, hoặc làm việc từ xa, làm việc trong điều kiện tốt hơn. Trong khi đó, người nghèo có xu hướng phải làm việc ngoài trời hoặc trong môi trường độc hại. Có thể nói, người giàu sẽ có nhiều cơ hội bảo vệ sức khỏe bản thân hơn những người có điều kiện kinh tế khó khăn.
Và khi thiên tai như mưa bão xảy ra, khoảng cách giàu nghèo càng rõ ràng hơn. Người giàu có điều kiện tránh trú hoặc làm việc tại những nơi an toàn, bảo vệ tốt hơn tính mạng của họ. Thậm chí, họ còn có khả năng tài chính để trang bị các công nghệ tiên tiến để phòng chống thiên tai. Trong khi đó, người nghèo ở nhiều nơi trên thế giới đều chịu thảm cảnh chung "màn trời chiếu đất". Thậm chí, nhiều ngôi làng, vùng núi bị cô lập trong nước lũ, thiếu thực phẩm, thuốc men và đối mặt với nguy cơ dịch bệnh hay ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt sau lũ.
Một khía cạnh nữa không thể không nhắc tới là vấn đề thiếu lương thực do biến đổi khí hậu. Người giàu được tiếp cận với nguồn thực phẩm đầy đủ và phong phú, trong khi người nghèo luôn gặp khó khăn, thường sẽ phải trông chờ vào trợ cấp, các ngân hàng thực phẩm.
Các sự kiện thời tiết cực đoan thực ra có thể là cơ hội để các nước cả giàu và nghèo cùng cải thiện cơ sở hạ tầng, củng cố nền kinh tế chống chịu với các thách thức của biến đổi khí hậu. Thay vì sau mỗi vụ thiên tai chỉ tái thiết những thứ mang tính bề nổi, phải thay đổi một cách toàn diện những điều kiện mang tính nền tảng như tình trạng nghèo đói, thiếu đảm bảo về kinh tế. Có như vậy tình trạng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu mới không còn để lộ hoặc làm gia tăng khoảng cách giàu - nghèo.